Xe buýt nội đô Seoul |
Vào những năm cuối thế kỷ 20, nhiều thành phố lớn của Hàn Quốc, trong đó có Seoul đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Nhu cầu về nhà ở cùng với sự gia tăng về hệ thống cơ sở vật chất khiến cho hệ thống giao thông của Seoul càng trở nên quá tải. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền công nghiệp lắp ráp xe hơi vào những năm 1980 cũng khiến cho giá thành xe hơi trở nên dễ chịu hơn đối với giới trung lưu, qua đó gia tăng nhu cầu sở hữu xe. Chỉ trong năm 1990, số lượng xe cơ giới đã lên tới 02 triệu chiếc, trong đó hơn 01 triệu xe hoạt động thường xuyên tại Seoul.
Sự phát triển chậm chạp trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vào thời điểm này cũng khiến cho tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng. Ngược lại, với sự tăng trưởng chóng mặt của các phương tiện cá nhân, tổng số chiều dài đường bộ tại Hàn Quốc chỉ tăng từ 47.000km tới 56.700km, tương đương với 12,5%. Tại Seoul, bên cạnh hệ thống đường sá lỗi thời, hệ thống giao thông công cộng của thành phố này cũng được đánh giá là không hiệu quả. Ngoài giao thông đông đúc, sự cạnh tranh quá mức giữa các nhà khai thác xe buýt càng khiến người dân đánh giá hệ thống giao thông công cộng tiêu cực.
Cải thiện chất lượng dịch vụ giao thông công cộng
Trước những thách thức trên, Chính quyền Hàn Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp mới nhằm cải thiện chất lượng và hình ảnh của hệ thống giao thông Thủ đô Seoul. Một trong những biện pháp được đánh giá hiệu quả là kế hoạch chuyển đổi hệ thống xe buýt thành phố từ tư nhân sang bán tư nhân. Trong đó, Thành phố sẽ thu lại quyền điều chỉnh các tuyến đường xe buýt, cải thiện lại chất lượng phúc lợi lao động của ngành vận tải buýt công cộng. Đồng thời, Thành phố cũng tìm cách gia tăng tính cạnh tranh trong ngành dịch vụ này.
Bằng cách đưa chính quyền vào cùng hợp tác quản lý doanh thu và phân phối lợi nhuận dựa trên hiệu suất hoạt động, Chính quyền Seoul đã tách riêng công tác quản lý vận hành và quản lý doanh thu. Trong đó, hệ thống quản lý doanh thu sẽ đảm nhiệm quá trình tập hợp tiền bán vé từ hoạt động vận hành xe buýt, bất kể các tuyến có lợi nhuận hoặc thua lỗ và tiến hành phân phối lại doanh thu hoạt động. Quá trình này giúp cho các công ty vận hành buýt tư nhân có chi phí vận hành cao hơn lợi nhuận có thể dễ dàng được nhận hoàn trả chi phí hoạt động và các công ty hoạt động hiệu quả vẫn có thể thu về lợi nhuận. Bằng cách sử dụng lợi nhuận từ các tuyến buýt đông người để bù đắp thâm hụt cho các tuyến vắng, Chính quyền Seoul đã đảm bảo duy trì chất lượng đồng đều của dịch vụ buýt thành phố.
Đối với hệ thống phúc lợi, trước khi cải cách, mức lương của tài xế xe buýt thành phố thấp hơn so với các đồng nghiệp trong các ngành tương tự. Tài xế xe buýt nội thành đã được trả ít hơn 37% và 50% so với tài xế xe buýt tốc hành và tài xế tàu điện ngầm. Thậm chí, mức lương thấp dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực và giảm chất lượng dịch vụ. Thông qua hệ thống bán công, TP. Seoul đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý cho ngành công nghiệp xe buýt và tăng mức lương của tài xế xe buýt thành phố. Những thay đổi này được ghi nhận là nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt cũng như sự ổn định việc làm của tài xế.
Ngoài các biện pháp liên quan đến quản lý tài chính, kế hoạch bán tư nhân hệ thống buýt cũng trao quyền điều chỉnh các tuyến buýt công cộng dựa trên các số liệu về mật độ giao thông, nhu cầu sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, TP. Seoul cũng đưa vào áp dụng các hệ thống đánh giá chất lượng vận hành, chất lượng dịch vụ, sự hợp tác và đảm bảo cam kết của các công ty vận hành tư nhân, qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông công cộng mới và bổ sung chi phí hoạt động một cách hợp lý hơn.Áp dụng công nghệ vào quản lý giao thông
Một tuyến tàu đô thị Seoul |
Bên cạnh những biện pháp cải thiện chất lượng giao thông công cộng, Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng công nghệ vào quá trình quản lý giao thông thành phố. Để có thể vận hành một thành phố với mật độ lên tới 10 triệu dân, TP. Seoul đã áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) vào quá trình quản lý.
Dưới tên gọi Transport Operation & Information Service (tạm dịch là Hệ thống vận hành và thông tin giao thông - TOPIS), Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành kết nối toàn bộ hệ thống mạng lưới phương tiện, cơ sở vật chất giao thông công cộng toàn thành phố, qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu mật độ giao thông. Dựa trên những thông tin thu thập được, Thành phố và Ủy ban Giao thông Đường bộ Hàn Quốc có thể quản lý và điều hành giao thông thành phố dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin giao thông như: Số lượng bãi đỗ xe còn trống, mật độ giao thông trên các tuyến đường và các sự kiện xảy ra trên tuyến đường giao thông, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển và thời gian sử dụng phương tiện.
Đối với hệ thống giao thông công cộng, Thành phố cũng áp dụng hệ thống thẻ thanh toán dành cho việc sử dụng phương tiện công cộng (T-Money). Được lưu hành bắt đầu từ năm 2004, người dân Hàn Quốc có thể nạp tiền vào thẻ T-Money dễ dàng bằng tài khoản ngân hàng và ứng dụng điện thoại, thanh toán chi phí di chuyển trên các phương tiện công cộng bằng cách quét qua các máy đọc thẻ được lắp đặt trên các phương tiện công cộng. Việc người dân sử dụng thẻ cũng giúp cho các cơ quan chức năng lưu trữ chi tiết giao dịch của người sử dụng. Thông qua các thông tin này, Thành phố có thể đánh giá xu hướng và tình trạng sử dụng hệ thống giao thông công cộng của người dân
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.