Shinkansen và con đường trở thành một biểu tượng của Nhật Bản

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Sản phẩm 27/07/2017 15:05

Trong số những quốc gia sở hữu công nghệ tàu cao tốc, Nhật Bản được coi là hình mẫu thành công trong việc biến tàu cao tốc trở thành một biểu tượng quốc gia. Vậy, Nhật Bản đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt cao tốc như thế nào?

 

Shinkansen Linear
Hệ thống Shinkansen của Nhật Bản

Shinkansen ra đời như thế nào?

Năm 1964, Tokyo giành được quyền đăng cai Thế vận hội Olympics. Cả nước Nhật coi đây là một cơ hội để thay đổi hình ảnh quốc gia, từ “tàn bạo, quân phiệt” của lính Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ II thành “hòa bình, hiếu khách”, đồng thời cũng là dịp để thúc đẩy phát triển ngành du lịch của họ. Chính phủ Nhật muốn khi khách du lịch đến Tokyo có thể nhân tiện tới phía Tây (Osaka - Kobe - Kyoto) tham quan. Hàng không là phương tiện nhanh nhất để di chuyển song chi phí đắt đỏ lại là rào cản rất lớn. Nhật đã quyết định mở một dự án mới dành cho đường sắt cao tốc với mong muốn cung cấp cho khách du lịch và người dân một phương tiện nhanh chóng, giá rẻ để di chuyển từ Thủ đô đến phía Tây.

Trước Chiến tranh thế giới thứ II, khi ở các nước Âu, Mỹ đã có những đoàn tàu chạy với vận tốc 150 km/h thì tàu ở Nhật Bản mới chỉ chạy được tối đa là 120 km/h, do các đường ray đều là chuẩn hẹp (1.067mm) từ thời Meiji. Năm 1940, Chính phủ Nhật Bản thông qua dự án xây dựng tuyến đường sắt mới nối Tokyo với Osaka với chuẩn đường ray 1.435mm, chào đón sự ra đời của từ “Shinkansen” dùng để chỉ các tuyến đường ray 1.435mm với toàn bộ hệ thống đều dùng điện.

Ban đầu, Chính phủ Nhật Bản phải gửi các kỹ sư sang châu Âu để học hỏi công nghệ. Hơn 10 năm sau, Nhật Bản mới tự mình làm chủ được toàn bộ công nghệ thiết kế, chế tạo tàu điện. Hitachi, Kawasaki và Mitsubishi là ba hãng chế tạo chính các đầu xe bên cạnh một số công ty khác của ngành Đường sắt. Năm 1957, họ đã nâng tốc độ xe điện lên 145km/h. Năm 1959, tốc độ được cải thiện lên 163km/h.

Ngày 20/4/1959, dự án đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới chính thức được khởi công với tổng chi phí lên tới 380 tỷ yên. Ngày 01/10/1964, đoạn hành trình chính thức đầu tiên của Shinkansen được khởi hành từ ga Tokyo đi Osaka trên đoàn tàu Shinkansen O Series mang tên HIKARI, mở ra lịch sử hoàn toàn mới cho ngành giao thông toàn cầu, đồng thời cũng mở ra một cuộc chạy đua tốc độ trong ngành Đường sắt thế giới.

Tiến chậm mà chắc

Tuy là nước mở ra cuộc chạy đua tốc độ nhưng Nhật Bản lại không hề chú trọng khía cạnh này như châu Âu, Trung Quốc hay Hàn Quốc mà đề cao an toàn là trên hết. Nhiều năm sau chuyến Shinkansen đầu tiên, các tuyến đường mới nối các tỉnh thành khác lần lượt ra đời, nhưng tốc độ vẫn chỉ giới hạn 210 km/h. Phải tới cuối thập niên 80, một số loại tàu Shinkansen mới ra đời với công nghệ tân tiến hơn. Cùng công nghệ đèn tín hiệu được nâng cao thì Nhật Bản mới dần dần tăng tốc độ cho Shinkansen. Nhưng các đoàn tàu của họ luôn chạy thương mại với tốc độ thấp hơn từ 80 - 100km/h tốc độ thực của nó nhằm bảo đảm an toàn. Cứ cách khoảng 10 năm họ sẽ cho ra đời loại Shinkansen mới với tốc độ cũng chỉ được nâng lên khoảng 20 - 30km/h, trong khi độ an toàn tăng gấp hai, ba lần so với các thế hệ cũ.

Linear là loại Shinkansen duy nhất có tính cạnh tranh tốc độ với nước ngoài. Shinkansen Linear nắm giữ hai lần kỷ lục “Tàu điện chạy nhanh nhất trên thế giới” vào năm 1979 và 2003 với tốc độ lần lượt là 517 km/h và 581 km/h.

Vừa phải cạnh tranh công nghệ với nước ngoài, Shinkansen lại phải cạnh tranh trực tiếp với hàng không trong nước, đặc biệt là khi hàng không giá rẻ ngày càng phát triển. Đường sắt buộc phải cải cách. Trong quá trình cải cách đường sắt quốc gia, việc đánh giá các tuyến thích hợp để vận chuyển đường sắt và lựa chọn các tuyến mà vận chuyển bằng đường bộ có hiệu quả hơn đã được thực hiện. Các tuyến đường sắt có khối lượng vận chuyển dưới 2.000 hành khách/ngày đã bị đóng cửa. Ngoài ra, nếu khối lượng vận chuyển là dưới 4.000 hành khách/ngày thì vận chuyển đường bộ có hiệu quả hơn. Với các tuyến có khối lượng vận chuyển lớn hơn 8.000 hành khách/ngày thì một mình giao thông đường bộ lại kém hiệu quả. Các ga hàng hóa được phân bổ tập trung hơn, hướng tới vận chuyển hàng hóa một cách trực tiếp, loại bỏ việc để trống kho bãi. Mở rộng các hình thức kinh doanh ngoài vận tải, đảm bảo doanh thu từ các hình thức này chiếm 30% tổng doanh thu.

Để thu hút khách hơn, đường sắt cao tốc tập trung đánh vào các yếu tố An toàn - Thuận tiện - Thời gian. Cơ quan quản lý tàu cao tốc sẽ dừng tàu khi không chắc chắn về tính an toàn cũng như khi có các dự báo được về thiên tai. Nhật Bản xây dựng các lộ trình sao cho giảm thiểu tối đa thời gian chuyển tàu, tăng cường vận chuyển liền mạch. Các điểm chuyển tàu sẽ được đặt tại khu vực trung tâm. Chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đối với các dự án xây mới đường sắt. Với tàu điện ngầm, Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ khoảng 70% chi phí xây dựng tuyến mới. Với các tuyến đường sắt kết nối với khu đô thị mới hay sân bay thì Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ khoảng 40% chi phí xây dựng.

Tăng cường ngoại giao đường sẳt

Hiện nay, với sự cạnh tranh gay gắt của đường cao tốc và hàng không, nhu cầu đi lại bằng đường sắt ở Nhật Bản đang giảm dần, các công ty đường sắt của Nhật Bản phải ra nước ngoài để tìm thị trường mới.

Mặt khác, kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của nước này lấy đường sắt cao tốc là một nhân tố chủ chốt buộc Tokyo phải sử dụng các dự án đường sắt để tạo ra đối trọng với Bắc Kinh. Ngoài ra, việc giành được hợp đồng xây dựng một tuyến đường sắt cho nước ngoài có thể mở ra những cơ hội kinh tế về sau, từ đó giúp ích cho chính sách phục hồi tăng trưởng kinh tế Nhật Bản.

Các công ty đường sắt Trung Quốc vốn có ưu thế là chi phí rẻ song Nhật Bản lại nổi tiếng với lịch sử an toàn, độ tin cậy cao và công nghệ nguyên bản. Mặc dù sở hữu khả năng ấn tượng về công nghệ, chính sách ngoại giao đường sắt của Nhật Bản vẫn đối mặt với một số thách thức. Bằng chứng là Nhật Bản đã để tuột mất dự án xây dựng đường sắt cao tốc ở Indonesia vào tay Trung Quốc.

Cũng giống như hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng, đấu thầu các dự án đường sắt cao tốc không chỉ đơn thuần là cạnh tranh thương mại, mà ảnh hưởng chính trị là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, các công ty muốn xây đường sắt cao tốc thường thiếu vốn nên sự hỗ trợ tài chính là điều rất quan trọng. Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc dễ dàng cung cấp các khoản vay và các biện pháp hơn so với Nhật. Sắp tới, một tuyến đường sắt cao tốc nối giữa Kuala Lumpur và Singapore sẽ được xây dựng. Đây là hai nước có mối quan hệ rộng với cả Trung Quốc và Nhật Bản nên có thể dự án này sẽ là bài kiểm tra thực sự về chính sách ngoại giao của Nhật Bản

Ý kiến của bạn

Bình luận