Siết chặt chuyển trường công

16/04/2016 09:08

Mùa tuyển sinh năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội siết lại quy định: HS trúng tuyển vào trường THPT công lập nào phải học hết cấp học tại trường đó. Quy định này nhằm tránh việc “lách luật”: Đỗ vào trường điểm thấp sau đó “chạy” sang trường điểm cao.

 

hs_ha_noi_lop_10_OTWD

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm nay Hà Nội tiếp tục tuyển sinh vào lớp 10 công lập và ngoài công lập theo phương thức thi tuyển cộng xét tuyển. Trong đó, điểm xét tuyển được tính bằng điểm tổng kết 4 năm học THCS cộng điểm thi môn Văn, Toán nhân hệ số 2 cộng điểm ưu tiên.

Theo hướng dẫn, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 (VN1) và NV2. Cả 2 NV đều phải thuộc 1 khu vực tuyển sinh (toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh). Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký NV2, phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Học sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2 vì thế học sinh phải nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng.

Theo quy định, tất cả học sinh có NV vào trường công lập hay ngoài công lập đều phải tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Tuy nhiên, để đăng ký dự thi vào các trường công lập, thì điều kiện bắt buộc là phụ huynh, học sinh phải có hộ khẩu tại Hà Nội. Những học sinh không có hộ khẩu Hà Nội thì sau kỳ thi sẽ lấy điểm thi làm căn cứ xét tuyển vào các trường ngoài công lập. Về quy định này, bà Hà lưu ý các trường, học sinh khi đăng ký dự thi mới chỉ có giấy hẹn lấy hộ khẩu của công an sau đó phải trình hộ khẩu để tránh khiếu kiện về sau.

Như vậy, với quy định này không chỉ học sinh THCS Hà Nội mới được thi vào các trường THPT công lập Hà Nội. Những học sinh ở tỉnh khác nhưng các em hoặc bố, mẹ có hộ khẩu thường trú Hà Nội vẫn có quyền đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập ở Hà Nội. Ngoài hai nguyện vọng chính, học sinh có năng lực có thể đăng ký dự tuyển vào 4 trường chuyên gồm: THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chu Văn An, THPT Chuyên Nguyễn Huệ và THPT Sơn Tây. Riêng trường THPT Chu Văn An được phép tuyển sinh toàn khu vực miền Bắc (tính từ tỉnh Thanh Hóa trở ra). Để thi vào các trường chuyên, ngoài đăng ký môn chuyên, học sinh phải thi ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc.

Để tránh việc chuyển trường sau một thời gian học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng siết quy định, học sinh trúng tuyển ở trường THPT công lập nào phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp phát sinh trong quá trình học cần phải chuyển trường phải được giám đốc Sở cho phép mới được chuyển trường.

10_zyks
Học sinh Hà Nội thi vào PTTH 2015. Ảnh: Hồng Vĩnh

Về quy định học sinh trúng tuyển trường công lập nào phải học ổn định hết cấp tại trường đó, hiệu trưởng Trường THPT Newton bà Lê Thị Chính băn khoăn: “Quy định muốn chuyển trường công lập học sinh phải được sự cho phép của giám đốc Sở có là một rào cản gây khó khăn cho học sinh?”.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải, điểm chuẩn các trường ở Hà Nội rất vênh nhau, có trường tuyển sinh đầu vào 55 điểm nhưng có trường chỉ 23 điểm. “Để tránh tình trạng sau một học kỳ phụ huynh chuyển học sinh từ trường 23 điểm lên trường 55 điểm trong khi năng lực học sinh chưa tới Sở phải siết quản lý”, ông Đại nói.

Sẽ thanh tra học bạ ở cấp THCS

Phương thức thi tuyển cộng xét tuyển điểm tổng kết THCS được Hà Nội áp dụng nhiều năm qua đến nay dù chưa có trường hợp nào khiếu kiện tuy nhiên không phải không có lo lắng về tình trạng giáo viên nâng điểm, sửa điểm cho học sinh để làm đẹp học bạ. Ông Phạm Khắc Lợi, Phó trưởng Phòng THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, có một thực tế là học sinh THCS có điểm tổng kết 4 năm học rất cao nhưng khi vào THPT các hiệu trưởng than thở các em học kém, hổng nhiều kiến thức. Để kiểm tra tình trạng này, ông Lợi kể ông từng đến trường THPT khảo sát, ra đề kiểm tra tương đối dễ nhưng kết hợp coi thi chặt, học sinh không được xem bài nhau. Kết quả có đến 1/3 học sinh bị điểm 0 đến 3.

Theo ông Lợi, các trường THCS cần xem lại cách giáo viên cho điểm học sinh, các Phòng giáo dục có phương pháp quản lý điểm chặt chẽ. Về vấn đề này, Sở GD&ĐT sẽ lập các đoàn thanh tra về các trường bất kỳ để kiểm tra hồ sơ, học bạ, sổ ghi điểm. Bà Đoàn Thị Kiều Anh, Phó chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định, sau khi tổng kết điểm các Phòng GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra chéo cách tính điểm và quản lý điểm THCS, điểm cộng thêm. Thực tế khi thanh tra Sở đi kiểm tra lại phát hiện ra nhiều lỗi sai phạm như: xếp loại sai học lực, sổ ghi điểm, gọi tên không sạch sẽ.

Ông Phạm Văn Đại thông tin, năm nay Hà Nội có 81.500 học sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10. Trong đó chỉ 60% học sinh sẽ vào học các trường THPT công lập, 40% còn lại sẽ phải học ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung cấp chuyên nghiệp và các trường ngoài công lập.

Ý kiến của bạn

Bình luận