Siết chặt quản lý MBH, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông

20/11/2015 06:06

Không ít vụ tai nạn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân khi họ không đội MBH hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không đúng quy cách.

TNGT tại Việt Nam vẫn cướp đi sinh mạng của gần 9 nghìn người, gây thiệt hại về kinh tế từ 40 đến 60 nghìn tỷ đồng 

Mũ bảo hiểm có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ vùng đầu cho người người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy, giảm bớt chấn động khi bị va đập và giảm nguy cơ gây chấn thương sọ não. Nếu không đội hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, không đúng cách thì khi tai nạn xảy ra, người điều khiển và người ngồi trên phương tiện sẽ rất dễ bị tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

Phát biểu tại nhiều hội nghị, hội thảo trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhiều lần đưa ra đánh giá, dù đã có xu hướng giảm nhưng trung bình mỗi năm, TNGT tại Việt Nam vẫn cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, gây thiệt hại về kinh tế từ 40 đến 60 nghìn tỷ đồng và để lại hậu quả hết sức dai dẳng đối với nạn nhân, gia đình và toàn xã hội. Trong số đó, trên 70% các vụ TNGT liên quan đến xe máy. Ngoài ra, không ít vụ tai nạn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân khi họ không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không đúng quy cách.

Báo cáo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho thấy, tính đến tháng 10 năm 2015, bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho hơn 23 nghìn bệnh nhân, trong số đó gần 12.500 người là nạn nhân tai nạn giao thông, chiếm tỷ lệ gần 54% tổng số bệnh nhân tới khám. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra giữa xe máy với xe máy và giữa xe máy với ô tô ở khu vực ngoài đô thị, trong đó, rất nhiều chấn thương nghiêm trọng của nạn nhân là có liên quan đến vấn đề mũ bảo hiểm.

Trước thực trạng này, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và chính quyền các địa phương, đoàn thể xã hội đã thực hiện rất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Điển hình như: phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam nghiên cứu và triển khai chiến lược phát triển phù hợp giữa xe máy với các phương thức vận tải khác; tăng cường tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ người tham gia giao thông bằng xe máy tại Việt Nam; phối hợp với các nhà trường, các cơ sở giáo dục và chính quyền cơ sở thực hiện các chiến dịch ra quân tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em...

Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra giữa xe máy với xe máy và giữa xe máy với ô tô ở khu vực ngoài đô thị

Đánh giá về hiệu quả của một trong những công tác này, bà Nguyễn Diệu Nương - Giám đốc Dự án Việt Nam, Quỹ phòng chống thương vong Châu Á cho biết: Hưởng ứng kế hoạch hành động thực hiện các quy định đội mũ bảo hiểm trẻ em của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những triển khai rất tích cực và hiệu quả trong khối trường học. Việc giáo dục trong nhà trường cũng như vận động phụ huynh tham gia vào việc giáo dục các em tại nhà trường cũng đã được triển khai rất tốt, thể hiện rõ rệt ở chỗ tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em đã tăng lên nhiều.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Diệu Nương cũng cho rằng, dù đã có những cải thiện nhất định nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo sự chuyển biến sâu rộng trong xã hội. Lý do bởi lẽ, tại các quận, huyện ngoại ô, các khu vực nông thôn hay bản thân ngay tại các thành phố lớn, ý thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành các quy định, pháp luật an toàn giao thông còn hạn chế, dẫn đến những rủi ro và tai nạn đáng tiếc thường xuyên xảy ra. Do vậy, việc tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng; cũng như đẩy mạnh các chương trình hành động để nâng cao ý thức của người dân việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, một yêu cầu cấp bách khác để phòng ngừa và giảm thiểu chấn thương do tai nạn giao thông gây ra cũng được các chuyên gia chỉ ra, đó là làm thế nào để kiểm soát hiệu quả việc đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện trong nhân dân? Thực tế cho thấy, vấn đề này còn đặt ra nhiều thách thức tại nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk nêu ý kiến: Đối với tai nạn mô tô thì chủ yếu do hành vi chủ quan khi tham gia giao thông; còn vận tải ô tô thì yếu tố kỹ thuật với phương tiện là cực kỳ quan trọng đối với vấn đề an toàn giao thông. Thường thường vấn đề này xảy ra ở những ô tô vận tải hàng hóa. Đã vượt quá tải trọng thì thường hệ thống phanh không đảm bảo an toàn, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Mong rằng, mọi tổ chức, mọi cá nhân phải đảm bảo phương tiện, để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc và nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật nói chung và tuân thủ quy định về đội mũ bảo hiểm, đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện nói riêng. Bên cạnh đó, các giải pháp khác cũng cần phải được thực hiện song song như: nâng cao năng lực, vai trò của lực lượng chức năng; cũng như kịp thời sửa chữa, khắc phục, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là những giải pháp mang tính lâu dài và đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn xã hội. Có như vậy, môi trường giao thông của Việt Nam mới dần trở nên an toàn và phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân. 

Ý kiến của bạn

Bình luận