Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do xe đạp điện gây ra |
Trong vài năm trở lại đây, số lượng phương tiện 2 bánh chạy bằng máy ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có tới 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện. Điều đáng nói, hiện chưa có quy định về giới hạn độ tuổi người điều khiển trong khi đa phần phương tiện loại này được nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật nhưng lại được phép tham gia giao thông trên đường với tốc độ lên tới 50km/giờ, nên làm gia tăng các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra va chạm và tai nạn giao thông. Bởi đa phần, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện là các em học sinh cấp 2, cấp 3 chưa được trang bị những kiến thức và quy tắc tham gia giao thông an toàn. Các em điều khiển xe thường không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang, chở quá số người quy định... nên khi gặp tình huống khẩn cấp, rất khó để xử lý tình huống, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm
Chia sẻ về những nguy cơ từ những chiếc xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông trên đường, chị Thu Trang, quận Đống Đa bầy tỏ: Hiện nay, có rất nhiều phương tiện xe đạp điện, xe máy điện. Người điều khiển phương tiện này chủ yếu là học sinh sinh viên và đi với tốc độ rất nhanh. Nhiều khi lạng lách, đánh võng và dàn hàng. Xe máy điện khi tham gia giao thông không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn tham gia giao thông. Những đối tượng này đôi khi không hiểu hết các quy tắc giao thông. Vô hình chung là những cái gây ra nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn khi tham gia giao thông
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 24 ngày 8/11/2013 yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý đối với các loại xe 2 bánh chạy điện. Trong đó yêu cầu Bộ công an nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện việc đăng ký xe máy điện; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đối với người tham gia giao thông bằng xe 2 bánh chạy điện. Bộ GTVT có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo việc đăng kiểm xe máy điện. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục CSGT- Bộ công an, từ ngày 1/1/2014 đến nay số lượng xe máy điện đi đăng ký có xu hướng tăng tuy nhiên hiện nay toàn quốc mới có 1.786 xe máy điện được đăng ký, trong đó, Hà Nội mới đăng ký 34 xe. Đây là con số rất nhỏ so với hàng triệu phương tiện xe máy điện, xe đạp điện đang tham gia giao thông trên đường. Theo báo cáo của Cục đăng kiểm, số lượng phương tiện xe máy điện đi đăng ký chất lượng hiện cũng mới chỉ chiếm 1,6% .
Xe đạp điện, xe máy điện có xuất xứ Trung Quốc đang được bày bán tràn lan và được gán mác các thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, Bridgestone |
Lý giải nguyên nhân của tình trạng người dân không mấy “mặn mà” với việc đăng ký xe máy điện, chuyên gia an toàn giao thông Lê Minh Châu cho rằng, thị trường nhập khẩu phương tiện này hiện đang rất phức tạp và khó kiểm soát. Hiện nay, thị trường tồn tại những nguồn hàng không chính thống, đa phần nhập lậu cho nên các phương tiện này không có nguồn gốc xuất xứ và các chủ cửa hàng thường không cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ nguồn gốc nhập khẩu, hoặc chứng từ sản xuất lắp ráp trong nước cho khách hàng. Mặt khác, một số người dân chưa ý thức được vai trò của việc đăng ký phương tiện vừa là cách để bảo vệ cho tài sản của mình, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý phương tiện cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Trong khi đó, nhiều người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện không nắm rõ quy định xe máy điện là xe cơ giới phải đăng ký cấp biển số, cũng như nhiều người trong số họ không còn giữ những giấy tờ liên quan để thực hiện quy định đăng ký loại phương tiện. Chị Minh Hà, sống ở quận Cầu Giấy, có con gái đã sử dụng xe máy điện gần 3 năm bày tỏ quan điểm về quy định đăng ký xe máy điện.
Chị Minh Hà cho biết: Con nhà tôi đã dùng xe đạp điện được 3 năm rồi và tôi thấy việc triển khai đăng ký xe máy điện khá hợp lý. Tuy nhiên nếu ngay từ đầu chúng ta đưa ra quy định đăng ký xe thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều đối với người sử dụng bởi vì sau một thời gian đưa vào sử dụng rất là dài, những giấy tờ xe và nhiều thứ khác khi chúng tôi đã mua lâu rồi thì không còn giữ nữa. Ngoài ra để quản lý phương tiện, không phải chỉ việc đăng ký giấy tờ xe là quan trọng mà có vấn đề hàng đầu phải có giáo dục, các cháu phải được từ gia đình đến nhà trường phải được giáo dục cho các cháu có ý thức khi tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện.
Theo đại diện của Phòng quản lý phương tiện, Cục CSGT- Bộ Công an, việc đăng ký, cấp biển số đối với xe máy điện đã được quy định và thực hiện từ năm 2009. Đến ngày 4/4/2014, Bộ Công an tiếp tục ban hành Thông tư số 15 có hiệu lực từ 1/6/2014, kế thừa quy định về việc đăng ký, cấp biển số xe máy điện của các Thông tư trước đây. Trong đó, quy định hồ sơ đăng ký xe máy điện phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc nhập khẩu và chứng từ sản xuất lắp ráp trong nước; chứng từ chuyển nhượng và chứng từ lệ phí trước bạ.
Một số lượng lớn xe máy điện được người dân mua và sử dụng nhưng không có chứng từ nguồn gốc |
Quy định này khiến không ít người sử dụng xe máy điện hoang mang, lo lắng họ không thể đăng ký phương tiện được bởi có một số lượng lớn xe máy điện được người dân mua và sử dụng nhưng không có chứng từ nguồn gốc, không kê khai thuế Hải quan và nộp thuế nhập khẩu. Trong khi đó, yêu cầu xe máy điện phải có giấy chứng nhận chất lượng đối với xe nhập khẩu lại chưa từng được đặt ra đối với doanh nghiệp nhập khẩu xe máy điện trước đó nên cửa hàng không thể cung cấp loại giấy tờ này cho khách hàng. Đồng thời, các cửa hàng cũng không cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ cho khách hàng và trong khi người dân không lưu lại chứng từ hóa đơn khi mua xe nên chủ sở hữu không thể nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại các cơ quan thuế và chưa thể đăng ký xe.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thay mặt Thủ tướng đồng ý miễn thu lệ phí trước bạ đối với xe máy điện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đến hết ngày 30/6/2015; chủ sở hữu, sử dụng xe máy điện không phải đến cơ quan thuế để kê khai lệ phí trước bạ mà chỉ đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký xe theo quy định. Từ ngày 1/7/2015 trở đi, xe máy điện khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Đến nay, đã hết hạn được miễn thu lệ phí trước bạ nhưng vẫn còn một số lượng lớn xe mô tô điện, xe máy điện không có nguồn gốc xuất xứ đã được người dân mua sử dụng chưa thể đi đăng ký. Để giải quyết vấn đề này, Bộ công an đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Công thương họp bàn thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại đối với xe máy điện không có nguồn gốc báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, hóa đơn bán xe, lệ phí đăng ký xe, gia hạn miễn lệ phí trước bạ và miễn cấp chứng chỉ chất lượng xe mô tô điện, xe máy điện không có nguồn gốc xuất xứ đã được người dân mua sử dụng đến hết ngày 31/12/2015.
Nếu được Chính phủ đồng ý đề xuất, Bộ Công An sẽ tổ chức đăng ký, cấp biển số đối với xe mô tô điện, xe máy điện không có nguồn gốc xuất xứ đã được người dân mua sử dụng đến hết ngày 31/12/2015. Từ ngày 1/1/2016, Cơ quan công an sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe mô tô, xe máy điện tham gia giao thông không có đăng ký, biển số xe.
Chuyên gia an toàn giao thông Lê Minh Châu đã đánh giá rất cao những giải pháp được các Bộ, ngành đưa ra trong việc quản lý xe 2 bánh chạy bằng điện.Bà Lê Minh Châu cũng đề xuất các cơ quan liên quan cũng cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh các xe máy điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện đúng quy định về việc đăng ký xe khi mua xe máy điện cũng như nhắc nhở con em mình chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, Bộ công an cũng cần tăng cường xử lý những vi phạm liên quan đến xe đạp điện và xử lý nghiệm vi phạm về đăng ký đối với phương tiện này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý đến vấn đề xử lý rác thải từ pin của loại phương tiện này.
Hiện nay, nhiều học sinh dụng phương tiện này phổ biến và vi phạm luật giao thông nhưng không bị xử lý |
Vấn đề quản lý phương tiện xe máy điện hiện cũng là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý Trung Quốc- đất nước có dân số 1,39 tỷ người với số lượng xe đạp điện là 200 triệu.
Chia sẻ bài học của quốc gia này, chuyên gia an toàn giao thông Lê Minh Châu cho biết: Vấn đề quản lý xe đạp điện này đối với các tỉnh, địa phương của Trung Quốc là vấn đề rất nóng. Bên cạnh những vấn đề hoàn thiện về Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, họ cho các địa phương tự đưa ra những quy định để quản lý loại phương tiện. Phần lớn họ đều đưa yêu cầu phải đăng ký sau 10 ngày mua phương tiện, các doanh nghiệp khi bán xe thì đều cung cấp đầy đủ những giấy tờ cần thiết cho người mua xe, nhiều địa phương quy định độ tuổi được điều khiển phương tiện từ 16 tuổi trở lên, không cho phép chở hàng cồng kềnh, không sử dụng điện thoại và không cho phép những người ngồi sau cao trên 1,3 mét. Bên cạnh đó, loại phương tiện này đa dạng về mẫu mã và không quản lý được về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật và trong tương lại nếu không quản lý chặt những loại phương tiện này sẽ sang Việt Nam.
Trong khi các cơ quan chức năng đang hoàn thiện các quy định về việc đăng ký và đăng kiểm chất lượng xe máy điện, người dân phải tự chủ động trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân, đặc biệt là các em học sinh sinh viên. Phụ huynh nên chọn mua phương tiện tại các cửa hàng, doanh nghiệp uy tín, các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, khi tham gia giao thông trên đường, người điều khiển xe máy điện phải tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông như đội mũ bảo hiểm khi lái xe, không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng trên đường. Đối với các em học sinh, nhà trường và gia đình cùng cần phối hợp để hướng dẫn, trang bị cho các em những kỹ năng tham gia giao thông an toàn tránh để xảy ra các vụ tai nạn và va chạm đáng tiếc.
Với sự gia tăng ồ ạt xe 2 bánh chạy điện trong thời gian gần đây và số lượng các vi phạm quy định về an toàn giao thông, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các phương tiện này có xu hướng tăng, thì việc tăng cường siết chặt quản lý về chất lượng và đăng ký phương tiện là một chủ trương đúng đắn. Điều này giúp cho người sử dụng có thể được sở hữu và sử dụng những phương tiện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng, an toàn kỹ thuật đảm bảo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nhập khẩu và thuận tiện trong việc nhắc nhở và xử phạt những trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để người dân có thể dễ dàng đăng ký phương tiện, các cơ quan chức năng nên có những giải pháp cụ thể để cho một lượng lớn phương tiện không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể được đăng ký , cấp biển số đến một thời hạn nhất định. Song song với các biện pháp nhắc nhở tuyên truyền, sau một thời gian cơ quan công an, lực lượng CSGT cần xử lý nghiêm những trường hợp không đăng ký phương tiện. Có như vậy, mới có thể hạn chế các vụ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện này và ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.