Siết đầu vào tuyển sinh đại học 2019

29/01/2019 16:27

Trong mùa tuyển sinh 2019, dự kiến ngành Sư phạm, Y khoa sẽ có ngưỡng điểm chuẩn riêng. Các trường muốn tuyển sinh phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm.

tuyen_sinh
Tuyển sinh năm 2019 dự kiến có nhiều điểm mới. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động.

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh 2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến rộng rãi, tuyển sinh ĐH năm 2019 có một số thay đổi đáng chú ý.

Học giỏi mới được vào Y đa khoa?

Theo dự thảo thông tư, đối với các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên và thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Cụ thể, các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên trình độ ĐH xét tuyển học sinh (HS) tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện Thể thao xét tuyển HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Ở bậc CĐ, trung cấp, việc xét tuyển áp dụng đối với HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (bậc CĐ), Sư phạm Thể dục Thể thao (bậc trung cấp) quy định có học lực trung bình trở lên.

Điểm mới quan trọng, cũng là nội dung được nhiều người quan tâm nhất đó là các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, các ngành Y khoa, Y học Cổ truyền, Răng hàm mặt chỉ tuyển sinh HS tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi diện xét học bạ. Các ngành còn lại quy định có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Góp ý về phương thức xét tuyển, PGS Hoàng Bùi Hải, ĐH Y Hà Nội, cho rằng cần cân nhắc quy định phải có học lực giỏi mới được xét tuyển vào Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt.

"Có thể có những thí sinh học lực khá nhưng nổi trội ở các môn Toán, Hóa, Sinh. Nếu quy định phải có học lực giỏi thì sẽ hạn chế cửa vào ngành nghề yêu thích của các em này. Thậm chí, có khi lại tạo ra cuộc "chạy đua" học bạ giỏi để xét tuyển vào Y - Dược.

Ngược lại, cũng có những em học bạ là giỏi nhưng tổ hợp xét tuyển ngành Y - Dược lại chỉ bình thường. Trường hợp này nếu trúng tuyển cũng là chưa hợp lý. Tôi cho rằng học lực khá trở lên là được", PGS Hải nêu quan điểm.

Phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm

Cũng theo Bộ GD&ĐT, các trường ĐH phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất.

Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển...

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định của trường. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác. Thí sinh xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

Không cho thí sinh tự do thi riêng

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là kiến thức lớp 12. Năm nay, tỷ lệ điểm của kỳ thi THPT dùng để xét tốt nghiệp sẽ được tăng lên so với tỷ lệ điểm kết quả học tập lớp 12. Dự kiến, tỷ lệ điểm kỳ thi THPT quốc gia so với điểm kết quả học tập lớp 12 là 70/30.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường ĐH chấm bài trắc nghiệm với phần mềm được hoàn thiện hơn. Bộ cũng sẽ mã hóa toàn bộ các dữ liệu chấm thi, đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh; lưu vết điện tử những quá trình, diễn biến sử dụng phần mềm này. Chỉ những người có chức năng mới có thể đọc được các thông tin đó nhưng cũng không sửa được.

Bộ GD&ĐT cũng lên phương án không tổ chức phòng thi riêng cho thí sinh tự do, thay vào đó sẽ được sắp xếp cùng phòng thi với HS THPT để tránh tiêu cực có thể xảy ra. Năm 2018, điểm thi của thí sinh tự do ở một số địa phương cao bất thường.

Ý kiến của bạn

Bình luận