Để loại bỏ ngay từ đầu những nhà đầu tư yếu tham gia vào các dự án đường cao tốc chuẩn bị triển khai, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu ban hành cơ chế quy định một nhà đầu tư không được tham gia cùng lúc quá 3 dự án cao tốc.
Sàng lọc nhà đầu tư qua sơ tuyển và đấu thầu quốc tế
"Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải xây dựng chương trình khởi công 11 dự án cao tốc chuẩn bị triển khai với yêu cầu từ nay đến hết năm 2017, tất cả những dự án này đều được triển khai thi công để chúng ta hoàn thành mục tiêu năm 2020 đưa 2.161 km đường cao tốc vào khai thác. Trong quá trình triển khai, ban QLDA nào làm chậm phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT, không có chuyện nói rồi không làm” - Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường |
Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, cả nước hiện có 12 tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 746 km. Bên cạnh đó, 9 tuyến cao tốc khác đang được triển khai thi công (dài 525 km) với tổng mức đầu tư 133,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, 5 dự án cao tốc đã xác định được nguồn vốn với tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng gồm: Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn TP Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến Vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch với tổng chiều dài 247 km.
“Với kết quả này, đến hết năm 2018, chúng ta chắc chắn có 1.518 km đường cao tốc”, ông Hoằng nói và cho biết, mục tiêu của Bộ GTVT đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác từ 2.000 - 2.500 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi.
Cũng theo ông Hoằng, để hoàn thành mục tiêu này, Bộ GTVT đang tập trung triển khai phương án đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc mới theo hình thức xã hội hoá (PPP), trong đó ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc nối với cảng biển, cửa khẩu quốc tế.
Dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 2.161 km đường cao tốc được đưa vào khai thác.Trong ảnh: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. |
Cụ thể, 11 dự án cao tốc (dài 643 km, tổng mức đầu tư 109,5 nghìn tỷ đồng) dự kiến được đầu tư theo hình thức PPP có hỗ trợ của Nhà nước gồm Mỹ Thuận - Cần Thơ, Ninh Bình - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Vinh, Vinh - Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - Vũng Áng, Cam Lộ - La Sơn, Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương, Biên Hòa - Tân Thành và Nội Bài - Bắc Ninh.
“Nếu tất cả các tuyến này được đầu tư xây dựng, đến năm 2020, cả nước sẽ có 2.161 km đường cao tốc được đưa vào khai thác”, ông Hoằng nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP cho rằng, 11 dự án cao tốc chuẩn bị triển khai theo hình thức PPP đều có tính khả thi cao, tạo được sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Nhiều dự án số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia lên tới hai con số.
Theo ông Huy, để sàng lọc những nhà đầu tư yếu ra hỏi dự án ngay từ đầu, Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển với các tiêu chí cụ thể về năng lực tài chính. Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đáp ứng ít nhất từ 10-15% tổng mức đầu tư dự án. Cùng đó, nhà đầu tư phải được ngân hàng cam kết cho vay vốn tín dụng...
Đề cập tới giải pháp để tạo thêm nguồn vốn đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, ông Huy nhận định, thời gian tới, ngân sách Nhà nước vẫn khó khăn. Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế, bao gồm cả phần vay thương mại và vay ưu đãi để đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc.
“Tuy nhiên, kênh huy động này cũng đối mặt với nhiều vướng mắc khi các tổ chức tín dụng quốc tế đều đưa ra nhiều yêu cầu rất khắt khe như: Chính phủ phải bảo lãnh về doanh thu, tỷ giá hối đoái rồi bảo lãnh trong việc chuyển đổi ngoại tệ… trong khi chúng ta chưa thể đáp ứng được các điều kiện như vậy”, ông Huy chia sẻ.
Một nhà đầu tư không tham gia quá 3 dự án cao tốc
Liên quan đến vấn đề phát triển hệ thống đường cao tốc, tại cuộc họp sáng 9/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, để đạt được mục tiêu hoàn thành 2.161 km vào năm 2020, Vụ Kế hoạch & Đầu tư và Ban PPP phải xây dựng tổng chi tiết chương trình đối với những tuyến cao tốc chuẩn bị triển khai bằng nguồn vốn xã hội hoá kết hợp với ODA và Trái phiếu Chính phủ.
Dự án nào dùng ODA, công trình nào làm vốn xã hội hoá phải tính toán rất thận trọng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Đối với từng dự án PPP phải xác định rõ mức hỗ trợ của vốn Nhà nước. Các dự án ODA, vốn đối ứng của Chính phủ cần bao nhiêu phải rõ ràng.
"Việc xây dựng chương trình phát triển đường cao tốc phải hoàn thành trong tháng 3”, Thứ trưởng Trường yêu cầu và lưu ý thêm, với những dự án có sự hỗ trợ của vốn ngân sách từ 10.000 tỷ đồng trở lên, các đơn vị liên quan phải khẩn trương làm báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá tới.
Bộ GTVT sẽ sàng lọc nhà đầu tư qua sơ tuyển và đấu thầu quốc tế. Trong ảnh: Thi công dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành |
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện, có hiện tượng một số nhà đầu tư đăng ký tham gia triển khai các dự án để “giữ chỗ, xí phần” khi ghi danh làm nhà đầu tư của 5-6 dự án cao tốc. Về vấn đề này, Thứ trưởng Trường chỉ đạo Ban PPP rà soát, kiểm tra lại năng lực tài chính của các nhà đầu tư này xem có đáp ứng yêu cầu hay không.
“Bộ GTVT kiên quyết không để tình trạng nhà đầu tư đăng ký xong rồi để đó. Chúng ta phải xây dựng cơ chế rõ ràng như ban hành quy định một nhà đầu tư sẽ không được tham gia cùng lúc quá 3 dự án cao tốc”, Thứ trưởng Trường nói.
Nói về giải pháp hút thêm vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu danh mục các dự án giao thông chuẩn bị đầu tư để các doanh nghiệp tham gia, tìm hiểu.
“Đây giống như một “hội nghị Diên Hồng” để các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu và tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.