Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường kiểm tra hiện trường dự án. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Dự án đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, với tổng mức hơn 6.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn huy động khác.
Dự án được chia thành 7 gói thầu xây lắp với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h có tổng chiều dài 20 km. Điểm đầu từ Km102+300 Quốc lộ 18 (Đại Yên, TP. Hạ Long), điểm cuối được nối với cầu Bạch Đằng.
Về phần xây dựng các cầu, dự án gồm 4 cầu, là cầu sông Hốt, cầu sông Chanh, cầu sông Rút và cầu vượt sông Bình Hương với tổng chiều dài 3,847 km. Phần đường có tổng chiều dài 16,352 km. Tổng giá trị thực hiện đến nay 2.533 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, hiện cầu sông Hốt đã xong hoàn toàn cọc khoan nhồi từ ngày 18/8, tiến độ có thể kiểm soát và hoàn thành trước ngày 31/12/2016. Cầu Bình Hương cũng sẽ kịp tiến độ vào cuối năm nay.
“Khó khăn về tiến độ là đang chờ lún, chưa thể thi công móng, mặt đường được. Tính toán theo số liệu quan trắc thực tế, thì đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017 mới dỡ tải (tăng tải để theo dõi lún) kết thúc lún cố kết, nên các đoạn tuyến này sẽ bị chậm tiến độ. Chúng tôi đã xem xét đến giải pháp tăng tốc độ lún cố kết bằng cách gia tải thêm, song thời gian rút ngắn không nhiều”, ông Vũ Văn Khánh cho hay.
Việc chờ lún được Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đánh giá là “khó khăn duy nhất để hoàn thành dự án”. Thêm nữa, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trong đợt kiểm tra ngày 25/8 vừa qua cũng có ý kiến xem xét tiến độ dự án trên tổng thể tiến độ chung của cả tuyến cao tốc. Do vậy, Sở này cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến đánh giá và chỉ đạo giải pháp về tiến độ hoàn thành của các đoạn đường phải xử lý đất yếu.
Ngay sau khi khảo sát hiện trường và nắm bắt được tình hình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, đến giờ phút này tiến độ của dự án vẫn chưa bị chậm, nên vẫn có thể cơ bản kết thúc vào 31/12/2016.
Với các đoạn đường phải xử lý đất yếu, chờ lún, Thứ trưởng yêu cầu tư vấn giám sát (TEDI) phải kiểm tra thường xuyên độ lún, vì các tuyến đường này chỉ có đắp, không có đào, đoạn nào cần gia tải thì gia tải luôn, cần thiết thì gia tải bổ sung để xử lý lún.
Thứ trưởng cũng lưu ý nhà thầu về phần lề hai bên đường thường rất yếu, mưa to có thể gây sụt, lún và yêu cầu nhà thầu cũng như đội ngũ tư vấn giám sát phải làm việc có trách nhiệm để không xảy ra hiện tượng “hình sin” khi đi tốc độ cao trên các tuyến cao tốc hiện nay (Láng-Hòa Lạc và Nội Bài-Lào Cai đều đã xảy ra tình trạng này).
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Bạch Đằng. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Kiên quyết loại bỏ nhà thầu không đạt
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cho biết, hiện dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT đến nay đã hoàn thành 42,36% khối lượng toàn dự án. Tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch đề ra là 72,38%.
Trong đó, các gói thầu xây lắp cầu chính có tỷ lệ hoàn thành cao, đạt trên 90% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các gói thầu đường dẫn cầu chỉ đạt 56-71% do ảnh hưởng mưa, bão kéo dài, địa chất phức tạp, máy móc thường xuyên hỏng hóc, nhân sự trực tiếp thi công tại hiện trường thiếu, việc cung cấp vật tư, công cụ thi công chưa đủ số lượng như yêu cầu.
Liên danh các nhà thầu đều cho rằng cần phải “nới” tiến độ, vì không thể kịp hoàn thành kỹ thuật trước 31/12/2016.
Trước ý kiến này, ông Vũ Văn Khánh cho rằng, theo hợp đồng BOT, trừ gói thầu XL-08 (cầu vượt và nút giao cuối tuyến do nhà thầu Phúc Lộc) thi công sẽ hoàn thành trước ngày 31/3/2017, còn tất cả các gói thầu khác đều đang chậm tiến độ ít nhất là 2 tháng. Nguyên nhân của việc chậm này là do việc huy động thiết bị của nhà thầu quá chậm trễ khiến việc khoan cọc, đúc dầm bị chậm theo.
“Các nhà thầu tập trung lực lượng, nhân lực, vật lực vẫn có thể hoàn thành kịp tiến độ. Tất cả công việc của phần cầu chính ngoài tư vấn giám sát ra còn có phòng quản lý hiện trường và cần có bộ phận điều hành trực tiếp kết nối tất cả các nhà thầu để xử lý vấn đề”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Công ty cầu Bạch Đằng phải rút kinh nghiệm vì “đã ký hợp đồng không có chuyện chùng chình, nới tiến độ trừ trường hợp bất khả kháng”.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu Công ty cầu Bạch Đằng phối hợp với Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh lập lại tiến độ, điều chỉnh các nhà thầu, nhưng không được lùi so với tiến độ cũ.
“Cho phép điều chỉnh đối với 2 đường dẫn, nhưng không chậm hơn ngày 30/4/2017. Trong lần rà soát này, đơn vị nào không bảo đảm được tiến độ yêu cầu loại bỏ, thay nhà thầu khác. Các nhà thầu tăng thời gian làm việc lên 18 giờ/ngày, tăng cường nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ”, Thứ trưởng nói.
Cầu Bạch Đằng dài 3 km, có kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Cầu sẽ có 3 trụ tháp (trụ tháp giữa cao 99,74 m, trụ tháp 2 bên cao 94,5 m) với 4 nhịp cầu dây văng.
Dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí lên tới hơn 7.600 tỷ đồng. Trong đó, hơn 7.200 tỷ đồng do Công ty cầu Bạch Đằng gồm liên danh 8 nhà đầu tư, số còn lại là từ ngân sách Nhà nước.
Cây cầu khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường TP. Hạ Long-Hà Nội từ 180 km xuống còn 130 km; từ Hạ Long đi Hải Phòng xuống còn 25 km, thay vì 75 km như hiện tại.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.