Thủ tướng Malcolm Turnbull phát biểu tại Xưởng đóng tàu hải quân Osborne. Ảnh: ABC News |
Theo lời Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, đây là khoản đầu tư lớn nhất cho lực lượng hải quân thời bình của nước này.
Theo kế hoạch, khoản đầu tư khổng lồ nói trên sẽ được dùng vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như thực hiện việc đóng 12 tàu ngầm hải quân thế hệ mới, 9 tàu hộ vệ và 12 tàu tuần tra xa bờ, cùng 19 tàu tuần tra cho các quốc gia láng giềng khu vực Thái Bình Dương.
AFP dẫn lời Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết, dự án không chỉ cung cấp cho Australia những tàu ngầm hàng đầu thế giới và nhiều tàu chiến nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của hải quân Australia, mà còn giúp tạo ra khoảng 5.000 việc làm tại nước này.
Ông nhấn mạnh, đây là ví dụ điển hình trong việc thực hiện các cam kết của Chính phủ Australia nhằm tăng cường đầu tư kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Theo đó, mục tiêu của Australia là thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp đóng tàu bằng chính sức lao động của công nhân Australia.
"Đây là kế hoạch tạo việc làm, kế hoạch cho an ninh và kế hoạch cho cơ hội đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng, không chỉ cho ngày hôm nay và ngày mai, mà còn cho các thế hệ sau", Thủ tướng Australia phát biểu tại Xưởng đóng tàu hải quân Osborne gần thành phố Adelaide vào ngày 16-5 vừa qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho rằng, kế hoạch đóng tàu được thiết kế nhằm bảo đảm năng lực, sức mạnh và sự linh hoạt tối đa cho quân đội nước này và nhấn mạnh: "Những chiếc tàu hộ vệ, tàu tuần tra xa bờ và tàu ngầm tương lai sẽ tạo ra khả năng mà chúng ta cần có để bảo vệ Australia và các lợi ích của chúng ta".
Đáng chú ý nhất trong "siêu dự án" nói trên của Australia là việc đóng mới 12 tàu ngầm với tổng trị giá 50 tỷ AUD.
Theo hãng tin ABC News, hợp đồng này được Australia và Pháp chính thức ký kết hồi năm ngoái, theo đó Tập đoàn DCNS của Pháp sẽ đóng 12 tàu ngầm tiên tiến lớp Shortfin Barracuda cho Hải quân Australia.
Những chiếc tàu ngầm này là phiên bản chạy bằng động cơ điện - diesel, có lượng choán nước 4.700 tấn và đặc biệt nổi trội về khả năng "tàng hình". Chiếc tàu ngầm lớp Shortfin Barracuda đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2030.
Trước đó, tháng 4-2016, DCNS đã đánh bại các đối thủ nặng ký như Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki của Nhật Bản và Tập đoàn ThyssenKrupp AG của Đức để giành lấy hợp đồng béo bở này. Đây cũng được coi là "hợp đồng thế kỷ" giữa Australia và Pháp.
Trong khi đó, 9 tàu hộ vệ mới với khả năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tàu ngầm của đối phương sẽ thay thế các tàu hộ vệ lớp ANZAC và Adelaide hiện nay của Hải quân Australia. Dự kiến việc đóng tàu tuần tra, tàu hộ vệ và tàu ngầm thuộc "siêu dự án" nói trên sẽ lần lượt bắt đầu vào năm 2018, 2020 và 2022.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết sẽ trích ra hơn 1,3 tỷ AUD để đầu tư nâng cấp các cơ sở đóng tàu ở khu vực phía Nam và Tây Australia. Ngoài ra, nước này cũng có thể sẽ thành lập một trường chuyên về ngành đóng tàu để đào tạo nguồn nhân lực lành nghề.
Theo hãng tin Sputnik, Sách trắng Quốc phòng năm 2016 của Australia nêu rõ, dự kiến "xứ sở chuột túi" sẽ tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 15% trong vòng 10 năm tới nhằm thực hiện các kế hoạch tăng cường năng lực quốc phòng.
Reuters thì lại cho rằng, hạm đội tàu ngầm mà Australia sắp xây dựng là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng mà nước này công bố tháng 2-2016.
Rõ ràng, với "siêu dự án 89 tỷ AUD", Australia đang hướng đến những mục tiêu lớn lao trong những thập kỷ tới. Đó là tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân, đồng thời phát triển nguồn nhân lực quốc gia, giải quyết vấn đề việc làm và tạo ra "một cú đột phá" để nâng cao vị thế của ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của Australia.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.