Nhân viên y tế ở sân bay quốc tế Changi của Singapore theo dõi thân nhiệt hành khách. Ảnh: AFP. |
Cứ mỗi 80 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh ở sân bay quốc tế Changi, khiến nó luôn nằm trong danh sách những phi trường bận rộn nhất toàn cầu. Và nếu dựa trên khả năng kết nối thì Changi còn vượt JFK của New York, SFO của San Francisco hay DXB của Dubai.
Hơn ai hết, giới chức Singapore hiểu rõ đồng nghĩa với sự bận rộn này là nguy cơ cao xuất hiện những hành khách nhiễm virus corona chủng mới - thứ đã lấy đi mạng sống của hơn 1.300 người và khiến gần 65.000 nhiễm bệnh.
Cuộc gặp đưa virus corona đi khắp thế giới
Hàng chục máy quét nhiệt đã được đặt tại các nhà ga của sân bay, tự động đo thân nhiệt hành khách khi họ nhập hay xuất cảnh Singapore.
Một đường biên giới mở và sự kết nối toàn cầu, kết hợp với cách tiếp cận chủ động của nước này với bệnh dịch khiến cho Singapore trở thành nước phát hiện nhiều ca nhiễm nhất ngoài đại lục, với 67 trường hợp tính đến ngày 14/2.
"Chúng tôi dễ bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự lây lan của virus", ông Lawrence Wong, đồng Chủ tịch nhóm công tác đặc biệt chống dịch của Singapore, chia sẻ.
Mặc dù vậy, khi virus xuất hiện ở Singapore, nó không chỉ ảnh hưởng đến đảo quốc sư tử, nó có thể đã lan tới khắp nơi trên thế giới nhờ Singapore.
Điều này trở thành thực tế sau khi một cuộc họp được tổ chức tại khách sạn Grand Hyatt của thành phố hồi giữa tháng 1 trở thành nguồn lây nhiễm cho hàng chục trường hợp trên khắp thế giới.
Hơn 100 người đã tham dự hội nghị của một tập đoàn bán lẻ quốc tế, trong đó có những người đến Vũ Hán.
Một tuần sau cuộc gặp, nhiều ca nhiễm virus corona đã xuất hiện trên toàn thế giới, từ Hàn Quốc đến Malaysia, Anh và thậm chí cả Tây Ban Nha.
Người Malaysia đầu tiên nhiễm virus, một người đàn ông 41 tuổi, đã tham dự cuộc gặp cùng với các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc. Sau khi trở về nhà, người này đã lây nhiễm cho chị gái và mẹ vợ.
Sau đó, Hàn Quốc xác nhận hai trường hợp nhiễm bệnh, đều là công dân nước này từng có mặt trong cuộc gặp ở Singapore, nơi họ cùng ngồi ăn với các đồng nghiệp Trung Quốc.
Singapore cũng báo cáo 3 trường hợp nhiễm virus từ cuộc gặp ở khách sạn, với 2 công dân của đảo quốc và một thường trú nhân.
Steve Walsh, công dân người Anh đã lây virus cho 11 người ở châu Âu, cũng từng có mặt tại hội nghị này.
Từ Singapore trở về, ông Walsh bay tới một khu nghỉ dưỡng ở Pháp để trượt tuyết, và đã lây nhiễm cho 11 người ở đó. Những người này lại bay trở về nước họ, với 5 trường hợp ở Anh, 5 trường hợp ở Pháp và 1 trường hợp ở đảo Mallorca của Tây Ban Nha.
Cuộc gặp ở khách sạn Grand Hyatt cho thấy Singapore có khả năng trở thành địa điểm trung gian cho sự lây lan của virus. Nhưng điều đáng quan ngại là đã có rất nhiều hội nghị như vậy được tổ chức.
Thành phố cũng là nơi thu hút số lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc. Với 3,62 triệu lượt khách, người Trung Quốc đứng đầu trong số khách du lịch đến Singapore.
Do các cuộc biểu tình ở Hong Kong, nhiều khách Trung Quốc quyết định đến Singapore thay vì đặc khu trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi - vô tình trùng với thời điểm bùng phát của virus.
Nhiều thứ để mất
"Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng chúng tôi thực sự là nền kinh tế mở, là trung tâm du lịch quốc tế. Vì vậy chúng tôi đang làm tất cả để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Chúng tôi đang công bố thông tin một cách rất minh bạch và tiếp tục phối hợp với giới chức y tế toàn cầu", ông Wong nói thêm.
Singapore đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống lại virus nhằm ngăn chặn sự lây lan trong một thành phố với mật độ dân số cao. Chính quyền áp dụng một cơ chế theo dõi rất tinh vi để săn lùng người nhiễm bệnh, nhằm đưa họ vào diện cách ly hoặc theo dõi.
Singapore cũng là quốc gia thứ 3 trên thế giới, sau Nga và Triều Tiên, đóng cửa biên giới với người Trung Quốc và buộc những công dân từng đến Trung Quốc phải cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày.
Những người vi phạm lệnh cách ly sẽ bị tước giấy phép lao động và không được phép làm việc ở Singapore nữa. Chính quyền cũng phân phối mặt nạ tới một triệu hộ gia đình, và lập tài khoản WhatsApp để thông báo cho người dân về tình hình dịch bệnh.
Lý do chính để Singapore có phản ứng nhanh và quyết liệt như vậy nhằm chống lại virus corona, một phần đến từ kích thước khiêm tốn của quốc gia này, nhưng cũng vì chính quyền đã có bài học đắt giá với dịch SARS hồi năm 2002-2003.
"Bạn gặp các đồng nghiệp của mình một ngày trong bữa trưa, và sau đó vài ngày, bạn sẽ nghe rằng họ đã được đưa vào phòng hồi sức tích cực, hoặc tệ hơn - đã chết", bác sĩ Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người sống sót sau dịch SARS, kể lại.
Với 238 người nhiễm bệnh và 33 ca tử vong khi đó, ông Leong nói rằng dịch SARS đã "gây sợ hãi và làm người Singapore bị chấn thương tâm lý".
"Chúng tôi là một đất nước dễ bị tổn thương, rất nhỏ nhưng kết nối với nhiều nơi. Một ngày nào đó bạn có thể mắc bệnh ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới, và ngay sau đó nó sẽ xuất hiện ở Singapore", ông Leong nhận định.
Không có lựa chọn nào khác, Singapore phải cảnh giác cao độ và minh bạch trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người này. Đảo quốc phụ thuộc rất nhiều vào phần còn lại của thế giới cho nền kinh tế, lương thực, và huyết mạch của họ.
Các biện pháp mạnh đã giúp Singapore dập tắt dịch SARS, nhưng trong vòng 10 năm qua, thành phố đã gắn kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với Trung Quốc.
Lần này họ có nhiều thứ để mất hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.