Cháy rừng ở tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Khói mù từ các đám cháy rừng đang lên đến đỉnh điểm ở Indonesia được cho đã lan sang nhiều nước láng giềng, khiến cơ quan chức năng ở Malaysia phải phát mặt nạ cho học sinh, trong khi giới hữu trách ở Thái Lan, Philippines và Singapore khuyên người dân hạn chế ra đường.
CNN cho hay hơn 500.000 mặt nạ đã được phân phát cho học sinh ở tỉnh Sarawak, phía đông Malaysia, khi chất lượng không khí hôm 19/9 ở mức 273 microgram phân tử bụi mịn/m3 không khí. Mức này được coi là "rất không lành mạnh", theo Chỉ số Ô nhiễm Không khí (API) Malaysia.
Cháy rừng ở vùng Kalimantan (thuộc đảo Borneo), Indonesia, đã làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí, theo Phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail.
"Chúng ta không thể kiểm soát được nguồn (gây ô nhiễm). Đó là lý do chính phủ đang chuẩn bị một số biện pháp để xử lý vấn đề này", bà nói.
Indonesia phủ nhận cáo buộc rằng các đám cháy ở nước họ đã gây ô nhiễm lan sang Singapore và Malaysia.
Một nửa số nước Đông Nam Á "mù mịt" trong bụi
Singapore cũng đã ban hành khuyến cáo y tế trong tuần qua vì mức độ ô nhiễm không khí tăng cao do cháy rừng ở Indonesia, cảnh báo người dân nên ở trong nhà. Tình trạng khói mù đã hết vào ngày 20/9 nhưng trở lại vào ngày 21/9, theo Straits Times.
Trong một thông báo vào tối 21/9, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) cho biết tình trạng khói mù tại nước này có thể trở nên tệ hơn vì gió được dự đoán thổi từ phía đông hoặc đông nam, nơi có các đám cháy. Điều này có thể khiến Chỉ số Tiêu chuẩn Ô nhiễm (PSI) trong 24 giờ tăng lên mức "không lành mạnh".
Khói mù ở Singapore hôm 14/9. Ảnh: Straits Times. |
PSI là thang đo chất lượng không khí 5 cấp từ "tốt", "bình thường", "không lành mạnh", "rất không lành mạnh" và cao nhất là "độc hại". Hôm 14/9, chỉ số PSI tại Singapore lần đầu ở mức "không lành mạnh" trong ba năm qua. Ở mức này, NEA khuyến cáo người dân cắt giảm các hoạt động ngoài trời.
Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước Singapore Masagos Zulkifli nói tình trạng khói mù do cháy rừng là vấn đề đã ảnh hưởng đến khu vực ASEAN nhiều năm nay.
"Đây là lý do cần phải có giải pháp và sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nước ASEAN cũng như các bên liên quan, để đạt được tầm nhìn của chúng ta về một ASEAN không còn khói mù vào năm 2020", ông Zulkifli nói trên Facebook hôm 15/9.
Thành phố Cebu, Philippines, cũng đang chịu cảnh khói mù do cháy rừng ở Indonesia, theo Rappler. Chỉ số PM2.5 (số phân tử bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet trong không khí) vào lúc 8h ngày 18/9 là 56 microgram/m3. Mức này cao hơn mức an toàn là 50 microgram/m3.
Đảo Sumatra và Borneo, nơi xảy ra các vụ cháy rừng, nằm cách Cebu khoảng 2.500 km.
Khói mù ở thành phố Cebu. Ảnh: Rappler. |
"Vì tình trạng này, chúng tôi khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp an toàn và mang thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang hoặc kính bảo hộ để bảo vệ bạn trước không khí ô nhiễm", Cục Quản lý Môi trường Vùng VII Philippines nói trên Facebook.
"Nếu bạn không có việc gì bên ngoài, hãy ở trong nhà và luôn đóng các cửa sổ, cửa chính. Không chạy hay đi bộ ngoài trời vì cơ thể đưa vào nhiều không khí ô nhiễm hơn khi hoạt động".
Tại miền Nam Thái Lan, khói mù cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của người dân khi chỉ số PM2.5 vượt ngưỡng an toàn, theo The Nation. Các tỉnh chịu ảnh hưởng bao hồm Songkhla, Yala và Satun.
"Khói mù từ đảo Sumatra ở Indonesia dự đoán sẽ bao phủ miền Nam Thái Lan trong ít nhất 3 ngày tới", Tananchai Wansuk, lãnh đạo cơ quan môi trường khu vực cho hay hôm 20/9.
Một số biện pháp đã được thực hiện tại tỉnh Krabi, nơi đã chứng kiến tình trạng khói mù dày đặc mỗi năm trong những năm gần đây. Các bệnh viện từ nhỏ đến lớn đã được yêu cầu tuyên truyền thông tin về cách ứng phó với khói mù, trong đó trẻ em và người lớn cũng như người mắc các bệnh hô hấp mạn tính được cảnh báo là đối tượng đặc biệt cần cảnh giác.
Indonesia "đến hẹn lại cháy"
Cháy rừng ở Indonesia xảy ra hàng năm. Các cơ sở làm giấy và dầu cọ tiến hành canh tác ở những vùng đất giàu than bùn ở vùng duyên hải đảo Sumatra và trên đảo Borneo.
Hàng năm, những mảnh đất trồng trọt thường được phơi khô và đốt cháy để chuẩn bị cho vụ mùa năm sau. Than bùn, vốn khô và giàu carbon, có thể cháy trong nhiều tuần, theo CNN.
Theo Cơ quan Ứng phó Thảm họa Quốc gia Indonesia, tính cả các vụ cháy trên đảo Sumatra, ít nhất 320.000 ha đất ở Indonesia đã bị cháy trong năm nay.
Đầu tuần này, Cảnh sát Quốc gia Indonesia tuyên bố 185 người đã bị bắt vì liên quan đến các vụ cháy lan rộng. Gần 100% các vụ cháy "xảy ra do yếu tố con người", một phát ngôn viên cho biết.
Những người bị kết tội gây cháy có thể bị phạt tới 10 tỷ rupiah, tương đương 700.000 USD, và quản lý của các công ty gây cháy có thể phải ngồi tù tới 10 năm. Song việc xác định nghi phạm gặp nhiều khó khăn và các vụ cháy vẫn tiếp tục diễn ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.