'Sinh viên nên đi làm thuê trước khi khởi nghiệp'

07/10/2018 06:55

Giới trẻ nên trang bị kiến thức, kỹ năng từ nhà trường, công ty... trước khi gây dựng cơ nghiệp riêng, theo Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam.

0X1A0971-JPG-6511-1538627682
Phương Anh, sinh viên Quản trị kinh doanh trường Hutech chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp nhà hàng phong cách Eat Clean. Ảnh: Hữu Khoa.

Tại sự kiện University Tour - Startup Việt 2018 vừa diễn ra tại Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech), hơn 80% sinh viên tham dự cho biết có ý định startup. Nhưng nhiều bạn không biết bắt đầu từ đâu và phải chuẩn bị những gì để thực hiện ước mơ.

Bạn Nguyễn Lê Duy - sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường Hutech cho biết dù đang theo học khối thương mại nhưng vẫn ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trong ngành hóa sinh. Việc học trái ngành khiến bạn trẻ này băn khoăn không biết nên phát triển sự nghiệp của mình thế nào.

"Em có ý tưởng sản xuất chế phẩm sinh học từ nhựa cây khoai môn có thể giúp chống viêm nhiễm và trị liệu các vết côn trùng cắn nhưng chưa biết làm sao để phát triển dự án này", bạn Duy nói.

Phương Anh, học khoa Quản trị kinh doanh, muốn mở chuỗi nhà hàng phục vụ thực phẩm tốt cho sức khỏe theo phương pháp Eat Clean. Dù vậy với thị trường F&B cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, một sinh viên sắp ra trường như Phương Anh lo lắng không có nhiều kinh nghiệm, chưa đủ sức phát triển dự án.

Từng khởi nghiệp khi còn trẻ, không ít lần mất sạch vốn liếng nên Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam hiểu rõ băn khoăn, lo lắng của các bạn sinh viên. Ông nhìn nhận thiếu kinh nghiệm là một trong những vấn đề lớn nhất của giới trẻ.

"Các bạn có lợi thế lớn về sức trẻ, năng lượng dồi dào và nền tảng tri thức tốt, nhưng bấy nhiêu chưa đủ để khởi nghiệp vì thiếu hẳn yếu tố quan trọng là kinh nghiệm thương trường", ông Tam nhận xét.

Theo ông chủ Asanzo, bạn trẻ có thể tích lũy kinh nghiệm và kiến thức khởi nghiệp từ quá trình làm thuê cho các công ty. Sinh viên mới ra trường hoặc còn đi học không nên nghĩ đến chuyện khởi nghiệp vội mà cần dành vài năm làm việc ở các công ty trong, ngoài nước nhằm học hỏi cách thức vận hành, phát triển mô hình kinh doanh.

"Chẳng hạn muốn khởi nghiệp trong ngành F&B, bạn có thể làm nhân viên cho một tập đoàn hoặc nhà hàng, tìm hiểu cách họ lên thực đơn, tạo ra điểm nhấn độc đáo về chất lượng món ăn, dịch vụ... từ đó phát triển dự án tốt cho sức khỏe", ông Tam gợi mở giải pháp cho sinh viên Phương Anh.

0X1A0908-JPG-7745-1538627682
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo chia sẻ câu chuyện vươn lên từ những thất bại trong suốt thời gian khởi nghiệp. Ảnh: Hữu Khoa.

Còn với dự án khởi nghiệp ngành hóa sinh, ông Tam khuyên sinh viên tham gia vườn ươm khởi nghiệp hoặc các cuộc thi về startup để lắng nghe kinh nghiệm từ các chuyên gia, doanh nhân đi trước... Ví dụ như môi trường cuộc thi Startup Việt 2018 có thể giúp các bạn cọ xát với thực tế và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của dự án và bản thân rõ ràng hơn.

"Nghĩ lớn nhưng hãy bắt đầu từ việc nhỏ. Từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, các bạn có thể triển khai mô hình kinh doanh vừa tầm, vừa làm vừa khảo sát thị trường để tìm cơ hội phát triển mạnh hơn", ông chủ Asanzo nhấn mạnh.

Để giúp sinh viên nhìn rõ hơn về những thách thức của quá trình khởi nghiệp, ông Tam thẳng thắn kể câu chuyện nhiều lần thất bại từ khi vào TP HCM lập nghiệp. Lần gần nhất, ông Tam lỗ vốn 100 tỷ đồng do non kinh nghiệm khi bắt đầu làm smartphone. Điều này giúp doanh nhân trẻ và tập đoàn điện tử Asanzo nhận ra bài học kinh nghiệm dù bạn đã thành công nhưng chuyển sang lĩnh vực mới, nếu không chịu học hỏi thì thất bại là điều khó tránh khỏi.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình giỏi bởi sự tự mãn sẽ ngăn cản tinh thần cầu tiến, học hỏi. Xã hội luôn phát triển, thị trường luôn biến đổi thì mình cũng phải học hỏi không ngừng", ông Tam khuyên.

Không ngại chia sẻ những lần vấp ngã trên thương trường, ông chủ 8x của Asanzo khẳng định sẵn sàng làm thuê cho các tập đoàn hàng đầu để được học hỏi những kinh nghiệm quản trị và vận hành mà mình còn thiếu sót.

"Nếu tôi ngừng thay đổi, Asanzo cũng sẽ dừng phát triển. Giờ, tôi chỉ mong có tập đoàn nào lớn nhận mình vào làm, để tôi tiếp tục phát triển bản thân và doanh nghiệp", ông Tam nhấn mạnh.

Câu chuyện về những lần phá sản, mất tiền, tay trắng... của doanh nhân đàn anh đã truyền cảm hứng cho gần 500 sinh viên tham dự sự kiện. Nhiều bạn chia sẻ đã tự tin, dũng cảm hơn và không sợ thất bại với ước mơ của mình.

Ý kiến của bạn

Bình luận