Kế hoạch thu phí hoàn vốn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 vào ngày 1/8/2022 đã không thể thực hiện được do UBND tỉnh Tiền Giang chậm phê duyệt mức giá dịch vụ.
Trước đó, vào ngày 30/7/2022, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang để phản hồi văn bản số 4033/UBND – KT ngày 26/7 về tham vấn ý kiến đối với phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Tại văn bản này Bộ GTVT khẳng định: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang là Cơ quan có thẩm quyền, nên việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của Tỉnh Tiền Giang.
Điều đáng nói là quy định này đã được xác định rất rõ, đầy đủ tại Luật Giá và Thông tư số 35/2016 và Thông tư số 28/2021 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.
Tuy nhiên, thay vì mạnh dạn quyết những vấn đề trong thẩm quyền, được pháp luật cho phép, UBND tỉnh Tiền Giang lại loay hoay đi hỏi các bộ, ngành liên quan đối với việc ban hành mức giá dịch vụ cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã dẫn tới sự chậm trễ không đáng có dù công trình này đã được đưa vào khai thác suôn sẻ từ 3 tháng trước, trong sự sốt ruột của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.
Được biết, kể từ khi nhận vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 từ 3 năm trước, UBND tỉnh Tiền Giang khá thận trọng trong việc xử lý các vấn đề phát sinh.
Có thể thông cảm phần nào do địa phương này chưa từng quản lý một dự án hạ tầng giao thông nào có quy mô lớn, phức tạp như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhưng nếu không dám quyết nhanh, gọn đối với những vấn đề đã rõ như phương án giá thu phí thì lại gây cản trở tới tiến độ triển khai công trình, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư.
Cần phải nói thêm rằng, hiện tâm lý “phòng thủ”, “sợ sai” hiện khá phổ biến trong một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước tại cả trung ương và địa phương, đặc biệt là khi đụng đến các vấn đề tương đối nhạy cảm như: đấu giá, đấu thầu; giao đất; phê duyệt dự án.
Việc chậm đấu thầu thuốc, sinh phẩm y tế hay giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua, ngoài các yếu tố khách quan, chắc chắn còn xuất phát từ tình trạng “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” của một bộ phần người đứng đầu đơn vị.
Được biết, một trong những đột phá quan trọng mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra là cơ chế bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Trong đó, “dám làm” không có nghĩa là làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Dám chịu trách nhiệm bao gồm việc nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy.
Trên thực tế, vấn đề cấp thiết hiện nay là có quy định cụ thể để giải tỏa cho được tâm lý sợ làm sai với quy định hiện hành, sợ bị xử lý trách nhiệm, mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với một động cơ trong sáng - vì lợi ích của dân, của nước, không vì danh, lợi cá nhân ở không ít cán bộ, đảng viên đang giữ những trọng trách.
Quy định này sẽ vừa kịp thời khuyến khích, vừa bảo vệ cán bộ, đảng viên “6 dám” vừa mở lối cho những vấn đề không còn phù hợp, những tồn đọng kéo dài, những vấn đề mới chưa được quy chế hiện hành bảo đảm, khó khăn trong cách giải quyết, phức tạp...
Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với chủ trương phân cấp mạnh mẽ của Chính phủ khi mới đây người đứng đầu Chính phủ đã quyết định giao nhiều công trình hạ tầng rất lớn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương làm chủ đầu tư.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.