Bộ GTVT đã thí điểm thu phí không dừng tại một số trạm thu phí ( Ảnh internet) |
Ông Nguyễn Mạnh Thắng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, Pháp Vân- Cầu Giẽ là tuyến cửa ngõ lưu lượng lớn nhất, Tổng cục đã chủ trì một đoàn gồm Cục quản lý xây dựng, Vụ KHCN đã đi khảo sát tại trạm thu phí BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ và kiểm tra cụ thể. Trạm này đã triển khai 2 cửa thu phí không dừng theo công nghệ RFID. Tổng cục đã làm việc với Công ty CP Phần mềm - Tự động hóa - Điều khiển (Cadpro) và Công ty Cổ phần Tasco, qua trao đổi và có kiến nghị. Theo đó, về kỹ thuật, có các ý kiến đề nghị Bộ phải có tiêu chuẩn rõ ràng, đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giao cho tổ công tác, Vụ KHCN sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ông Vũ Quang Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tasco báo cáo tính từ cuộc họp trước về vấn đề này, trước đây 18 nhà đầu tư chưa ký phụ lục hợp đồng thì đến nay đã có 12 nhà đầu tư đã ký, chỉ còn 6 nhà đầu tư chưa ký vì có nhiều lý do. Về dự án QL1, QL14 đang triển khai lắp đặt tại 6 trạm, dự kiến từ giờ đến tháng 4 đưa 6 trạm đó vào sử dụng theo lộ trình. Và trong danh mục 28 trạm Tasco được giao không có trạm Pháp Vân-Cầu Giẽ. Về kỹ thuật, vấn đề không phải là do công nghệ mà ở sự phối hợp với nhau.
Trạm thu phí không dừng đã thí điểm hiệu quả tại Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo. |
Trước vấn đề đó, ông Phạm Hồng Quang- Giám đốc Trung tâm tin học tính toán Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng việc thu phí theo công nghệ RFID của Mỹ có tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, vấn đề là làm sao hệ thống xây dựng nên không chỉ thu phí xe trong nước mà xe chạy trong khu vực chạy qua Việt Nam cũng có thể thu phí, do đó xây dựng đường xuyên Á cũng phải hoạt động ngay trên công nghệ này. Thái lan sử dụng công nghệ RFID này như Đài Loan nhưng vấn đề quản lý thương mại điện tử ở mỗi quốc gia khác nhau. Do đó, chúng ta cần phải có một thẻ của Việt Nam định hướng liên thông giữa các đơn vị Việt Nam với nhau và sự liên thông ấy cần có định hướng quốc tế, trong khu vực ưu tiên các nước lân cận có đường xuyên Á.
“Để tiết kiệm cho đầu tư, hiện nay công nghệ RFID này chúng tôi dã triển khai trên 100 ngàn thẻ, gần 100 trạm thu phí cùng công nghệ. Tiêu chuẩn quản lý thương mại điện tử Bộ nên ban hành sớm để có thể đồng bộ, một thẻ đi được tất cả các tuyến đường và có thẻ chi trả cho bất kỳ lái xe nào mà không gây ra kiện tụng”, ông Quang nhấn mạnh.
Trả lời cho vấn đề này, ông Đinh Mạnh Đức- Phó Vụ trưởng Vụ KHCN về mặt tiêu chuẩn đầy đủ đều có thể thiết kế, vấn đề mấu chốt ở đây là trung tâm thanh toán, trung tâm đối soát, tức là khi dùng thẻ này làm sao chuyển tiền của chủ đầu tư này sang cho chủ đầu tư khác.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng trong tuần tới phải có tiêu chuẩn tạm thời để ban hành ngay, rồi sẽ tiếp tục kiểm tra bổ sung và thực hiện song song thì đề nghị 3 nhà đầu tư lắp đặt thiết bị xong trước 30/5 để tháng 6 thí điểm vận hành. Đồng thời, Tasco phải xây dựng tiến độ cụ thể trong tuần sau trình toàn bộ tiến độ lên Bộ và phải làm chi tiết của từng trạm. Quá trình làm về thủ tục thì ban PPP phải giải quyết nhanh và giao ban PPP tất cả nhà đầu tư nào chưa ký thì trong tuần này phải ký phụ hợp đồng, không thì ngừng thu phí các trạm theo chủ trương Bộ đã đề ra. Còn đối với trạm Pháp Vân- Cầu Giẽ, các đơn vị liên quan phải phối hợp lại, tăng tối đa cửa tự động,từ 2 cửa như hiện nay phải tăng lên 6 cửa.
Đồng thời, Thứ trưởng đặt ra câu hỏi làm thế nào để người lái xe có thể nạp tiền vào tài khoản ETC. Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Quang Lâm cho biết hiện nay nạp thẻ vào thẻ E-Tag có các hình thức là người lái xe đến ngân hàng nộp, nạp thẻ qua internet banking… Tuy nhiên trước câu trả lời này Thứ trưởng đặt ra vấn đề người lái xe đang di chuyển trên các tuyến đường cao tốc, QL thì lấy đâu ra các chi nhánh ngân hang để nạp tiền và tại sao không sử dụng hình thức thu qua thẻ điện thoại. Ông Lâm cho biết đơn vị đã tính đến phương án này nhưng không khả thi vì khi thu qua thẻ điện thoại ngừoi lái xe sẽ mất thêm tiền, nếu họ nạp 100.000 thì chỉ được sử dụng 85.000.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu yêu cầu Tasco và các công ty liên quan xây dựng đầu tư 28 trạm trên địa bàn cả nước, ít nhất là 50% của các trạm đó theo công nghệ RFID. Đồng thời, các thủ tục phải làm song song với việc triển khai. Tasco phải có trách nhiệm làm việc với Cadpro, Viettel thống nhất phương thức của 3 trung tâm để chia sẻ dữ liệu dảm bảo liên thông , đáp ứng được tính minh bạch rõ ràng.
Đối với Cadpro, Thứ trưởng đề nghị giúp Bộ xây dựng tiêu chuẩn và giao cho Tổng cục ĐBVN, sau đó Tổng cục chuyển cho vụ KHCN, chậm nhất trước 25/3 phải ban hành đc tiêu chuẩn, làm cơ sở pháp lý cho triển khai thu phí không dừng. Và khi ban hành tiêu chuẩn thì đề nghị VEC, Tasco đóng góp ý kiến xây dựng tiêu chuẩn. Đồng thời, Cadpro phải thống kê, có báo cáo đầy đủ với Bộ hiện nay đã lắp đặt trạm nào, chưa lắp đặt trạm nào và các trạm nào sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.