Cầu Nhật Tân - Công trình sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản |
Tại buổi họp, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đã trình bày tóm tắt dự thảo Đề án chương trình và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành GTVT đến năm 2020. Theo đó, dự báo nhu cầu giao thông Việt Nam từ 2013 đến 2020 vẫn ở mức cao là 9,1% đối với hàng hóa và 10,7% đối với hành khách. Đến năm 2030, tổng sản lượng vận tải khoảng 2.500 tỷ tấn.km (tương đương 4,3 tỷ tấn hàng hoá), 667 tỷ hành khách.km (tương đương 14 tỷ lượt khách), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về sản lượng vận tải hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 là 6,7%, hành khách là 8,2%. Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải Việt Nam cũng xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020, hệ thống giao thông cơ bản Việt Nam sẽ hình thành được một hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển KCHT giao thông Việt Nam giai đoạn 2016-2020 toàn ngành ước tính khoảng 1.015.000 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD, là nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình giao thông do Bộ GTVT, các Tổng công ty nhà nước quản lý và các công trình chủ yếu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh). Cân đối giữa khả năng và nguồn lực hiện tại và nhu cầu thì còn khoảng 415 nghìn tỷ chưa xác định được nguồn vốn, cần tiếp tục thu hút từ nguồn ngoài ngân sách trong nước và đặc biệt là vốn nước ngoài.
Cũng theo dự thảo Đề án, Chính sách chung về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được thể hiện qua 5 điểm tại Điều 5 Luật Đầu tư 2014: Quyền đầu tư kinh doanh các lĩnh vực không cấm; Quyền quyết định tự chủ đầu tư kinh doanh, tiếp cận nguồn lực đầu tư; Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, lợi ích; Đối xử bình đẳng, có lĩnh vực ưu đãi; Tôn trọng điều ước quốc tế.
Đối với lĩnh vực GTVT, hiện nay, một cách tương đối, có 2 kênh chủ yếu thu hút nguồn vốn nước ngoài để đầu tư phát triển là sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA hoặc vốn vay ưu đãi từ nước ngoài. Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư chung là: miễn thuế, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu hàng hóa liên quan thực hiện dự án; miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.
Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài dự thảo Đề án cũng đề cập một số giải pháp ưu tiên, đột phá thu hút vốn đầu tư nước ngoài như: Tăng cường năng lực cho bộ phận xúc tiến đầu tư của Bộ GTVT; Hoàn thiện chính sách phí và giá dịch vụ tiếp cận thông lệ quốc tế, minh bạch rõ ràng; Nghiên cứu khả năng cho phép vốn nước ngoài được tham gia rộng hơn đối với một số lĩnh vực kinh doanh hạ tầng và dịch vụ giao thông vận tải...
Tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu đều đề nghị Ban soạn thảo cần có sự điều chỉnh về câu chữ và cách diễn đạt sao cho dễ hiểu vì đối tượng nghiên cứu đề án là người nước ngoài, bên cạnh đó Ban soạn thảo cũng cần thống nhất và sử dụng chính xác các thuật ngữ trong đầu tư...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự cố gắng của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT và Vụ Hợp tác quốc tế trong việc chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án. Do đây là phiên họp lấy ý kiến lần cuối nên Viện Chiến lược và Phát triển GTVt và Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý tại phiên họp này và chỉnh sửa và gửi văn bản cho các đơn vị liên quan một lần nữa trước khi ban hành.
Thứ trưởng lưu ý Ban soạn thảo phải làm định hướng đầu tư các lĩnh vực trong ngành, vấn đề phí, giá làm sao để một nhà đầu tư nước ngoài chưa biết gì về Việt Nam nhưng khi quan tâm đầu tư lĩnh vực GTVT tại Việt Nam biết được phải làm gì và đầu mối tiếp xúc là ở đâu. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng cần lưu ý làm rõ vấn đề tổ chức thực hiện Đề án như cơ quan nào cung cấp thông tin, cơ quan nào cập nhật thông tin, cơ chế cập nhật thông tin...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.