Sớm nghiên cứu, thí điểm dùng cát biển thi công cao tốc ở ĐBSCL

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 19/08/2022 10:12

Trước việc khan hiếm vật liệu thi công các dự án cao tốc, một số địa phương ở ĐBSCL kiến nghị sớm nghiên cứu, thí điểm dùng nguồn cát biển.

 

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận chia sẻ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận chia sẻ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu

Chiều 18/8, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với Ban QLDA Mỹ Thuận (Bộ GTVT) về việc phối hợp triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và hỗ trợ khảo sát vật liệu xây dựng. Tham dự buổi làm việc có ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại cuộc họp, BQLDA Mỹ Thuận thông tin, Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khởi công tháng 11/2022. Để làm cơ sở xác định vật liệu dự kiến cung cấp cho dự án, đảm bảo thực hiện theo tiến độ yêu cầu, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin các mỏ vật liệu đã cấp phép nhưng chưa khai thác, nguồn vật liệu cát cồn, cát giồng và các loại vật liệu khác có thể sử dụng cho dự án.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, về khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh thì cát lòng sông theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên lòng sông Hậu thuộc khu vực tỉnh đến năm 2020 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tổng trữ lượng này chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng tại địa phương và phục vụ các dự án trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh. Do đó Sở này đã có 2 văn bản trả lời cho Ban QLDA Mỹ Thuận về nguồn vật liệu tại địa bàn.

Đối với cát biển thì có trữ lượng khoảng 13,9 tỉ m3 (cát, sét) có thể khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đối với nguồn tài nguyên này, tỉnh chưa lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng. Cũng như phạm vi khu vực cát biển này nằm ngoài vùng nước của tỉnh, do đó sẽ thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Trước kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đề nghị địa phương cho phép đơn vị tư vấn tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng cát tại các khu vực mỏ (sông Hậu) đã được quy hoạch và khu vực biển trên địa bàn tỉnh và lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng cát. Nếu được, sẽ khai thác khoảng 3.000m3 cát biển tại khu vực biển để vận chuyển về vị trí khu vực thi công thử nghiệm nhằm đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi báo cáo Bộ GTVT.  Tuy nhiên, thời gian theo dõi và có kết quả phải đến cuối năm 2023, do đó Ban cũng mong muốn địa phương tính toán trữ lượng cát sông để hỗ trợ cho dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Theo đề xuất của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận và ý kiến của các Sở ngành, tỉnh sẽ nghiên cứu bổ sung về dự thảo quy chế phối hợp triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để gửi lại Ban.

Empty

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Đối với nguồn vật liệu xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nguồn cát của địa phương cũng bị hạn chế do thượng nguồn sông Mê Kông có nhiều thuỷ điện. Tuy nhiên tỉnh Sóc Trăng hiện có trữ lượng cát biển rất lớn và tỉnh sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh bạn để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc.

Trước đó Singapore cũng từng có đề xuất khai thác mỏ cát biển tại địa phương, do đó tỉnh cho rằng Singapore cũng đã có các nghiên cứu về nguồn cát biển ở đây. Để việc sử dụng cát biển và đưa vào khai thác, Ban QLDA Mỹ Thuận cần rà soát, xem thủ tục cấp phép như thế nào để được thăm dò, lấy mẫu, theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận, nếu được phép khai thác cát biển, cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ý kiến của bạn

Bình luận