Sơn La: Nhiều phương án tối ưu phòng chống mưa lũ

Tác giả: Minh Tùng

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 09/06/2023 13:12

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2023 thời tiết có thể diễn biến phức tạp, cực đoan bất thường, thiệt hại do mưa lũ đối với các công trình giao thông sẽ rất lớn.

Sơn La: Nhiều phương án tối ưu phòng chống mưa lũ - Ảnh 1.

Xe máy của Công ty cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La đang đảm bảo giao thông bước I tại Km22 + 300 Đường tỉnh 108. Ảnh năm 2022.

Được biết, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La được Sở GTVT tỉnh Sơn La giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì và đảm bảo giao thông các tuyến Đường tỉnh, Quốc lộ, gồm 10 tuyến với tổng chiều dài 504,5km nằm trải dài trên địa bàn 6 huyện, thành phố trong tỉnh Sơn La.

Ông Phạm Hồng Tuyến - Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La chia sẻ: "Để đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường do đơn vị quản lý, trong mùa mưa lũ năm 2023, chúng tôi xác định một số tuyến đường đi qua địa hình, địa chất phức tạp thường xuyên xảy ra sạt lở ta luy dương, sa bồi, sụt trượt ta luy âm có nguy cơ gây ách tắc giao thông. Đơn vị đã lên các phương án, kế hoạch bố trí vật tư dự phòng, nhân công và máy móc thiết bị đảm bảo đủ điều kiện thông xe, đảm bảo giao thông bước 1 với thời gian nhanh nhất khi có tình huống ách tắc giao thông xảy ra".

Sơn La: Nhiều phương án tối ưu phòng chống mưa lũ - Ảnh 2.

Một đoạn tuyến sạt ta luy âm, đảm bảo giao thông bằng kè rọ thép do Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La thực hiện

Theo đó, xác định công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiệt hại đảm bảo giao thông là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị quản lý, vì vậy phải được tổ chức triển khai chủ động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban giám đốc, các phòng nghiệp vụ và các đơn vị Hạt.

Phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với Sở GTVT, Ban quản lý bảo trì đường bộ và các huyện, thành phố bảo đảm giao thông luôn thông suốt các tuyến đường trên địa bàn Công ty quản lý, trong và sau mưa lũ.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc phương châm "bốn tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với công trình giao thông.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, kịp thời cảnh báo vị trí nguy hiểm trên các tuyến đường, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố.

Tăng cường công tác tuần đường, phát hiện kịp thời hư hỏng do mưa lũ gây ra, tổng hợp báo cáo khối lượng thiệt hại và tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ như tập trung nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước: cống, rãnh dọc… để đảm bảo thoát nước, giữ ổn định cho nền, mặt đường.

Đối với các vị trí hư hỏng mặt đường như: Ổ gà, lún vệt xe, rạn nứt phải sửa chữa ngay, san lấp bằng vật liệu tại chỗ. Kiểm tra xác định các vị trí xung yếu có nguy cơ ách tắc do sụt trượt trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, công ty cũng đề nghị các Nhà thầu, đơn vị đang thi công trên địa bàn thuộc các tuyến đường do công ty quản lý phải đẩy nhanh tiến độ thi công xong hạng mục nền, mặt đường, hệ thống thoát nước trước mùa mưa lũ.

Đồng thời, chủ động kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng xe máy hoạt động tốt để đảm bảo phục vụ công tác phòng chống và khắc phục hậu quả lụt bão, đảm bảo giao thông. Phối hợp mật thiết với chính quyền các địa phương trên tuyến do đơn vị quản lý.

Ý kiến của bạn

Bình luận