Điểm mặt sai phạm
Như Tạp chí GTVT thông tin, thời gian gần đây, trong khi các địa phương Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình… đang siết chặt hoạt động khai thác, nạo vét, tận thu cát và các sản phẩm từ dưới lòng sông, thì trên Sông Đà (đoạn chảy qua địa phận hai xã Hợp Thịnh, Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn) lại xuất hiện hàng chục tàu cuốc, tàu hút và tàu vận chuyển đua nhau đục khoét tài nguyên.
Tình trạng khai thác cát sỏi trên Sông Đà thực sự “nóng” từ đầu tháng 4 đến nay. Hoạt động khai thác diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Trực tiếp “mục sở thị” đại công trường khai thác cát sỏi trên Sông Đà, đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt tàu cuốc, tàu hút dàn trận tỏa vòi rồng “ăn cát” từ lòng sông lên các tàu "vệ tinh".
Trước tình trạng "tận thu" khoáng sản trên Sông Đà khiến hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị xóa sổ chỉ trong một thời gian ngắn, dòng sông rỉ máu suốt ngày đêm. Điều đáng nói, sau một thời gian "quần thảo" của các tàu cuốc, tàu hút công suất lớn, hai bên bờ sông sạt lở nghiêm trọng.
Từ những manh mối đuợc chính quyền địa phương cung cấp, PV tạm xác định, điểm khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Hợp Thịnh, Hợp Thành được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Khai khoáng SHAHARA và Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến.
Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị xóa sổ từ hoạt động "tận thu" cát, sỏi trên sông Đà qua địa phận huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình |
Theo đó, tại Giấy phép số 20/QĐ-UBND ngày 21/04/2015, của UBND tỉnh Hòa Bình, do ông Bùi Văn Khánh, Phó chủ tịch ký đã cho phép Công ty CP Khai khoáng SHAHARA (Khu 5, Thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Hòa Bình) được khai thác cát dưới lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng tại xóm thông, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn, Hòa Bình).
Cụ thể, diện tích khai thác là 75 ha, được giới hạn bởi các điểm D,E,G,H,K có tọa độ xác định, độ sâu khai thác là +4 m, trữ lượng địa chất 5.500.000 m3, công xuất tối đa cho phép là 230.000 m3/năm, thời hạn khai thác là 24 năm.
Theo Văn bản số 369/ĐK ngày 04/05/2017, của Công ty CP Khai khoáng SHAHARA, do bà Nguyễn Thị Thảo, Tổng giám đốc ký, gửi Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Hợp Thịnh về việc đăng ký số lượng phương tiện, giờ khai thác cát, sỏi, thể hiện rõ: DN này đăng ký 15 tàu phục vụ khai thác.
Trong đó, thường xuyên hoạt động 08 tàu, 07 tàu duy tu bảo dưỡng, khai thác trong vòng 12 tháng với thời gian khai thác từ 05h đến 19h hàng ngày; phương pháp khai thác là tàu hút, tàu cuốc, cẩu cùng sản lượng khai thác cho phép là 230.000 m3/năm.
Tương tự, theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 51/QĐ-UBND ngày 11/12/2013, do ông Trần Đăng Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký, cho phép Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến được khai thác cát trên Sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường (tại xã Hợp Thành, Kỳ Sơn, Hòa Bình).
Giấy phép nêu rõ: Phương tiện khai thác là dùng tàu hút bùn đến định vị ở gương khai thác đầu tiên, tạo diện khai thác với kích thước rộng 20-25 m. Hút cát bằng máy bơm cao áp qua các đầu hút, khai thác cát từ phía hạ lưu lên thượng lưu, các thông số dải khai thác: rộng BK=20-25M, cao HK=3-13.5 tùy theo độ sâu ngập nước của cát.
Phương thức khai thác là dùng tàu hút, vận chuyển, tiêu thụ theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, độ sâu khai thác là +4 m, trữ lượng địa chất: 898.000 m3, với công xuất tối đa cho phép là 27.000 m3/năm trong thời hạn 24 năm.
Quy định trong giấy phép là vậy, tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trên đoạn sông này xuất hiện tới hàng trăm phương tiện phục vụ khai thác cát, sỏi. Mỗi ngày trữ lượng cát, sỏi mà 2 công ty này khai thác được là vô cùng lớn.
Hàng chục tàu cuốc, tàu hút dàn trận "oanh tạc" trên sông suốt ngày đêm. |
Cơ quan chức năng bị "che mắt"?
Trước sự phản ứng gay gắt của người dân hai xã Hợp Thịnh và Hợp Thành, ngày 11/4/2017, Phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với UBND xã Hợp Thịnh tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác của Công ty CP Khai khoáng SAHARA.
Tại thời điểm kiểm tra, có khoảng 30 thuyền đang tham gia khai thác, vận chuyển cát (vượt quá số lượng tàu được phép hoạt động - PV).
Cũng tại Biên bản kiểm tra này, bà Trần Thị Hưởng, Trưởng xóm Tân Lập (xã Hợp Thịnh) đã nêu ý kiến về số lượng tàu thuyền tăng đột biến. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần xem xét lại trữ lượng khai thác có đảm bảo theo quy định hay không.
“Trong các ngày 9,10,11/4/2017, bình quân mỗi ngày có khoảng từ 60-70 tham gia khai thác, vận chuyển so với trước đây là từ 1-2 chiếc, giờ giấc khai thác có đảm bảo không? Hiện tại, công ty đang khai thác cả ngày lẫn đêm đang gây ảnh hưởng tới nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân”, ý kiến của bà Hưởng.
Ngày 04/05/2017 Đoàn kiểm tra do Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình phối hợp với lực lượng chức năng địa phương, tiến hành kiểm tra về hoạt động khai thác của Công ty CP Khai khoáng SAHARA và Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến.
Kết quả kiểm tra cho thấy: Tại khu vực mỏ của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến hiện có 12 tàu quốc đang neo đậu để phục vụ cho hoạt động khai thác cát, trong đó chỉ có 2 tàu quốc đã thực hiện khai báo. Còn lại, 10 công ty này thuê để hoạt động khai thác, nhằm mục đích kinh doanh.
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn công tác đã phát hiện những sai phạm của đơn vị này. Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến đang cắm điểm mỏ sai lệch so với vị trí được cấp phép. Cụ thể: Điểm đầu mỏ khai thác sai lệch so với vị trí được cấp phép là 450 m dọc theo tuyến sông, điểm cuối khai thác sai lệch với vị trí được cấp phép là 55 m.
Đối với Công ty CP Khai khoáng SAHARA, qua quá trình kiểm tra, Đoàn công tác cũng phát hiện: Có 18 chiếc tàu quốc đang neo đậu (vượt quá số lượng cho phép - PV). Theo lý giải của ông Đặng Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc thì toàn bộ tàu quốc trên, do công ty thuê để hoạt động khai thác.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng cũng chỉ rõ: Công ty CP Khai khoáng SAHARA đã thực hiện việc cắm mốc giới sai lệch so với giấy phép là 45m dọc theo tuyến sông.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp về tình hình khai thác cát sỏi trái phép (ngày 7/3), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý nghiêm những hành vi khai thác cát trái phép.
“UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá việc khai thác cát, sỏi, nạo vét cửa sông, cửa biển để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp xã, phường, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng khoáng sản. Ở nơi nào xảy ra sai phạm, trách nhiệm chính sẽ thuộc về người đứng đầu. Nếu phát hiện cán bộ có hành vi bao che, bảo kê do vi phạm, sẽ tùy tính chất, mức độ để xử theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Câu hỏi đặt ra, vì sao lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình không xử lý, để cho các doanh nghiệp khai thác cát mặc sức hành dân, xóa sổ đất nông nghiệp, ngang nhiên rút ruột sông Đà?
Liệu Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có đang "phớt lờ" chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong việc kiểm soát nguồn tài nguyên, hạn chế việc khai thác cát sỏi bừa bãi?
Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.