Chiếc xe Trung Đức chạy "chui" 4 chuyến từ Hải Phòng - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại trong tháng 6 đã làm dịch bệnh lân lan cho nhiều tỉnh thành trên QL1 với 14 ca mắc Covid-19 |
7 chuỗi lây COVID-19 qua lái xe đường dài
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng tháng 6/2021, ghi nhận 12 ca bệnh COVID-19 là lái xe, phụ xe đường dài, từ đó dẫn đến 7 chuỗi ca bệnh, lây lan cho 9 tỉnh thành vốn đang bình yên với COVID-19. Đó là chưa kể đến các chuỗi lây lan qua hành khách đi xe.
Bộ Y tế cho biết 7 chuỗi lây nhiễm kể trên có 12 bệnh nhân COVID-19 và 240 người tiếp xúc, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành.
Từ 12 bệnh nhân và những người tiếp xúc này, chuỗi "siêu lây nhiễm" xe khách Trung Đức chạy TPHCM -Hải Phòng với ca bệnh tại Thái Bình, Hải Phòng có thêm 16 ca bệnh; chuỗi ca bệnh tại Đà Nẵng ghi nhận 82 bệnh nhân; chuỗi ca bệnh Khánh Hòa, Phú Yên có 81 ca bệnh; chuỗi ca bệnh Long An có thêm 3 bệnh nhân; chuỗi ca Hưng Yên 7 bệnh nhân; chuỗi ca Lào Cai 4 bệnh nhân; chuỗi ca Quảng Ngãi 18 bệnh nhân.
Bộ Y tế cũng cho biết hiện tại cả nước ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến các tài xế xe đường dài, tính chất các chuỗi lây nhiễm này thường trải dài ở các tỉnh thành, cần sự phối hợp phòng chống của các tỉnh thành, yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang trên các xe vận chuyển hành khách.
Nhìn vào thực tế này có thể thấy, một “lỗ hổng” khá nghiêm trọng với nguy cơ lây lan COVID-19 cao từ phương tiện vận tải hành khách. Bởi khác với sân bay, nhà ga, các bến xe tập trung đông đúc người dân, hành khách hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn có cả một hệ thống dịch vụ ăn theo như xe ôm, taxi, hàng quán, người bán hàng rong… tại các bến xe, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn.
Khách trên xe ôtô liên tỉnh có thể lên xuống tại rất nhiều điểm dọc theo lộ trình; việc khai báo tên tuổi, địa chỉ lại chỉ được thực hiện tại các bến xe. Do đó sẽ có một lượng không nhỏ hành khách bị bỏ sót, nếu phát sinh tình huống lây lan, việc truy tìm F0, F1 là vô cùng phức tạp.
Khi được hỏi vấn đề phòng chống dịch ở vận tải ôtô khách, một số chuyên gia giao thông, y tế cũng thừa nhận rằng, chưa thể thực sự yên tâm với các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh COVID-19 trong lĩnh vực vận tải đường bộ hiện nay.
Việc khai báo tên tuổi, địa chỉ, đo thân nhiệt, sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn… tại các bến xe, trên xe khách liên tỉnh hay xe buýt có thể thực hiện được nhưng không thể đem lại hiệu quả cao. Nhiều nhà xe vẫn bắt khách dọc đường, hoặc lái, phụ xe lơ là với công tác phòng dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang trong môi trường xe khách vốn kín, thường bật điều hòa yếm khí nên dễ lây nhiễm, chỉ cần để lọt một trường hợp mắc bệnh thôi, có thể khiến hàng nghìn người phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm. Điều đáng nói, trong khi xe đang di chuyển, thì việc lực lượng tuần tra phát hiện có vi phạm 5K trên xe còn "khó hơn lên trời".
Camera hành trình ghi lại những hành khách không đeo khẩu trang trên xe |
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) sau đó đã khẩn cấp yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngăn chặn lây lan của dịch bệnh trên phương tiện kinh doanh vận tải.
Ngoài việc theo dõi, kiểm tra và trích xuất dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, đơn vị này cũng yêu cầu các doanh nghiệp đã lắp camera theo dõi hình ảnh trên xe để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các vi phạm.
Ứng dụng công nghệ AI - lượng hành khách không đeo khẩu trang giảm 3 lần, hỗ trợ hiệu quả phòng chống dịch
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện thông điệp phòng, chống Covid-19 là “5K cộng vắc xin và công nghệ”. Tháng 6/2021, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh (BA GPS) công bố ứng dụng thành công công nghệ AI để phát hiện người không đeo khẩu trang trên xe. Tính năng này được cung cấp miễn phí cho các đơn vị vận tải trong việc cảnh báo hành khách không đeo khẩu trang trên xe.
Theo đó, hệ thống phân tích này được kết nối với camera trên xe để lấy dữ liệu hình ảnh, sau đó công nghệ AI sẽ tự động phân tích và gửi thông báo về đơn vị vận tải mỗi khi phát hiện có người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Hệ thống đánh dấu ô xanh những khuôn mặt đeo khẩu trang và ô đỏ những khuôn mặt không đeo khẩu trang. Sau gần 1 tháng công bố, đã có 23 doanh nghiệp với hơn 500 đầu xe đăng ký sử dụng tính năng này.
Theo thống kê từ hệ thống tính của BA GPS, tỷ lệ hành khách và lái xe, phụ xe không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách trên xe thời gian đầu khá cao (từ khoảng 23%). Sau gần một tháng triển khai tính năng này, tỷ lệ đã giảm đáng kể - chỉ còn khoảng 9%.
Điển hình trên các tuyến chuyên chở công nhân thì tỷ lệ này chỉ còn 6% - 7% (tính đến ngày 25/6/2021). Ngoài nhận cảnh báo trên hệ thống, doanh nghiệp có thể theo dõi được tỷ lệ qua biểu đồ thống kê theo ngày một cách trực quan nhất. Từ đó đưa ra được những phương án quản lý hiệu quả hơn.
Tỷ lệ không đeo khẩu trang trên các phương tiện vận tải hành khách giảm dần |
Không chỉ cảnh báo về cho chủ doanh nghiệp, vừa qua BA GPS còn bổ sung tính năng cảnh báo trực tiếp đến lái xe, phụ xe để giảm nhân lực, nguồn lực. Lái xe, phụ xe chỉ cần cài đặt ứng dụng “BA GPS” trên điện thoại, đăng nhập vào tài khoản được cung cấp, sẽ được nhận các cảnh báo này để kịp thời nhắc nhở hành khách.
Ông Phạm Thái Hòa – Giám đốc Công nghệ BA GPS – cho hay, trước đây, một số doanh nghiệp vận tải lớn với hàng vài trăm đầu xe cần có 3 – 4 nhân sự giám sát, rất mệt mỏi khi phải thường xuyên nhìn vào máy tính xem có bao nhiêu người không đeo khẩu trang để gọi điện nhắc nhở. Nhưng với công nghệ này, doanh nghiệp có thể xử lý hàng trăm, hàng nghìn xe trong cùng một đơn vị thời gian, thậm chí không cần nhân lực giảm sát. "Kể từ khi hệ thống máy chủ của BA GPS nhận được dữ liệu, thì chỉ mất 1/10 giây để xử lý, đếm ra số lượng hành khách và bao nhiêu người đeo hoặc không đeo khẩu trang. Chỉ một vài giây sau là khách hàng đã nhận được cảnh báo để nhắc nhở đeo khẩu trang đúng quy định. Khi lái xe, phụ xe nhắc nhở, hành khách thường vui vẻ tuân thủ vì do "máy phát hiện báo về". Chúng tôi sẵn sàng miễn phí dịch vụ này, nếu nhà nước, đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp camera cần tới”, ông Hòa chia sẻ.
Đánh giá về công nghệ này của BA GPS, ông Lê Xuân Hiệu – Quản lý đội xe Công ty TNHH Vận Tải Du Lịch & Dịch Vụ Thương Mại Long Hiền – cho biết đây là tính năng rất hay và hữu ích, hỗ trợ đặc lực cho công tác quản lý nhân viên, hành khách, nâng cao ý thức chống dịch của mỗi cá nhân trong tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay. “Sau gần một tháng cài đặt tính năng, chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều trường hợp không đeo khẩu trang trên xe để kịp thời nhắc nhở, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong môi trường khép kín trên xe. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm cài đặt tính năng này cho toàn bộ đội xe của doanh nghiệp”, ông Hiệu chia sẻ.
Công nghệ giúp cảnh báo phát hiện hành khách không đeo khẩu trang trên xe |
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Thi – Trưởng phòng Kỹ thuật Điều độ Công Ty Cổ Phần ô Tô Vận Tải Hà Tây – cho biết từ khi áp dụng công nghệ này đến nay, tôi nhận thấy tính năng “Cảnh báo không đeo khẩu trang” rất hữu ích, giúp hành khách rất yên tâm hơn khi đi xe. Ông Thi cho biết, hiện nay doanh nghiệp đã triển khai trên xe buýt tuyến số 72 với 12 đầu xe. Dự kiến sẽ “phủ sóng” tính năng này thêm 14 đầu xe nữa trong thời gian tới.
Mặc dù các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn do dịch COVID-19, song các chuyên gia nhận định, việc lắp đặt camera giám sát hành trình là rất cần thiết, nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến. Điều này cũng là bảo vệ quyền lợi, an toàn tính mạng của chính hành khách trên xe.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, việc kiểm soát chặt vận tải hành khách là giải pháp quan trọng nhằm khóa chặt nguồn lây từ địa phương này sang địa phương khác. Thực tế, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển người trái phép từ vùng dịch về.
"Viêc lắp đặt camera giám sát thì cả thế giới, cả nước ta đã làm bao nhiêu năm nay rồi. Cái này có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc xử lý thông tin. Khi mà chúng ta làm tốt thì vi phạm có thể tiến đến còn không đáng kể, không phải là 60-70% mà có thể lên tới 90%, khi mà lái xe họ biết là nếu họ vi phạm thì chắc chắn họ bị xử phạt", TS Khương Kim Tạo (chuyên gia giao thông) bày tỏ.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đến nay, hoạt động vận tải hàng hóa cơ bản được vận hành thông suốt với việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR-Code để kiểm tra thông tin phương tiện vận tải, người lái xe. Tuy nhiên, việc đáng lưu ý là còn tình trạng các xe bắt khách dọc đường, không thực hiện khai báo y tế. Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, sử dụng camera hành trình giám sát toàn bộ chuyến đi trên xe. Về phía Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia bày tỏ quan điểm ủng hộ việc sớm triển khai lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình. Cơ quan này đánh giá dữ liệu từ camera giám sát sẽ giúp góp phần đáng kể giảm tai nạn giao thông. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.