Tạp chí danh tiếng Time đã đặt trang bìa dòng chữ "The End of the World!?!", ám chỉ rằng Y2K có thể làm thảm họa diệt vong toàn cầu. Ảnh: Throwbacks. |
Những ngày này, cách đây 20 năm, tôi nhớ rất rõ những người xung quanh mình đồn thổi về cái là "tận thế năm 2000" và "sự cố Y2K" khiến hệ thống máy tính sụp đổ. Vô tình, người ta xem Y2K như một thứ thảm họa có thể khiến trái đất diệt vong.
Không chỉ mình tôi thấy vậy. Những người hàng xóm của tôi ở một tỉnh miền Trung đã điên cuồng tích trữ mì gói trước đêm giao thừa sang năm 2000. Ra chợ, người ta kháo nhau về ngày tận thế, chuyền tay nhau những bài báo giật gân về thời khắc sắp đến.
Cậu tôi, một người hiếm hoi có máy vi tính ở thời kỳ đó, giảng giải rằng sự cố Y2K đang được khắc phục bằng phần mềm và không ai chết cả. Dù vậy, nỗi sợ hãi tận thế vẫn ám ảnh đầu óc của một đứa học sinh cấp 1 như tôi, khiến tôi không dám reo mừng ở thời điểm giao thừa. Tôi xem bản tin thiên niên kỷ mới trên TV với một thái độ thận trọng, dù nhanh chóng rơi vào giấc ngủ sau đó.
Sự cố Y2K là gì?
Khoảng 20 năm trước, cả thế giới chạy đua để ngăn ngừa một thảm họa có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu xuất phát từ sự cố Y2K. Nhiều dự báo bi quan được đưa ra như hệ thống máy tính sẽ sụp đổ hoàn toàn, hệ thống giao thông ngưng trệ, ngân hàng, chính phủ, các tập đoàn sản xuất và những nơi sử dụng máy tính vào quản lý công việc sẽ phải đóng cửa.
Y2K là tên gọi dùng để chỉ sự cố máy tính diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000. Từ này phổ biến đến mức được đưa vào từ điển Cambridge với nghĩa "dùng để chỉ sự cố được dự kiến gặp trên máy tính khi thời gian chuyển từ năm 1999 sang năm 2000". Đâu là nguyên nhân của sự việc này?
Từ trước năm 2000, để tiết kiệm dung lượng lưu trữ trong hoàn cảnh bộ nhớ vô cùng đắt đỏ, các máy tính, vi mạch đồng hồ điện tử đều chỉ dùng 2 số cuối của năm. Chẳng hạn như thay vì lưu 1991, máy tính ở thời điểm đó chỉ lưu đơn giản là 91.
Mọi thứ đã diễn ra bình thường từ thập kỷ 60, 70, nhưng đến những năm cuối của thập kỷ 90, các lập trình viên nhận ra rằng máy tính không phân biệt được 1900 và năm 2000 vì chúng đều có tận cùng là 00. Như vậy, khi chuyển giao sang thế kỷ mới, mọi hoạt động có sử dụng máy tính và vi mạch đồng hồ điện tử đều sẽ bị đảo lộn.
Một viễn cảnh tăm tối được các nhà nghiên cứu chỉ ra, hệ thống máy tính toàn cầu sụp đổ cùng với mọi thứ mà nó chịu trách nhiệm quản lý, các hệ thống nhúng có sử dụng vi mạch đồng hồ điện tử cũng chịu chung số phận.
Người ta đã nghĩ về sự hỗn loạn diễn ra vào ngày đầu tiên của năm 2000, khủng hoảng tài chính toàn cầu, hạ tầng giao thông tắc nghẽn, tên lửa hạt nhân phát nổ không kiểm soát... Cuộc sống trên hành tinh sẽ quay trở về thời kỳ đồ đá chỉ vì cách mã hóa thời gian.
Cuộc chạy đua trước "ngày tận thế"
Thế giới chạy đua với thời gian để nâng cấp hệ thống, lập trình lại phần mềm. Ảnh: Bloomberg. |
May mắn là các chuyên gia công nghệ đã phát hiện ra việc này trước đó vài năm, vì vậy loài người có cơ hội sửa sai và tránh được một ngày tận thế nhân tạo. Hàng tỷ USD và hàng triệu người đã tham gia vào chiến dịch có quy mô toàn cầu, chạy đua với thời gian để sửa lỗi hệ thống máy tính.
Các chính phủ trên khắp thế giới đã lập ra ủy ban đặc biệt để đánh giá và khắc phục sự cố. Những lĩnh vực quan trọng như hạ tầng giao thông, hệ thống quản lý ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, hệ thống quốc phòng an ninh... được ưu tiên hàng đầu.
Cả thế giới lao vào việc lập trình lại toàn bộ hệ thống máy tính, thay thế những phần cứng cũ không phù hợp, cài đặt các phiên bản phần mềm mới đã được sửa lỗi lưu trữ và hiển thị năm.
Không có con số thống kê chính xác lượng của cải vật chất và nguồn nhân lực đã bỏ ra để phòng ngừa thảm họa này. Theo Wikipedia, ước tính toàn cầu đã chi ra hơn 300 tỷ USD tại thời điểm đó nhằm khắc phục sự cố, tương đương 436 tỷ USD vào thời giá tháng 1/2018.
Năm 2006, công ty nghiên cứu thị trường IDC cho rằng nước Mỹ đã tốn khoảng 134 tỷ USD cho công tác khắc phục sự cố Y2K.
Để sửa đổi toàn bộ hệ thống liên quan đến máy tính và thiết bị có phần mềm nhúng, rõ ràng các quốc gia khác cũng phải bỏ ra số tiền không ít.
Điều gì đã xảy ra?
Giao thừa năm 2000 có lẽ là đêm giao thừa hồi hộp nhất trong lịch sử loài người. Từ lãnh đạo các chính phủ, các chuyên gia công nghệ hay mỗi người dân đều nơn nớp lo sợ trong thời điểm chuyển giao.
Tuy nhiên, cuối cùng mọi thứ diễn ra trong êm đẹp. Không có sự cố nghiêm trọng nào được ghi nhận, không một vụ nổ bom hạt nhân, không có hệ thống giao thông nào tê liệt hoàn toàn hoặc một sự cố mang đến hậu quả nặng nề như mọi người vẫn lo lắng.
Tuy nhiên, cũng có một vài việc diễn ra theo cách đã được báo trước. Ngày 28/12/1999, 10.000 thẻ của ngân hàng HSBC được sản xuất bởi công ty Racal ngưng hoạt động các giao dịch nhận và rút tiền, do vậy các giao dịch phải chuyển sang giao dịch trên giấy.
Tại Nhật Bản thiết bị theo dõi bức xạ không hoạt động vào nửa đêm, nhưng không gây rủi ro nào. Cảng Osaka Media có một thiết bị viễn thông bị lỗi vì xử lý dữ liệu, lỗi được sửa kịp thời và không gây nguy hại.
Ở Australia, máy kiểm tra vé xe bus ngừng hoạt động. Ở Pháp, dịch vụ dự báo thời tiết quốc gia, Meteo France, xuất hiện lỗi trên website với lý do lập trình, trang web hiển thị ngày 1/1/1900.
Tại Mỹ, hệ thống xử lý tin nhắn của cảnh sát biển đã bị ảnh hưởng. Sân bay quốc gia Reagan, các tuyến check-in kéo dài sau khi các chương trình xử lý hành lý bị tác động bởi sự cố. Tại căn cứ không quân Offutt ở phía nam bang Omaha, người ta không thể truy cập hồ sơ về các bộ phận bảo dưỡng máy bay.
Bài học về Y2K vẫn còn nguyên giá trị
Sự cố Y2K đã không diễn ra đen tối như những gì được dự báo, nhưng liệu mọi chuyện sẽ ra sau nếu không có hành động quyết liệt, khẩn trương của các chính phủ trên toàn cầu?
Ngày nay, những lỗi cố hữu trong các hệ thống công nghệ vẫn còn tồn tại, đôi khi mọi người vô tình quên đi để rồi đến thời điểm nó bỗng dưng trở thành thảm họa.
Hệ thống định vị GPS ngưng hoạt động sau khi hoàn tất chu kì 20 năm vào lúc 7:59 tối 6/4 giờ Châu Âu, tức 7 giờ sáng 7/4 theo giờ Việt Nam. Về lý thuyết, sự cố này có thể ảnh hưởng đến các hệ thống điều hướng giao thông và thậm chí một số cơ sở hạ tầng quan trọng trong thông tin liên lạc, giao thông và mạng lưới điện.
Tuy nhiên, trên thực tế các nhà sản xuất và đơn vị sử dụng GPS đã nhận được cảnh báo về việc này trong nhiều năm qua, cùng với kinh nghiệm đã có từ sự cố Y2K, vệ tinh sử dụng cho GPS đã được nâng cấp để hệ thống định vị toàn cầu có thể chạy thêm cả trăm năm nữa.
Ngoài ra, đến năm 2038 những máy tính dùng phần mềm sử dụng hệ số nguyên 32 bit để lưu trữ thông tin sẽ gặp vấn đề tương tự Y2K cách đây gần 20 năm. Sự cố này còn hơn 20 năm nữa mới xảy ra, trong khi các máy tính đã chuyển dần sang hệ thống 64 bit, cho phép lưu trữ thời gian đến 292 tỷ năm.
Sự cố Y2k đã cho thấy vai trò to lớn của công nghệ thông tin đối với đời sống xã hội. Ngày nay, vị thế này càng được tăng cường và trở thành nhân tố then chốt của xã hội loài người.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.