Sửa Luật GTĐT thế nào để quản lý phương tiện thủy tốt hơn?

15/06/2022 17:01

Khi sửa Luật Giao thông đường thủy nội địa nên xem xét mở rộng phạm vi đối tượng phương tiện thủy không thuộc diện đăng kiểm như hiện nay.

  

Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 1 kiểm định phương tiện thủy cỡ nhỏ chở khách tại tỉnh Sơn La

Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 1 kiểm định phương tiện thủy cỡ nhỏ chở khách tại tỉnh Sơn La

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định, phương tiện thủy chạy bằng động cơ, có tổng công suất máy chính từ 5CV hoặc sức chở từ 5-12 người phải khi hoạt động trên đường thủy phải có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm.

Đây là nhóm phương tiện thủy cỡ nhỏ, khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc, được người dân sử dụng vào mục đích dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, đi lại, vận chuyển hàng hóa, bắt đánh thủy sản... Nhiều năm nay, khu vực trên còn tồn tại nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia giao thông.

Năm 2021, Chi cục Đăng kiểm số 1 phối hợp với các Sở GTVT, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện công tác đăng kiểm mới, đăng kiểm lần đầu cho phương tiện cỡ nhỏ nhiều nhất là tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn và Yên Bái.

Qua hơn 10 kỳ phối hợp, rà soát đã đăng kiểm lần đầu được 294 phương tiện, đồng thời phát 400 bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy. Và hiện còn khá nhiều phương tiện chưa chấp hành đăng ký, đăng kiểm, song để quản lý đăng ký, đăng kiểm nhóm phương tiện này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân thứ nhất do một bộ phận khá lớn chủ phương tiện thủy ở các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc là người dân tộc thiểu số, mức độ nắm bắt quy định pháp luật ATGT đường thủy của chủ phương tiện, chỉ cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy về đăng ký, đăng kiểm hạn chế. Không ít trường hợp không hiểu bản chất của đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, chứng nhận phương tiện đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường để tham gia giao thông.

Thứ hai, xuất phát từ việc nhiều tỉnh hầu như không có cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện. Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện thủy tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thô sơ, mang tính chất dân sinh.

Bởi thực tế, hiện nay, trừ các doanh nghiệp tại khu vực nhà máy đóng tàu Sông Lô (Phú Thọ), các cơ sở còn lại trong địa bàn hầu hết chưa đạt chuẩn theo quy định. Dù Chi cục Đăng kiểm số 1 và phòng chuyên môn hỗ trợ nhiều địa phương về kỹ thuật, nhưng các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu còn nhiều khiếm khuyết, tồn tại, chưa đạt yêu cầu quy chuẩn nhất là về mặt bằng đất, bến thủy, giấy phép xây dựng...  

Nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc không có cơ sở đóng phương tiện thủy đạt chuẩn và phổ biến tình trạng tự đóng phương tiện thủy cỡ nhỏ

Nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc không có cơ sở đóng phương tiện thủy đạt chuẩn và phổ biến tình trạng tự đóng phương tiện thủy cỡ nhỏ

Tại các cơ sở đóng phương tiện thủy thô sơ trên địa bàn diễn ra hiện tượng tự đóng phương tiện không có hồ sơ thiết kế được thẩm định, thi công không theo quy trình, không đề nghị cơ quan đăng kiểm giám sát kỹ thuật.

Thứ ba, phương tiện thủy tại các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu là cỡ nhỏ, phục vụ gia dụng, đời sống hàng ngày của người dân. Hầu hết phương tiện được đóng từ lâu theo thói quen dựa vào mẫu dân gian và kinh nghiệm, không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật. Do vậy, khi kiểm tra kỹ thuật rất khó để chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Cũng đáng lưu ý, trong quá trình sử dụng, người dân thường xuyên cải tạo, thông số kỹ thuật và công dụng phương tiện (thay động cơ, kích thước, chuyển đổi công dụng từ chở hàng thành chở người khi vào mùa lễ hội và ngược lại khi vào mùa vụ khai thác nông sản …

Thứ tư, đời sống kinh tế người dân khó khăn nên không muốn đăng kiểm phương tiện để đỡ phải trả phí dịch vụ kiểm định. Thực tế, phần nhiều phương tiện là gia dụng, dân sinh, chủ phương tiện là người dân tộc thiểu số miền núi, đồng bào nghèo. Trong khi giá dịch vụ đăng kiểm lần đầu để phương tiện khoảng trên dưới 2 triệu đồng, đăng kiểm định kỳ 300-400 nghìn đồng cũng là khoản chi đáng kể với không ít hộ dân.

Thực tế, năm 2021, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã lập hồ sơ, in giấy chứng nhận kiểm định để cấp chứng nhận đăng kiểm lần đầu cho gần 200 phương tiện, song sau đó các chủ phương tiện không nhận vì không muốn trả phí dịch vụ kiểm định.

Phương tiện thủy gia dụng cỡ nhỏ tại hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái

Phương tiện thủy gia dụng cỡ nhỏ tại hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái

 Cần chính sách hỗ trợ

Chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện là một trong các thành tố quan trọng trong việc ngăn ngừa nguy cơ, sự cố TNGT đường thủy. Việc kiểm soát tốt chất lượng phương tiện thủy trực tiếp góp phần phòng ngừa TNGT đường thủy, nâng chất lượng hoạt động vận tải thủy và bảo vệ môi trường.

Thực tiễn trên cho thấy, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện qua công tác đăng kiểm, thứ nhất cần sự chung tay phối hợp của chính quyền địa phương các cấp và lực lượng  chức năng bảo đảm trật tự ATGT trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tuân thủ pháp luật giao thông đường thủy, kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm.

Thứ hai, phương tiện và cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy có mối liên hệ khăng khít với nhau, cơ sở tốt sẽ cho ra đời các sản phẩm tốt. Và để giải quyết vấn đề nhiều cơ sở đóng tàu không đạt chuẩn do không đạt tiêu chí về mặt bằng, bến thủy, giấy phép xây dựng… các cơ quan chức năng cần có cơ chế tháo gỡ vướng mắc.

Thứ ba, các phương tiện dân sinh, gia dụng cỡ nhỏ tại các tỉnh (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Hòa Bình…) thường chỉ hoạt động vì mục đích dân sinh theo mùa vụ, tham gia giao thông đường thủy ở cự ly ngắn, phạm vi hẹp trong các sông, suối, hồ.

Do đó, việc áp dụng các quy định về đăng ký, đăng kiểm theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa cho loại phương tiện này còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tế.

Vì vậy, khi sửa Luật Giao thông đường thủy nội địa, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét mở rộng phạm vi quy định đối tượng không thuộc diện đăng ký, đăng kiểm để phù hợp hơn với loại phương tiện có trọng tải toàn phần từ 5 đến 15 tấn, công suất máy từ 5 đến 15CV. Quy định chính sách hỗ trợ giao thông thủy tại khu vực miền núi, vùng kinh tế khó khăn.

Hầu hết cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy ở các tỉnh miền núi phía Bắc mang tính chất dân sinh

Hầu hết cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy ở các tỉnh miền núi phía Bắc mang tính chất dân sinh

Thứ tư, các cơ quan có thẩm quyền xem xét đề xuất Nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ người dân miền núi trong quy định về giá, lệ phí đăng kiểm phương tiện theo hướng miễn, giảm, hỗ trợ.

Sở GTVT các địa phương nên xem xét, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân một phần giá dịch vụ đăng kiểm từ nguồn ngân sách hoặc hỗ trợ đóng những phương tiện đủ điều kiện an toàn để chở người dân đi lại, nhất là học sinh đến trường trên khu vực các lòng hồ.

Thứ năm, các lực lượng chức năng của Trung ương và địa phương xem xét tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động đường thủy nội địa nhất là các phương tiện chở người, phương tiện phục vụ du lịch, các phương tiện chở khách ngang sông, đặc biệt chở học sinh đến trường.

Thứ sáu, để có số liệu theo dõi chính xác, phục vụ công tác quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức thống kê lại số lượng phương tiện đặc biệt tại các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Số lượng thống kê là dữ liệu quan trọng để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế để giải quyết được tình trạng phương tiện nhỏ không đăng ký, đăng kiểm vốn tồn tại nhiều năm nay. 

Ý kiến của bạn

Bình luận