Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam được tính thế nào?

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 08/02/2022 16:58

Chi phí đầu tư cao hay thấp cần căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án, không thể chia bình quân cho từng km để so sánh.


DJI_0550
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đang thi công. Ảnh: Tạp chí Giao thông vận tải

Các dự án đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 là các dự án được đầu tư với cùng quy mô mặt cắt ngang Bn/Bm =17m/16m đại diện cho 3 khu vực (miền Bắc, Nam Trung bộ và Nam bộ), bao gồm hình thức đầu tư bằng vốn đầu tư công và PPP.

"Tất cả các dự án đầu tư xây dựng, cho dù đầu tư theo bất kỳ hình thức nào đều được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng trên cơ sở giá vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công từng khu vực. Vì vậy, không thể có chênh lệch do các hình thức đầu tư khác nhau. Nếu trên cùng một đoạn tuyến, suất đầu tư khi sử dụng vốn đầu tư PPP luôn phải tính thêm chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng so với đầu tư công", một chuyên gia giao thông phân tích.

anh cao toc 2
Báo cáo so sánh suất đầu tư một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam  (nguồn: Bộ GTVT)

Cũng theo vị chuyên gia này, nhìn vào thông số của 9 dự án trên có thể thấy, suất đầu tư của từng dự án có sự chênh lệch khá lớn, kể cả các dự án cùng đầu tư theo hình thức PPP hay đầu tư công, thậm chí 2 dự án PPP khác nhau có cùng 1 nhà đầu tư thì suất đầu tư tính theo 1 km cũng chênh lệch rất lớn.

Vì vậy, nếu nhìn vào suất đầu tư bình quân tính theo 1km chỉ mang tính tương đối mà không thể đại diện hay dùng để so sánh cho các hình thức đầu tư cũng như không thể so sánh cho các dự án ở các địa điểm xây dựng khác nhau vì suất đầu tư các tuyến đường giao thông phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: từ đền bù GPMB đến điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, chiều dài đường gom dân sinh dọc tuyến, số lượng nút giao trên tuyến (chiều dài cầu vượt),... cũng như khả năng cung ứng nguyên vật liệu cho dự án.

Chi phí đầu tư xây dựng cầu thường gấp 3,5 đến 4 lần chi phí xây dựng đường; chi phí xây dựng hầm thường gấp 14 - 15 lần xây dựng đường. Vì vậy, với các dự án có điều kiện địa hình khó khăn, phải bố trí nhiều cầu cạn, nhiều cầu vượt sông, khối lượng đào đắp lớn, bố trí hầm qua núi và các dự án có nhiều giao cắt, bố trí nhiều nút giao trên tuyến (trực thông hoặc liên thông) đều có suất đầu tư rất cao.

Đối với các đoạn tuyến qua khu vực có điều kiện thủy văn phức tạp, chiều cao đắp lớn; khu vực có nền đất yếu  phải xử lý lún, suất đầu tư cũng thường cao hơn  các đoạn tuyến thông thường.

Chi phí đền bù, GPMB các đoạn tuyến khác nhau cũng rất khác nhau, vì vậy tổng mức đầu tư cũng thường khác biệt cho các khu vực khác nhau.

Ngoài ra, suất đầu tư cho từng dự án phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung cấp vật liệu đắp, vật liệu thi công móng mặt đường, bê tông xi măng,... Với các dự án có cùng điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn nhưng nguồn cung vật liệu thuận lợi sẽ có chi phí đầu tư thấp hơn.

Với các lý do nêu trên, vị chuyên gia này cho rằng, việc đánh giá chi phí đầu tư cao hay thấp cần căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án mà không thể chia bình quân cho từng km để đem ra so sánh.

Ý kiến của bạn

Bình luận