Ngành GTVT không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người lao động |
Phát triển sâu rộng các phong trào
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, lời dạy vàng ngọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua ái quốc cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Học tập và noi gương Bác, những năm qua cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngành GTVT đã không ngừng nỗ lực, thi đua lao động, sản xuất, đưa phong trào thi đua trong toàn Ngành đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phạm Hoài Phương - Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam cho biết, bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, hàng năm Công đoàn GTVT Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ GTVT phát động các phong trào thi đua yêu nước với những chủ đề thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cụ thể: Năm 2015 với chủ đề “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”; năm 2016 là “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” và năm 2017 là “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”.
Với những chủ đề từng năm, các đơn vị trong Ngành đã triển khai cụ thể hóa những nội dung thi đua phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực thông qua các phong trào thi đua chuyên ngành như: Lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất công nghiệp có phong trào “Đảm bảo chất lượng, tiến độ, tiết kiệm và an toàn”; trong quản lý đường, đảm bảo giao thông có phong trào “Giữ đường thông suốt, an toàn”, “Luồng lạch thông suốt”; lĩnh vực hàng không có phong trào “An toàn, an ninh cho những chuyến bay”; y tế GTVT có phong trào thi đua nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện 12 điều y đức của người thầy thuốc; khối trường học thi đua “Dạy tốt, học tốt”.
Đồng thời, các cục, vụ, viện của Ngành có những phong trào nâng cao chất lượng văn bản, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy làm việc khoa học, hiệu quả. Trọng tâm của các phong trào thi đua là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo. Trong 5 năm từ 2013 đến nay, toàn Ngành đã có 2.144 đề tài, sáng kiến, cải tiến được áp dụng, đem lại giá trị làm lợi 184 tỷ đồng; 46 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
“Các phong trào thi đua cơ bản đã được tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành. Nhiệm kỳ qua, Công đoàn GTVT Việt Nam và các cấp Công đoàn đã được tặng thưởng 17 huân chương các hạng, 18 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 01 cờ thi đua của Chính phủ; 112 cờ thi đua và 567 bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 117 bằng khen của Bộ GTVT”, ông Phương nhấn mạnh.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tốt nhưng theo lãnh đạo Công đoàn GTVT Việt Nam, công tác phát triển sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước vẫn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục. Trong đó, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” chưa phát triển mạnh mẽ trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; hoạt động thi đua trong khối đơn vị hành chính, sự nghiệp chưa được định hình rõ nét, chưa thích ứng kịp thời trước những thay đổi lớn của ngành GTVT. Công tác thi đua chưa chủ động quan tâm phát hiện nhân tố mới, mô hình mới để khen thưởng…
Động lực thúc đẩy lao động
Ngay từ khi xây dựng, triển khai phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ đầu tiên được các đơn vị ngành GTVT xác định là các phong trào phải thực sự thiết thực, hiệu quả, phải trở thành động lực thúc đẩy lao động, sản xuất và kiên quyết xóa bỏ những mô hình kém hiệu quả, chạy theo hình thức thi đua, khen thưởng.
Với mục tiêu đó, các đơn vị ngành GTVT không ngừng nỗ lực tạo sự thay đổi mạnh mẽ về chất của phong trào, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng hình ảnh người lao động ngành GTVT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tiêu biểu là các phong trào thi đua yêu nước tại Công đoàn Tổng cục ĐBVN. Theo đó, nổi bật nhất là Công đoàn Tổng cục ĐBVN đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thành công phong trào thi đua xây dựng “Chi cục Quản lý đường bộ kiểu mẫu và ATGT”. Phong trào này đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của CB, CNVLĐ của Tổng cục. Theo đó, phong trào đã đánh giá toàn diện hoạt động của các chi cục quản lý đường bộ, từ việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông đường bộ đến hoạt động của các tổ chức đoàn thể khác. Kết quả tích cực là qua phong trào, các tuyến quốc lộ đều đảm bảo giao thông thông suốt, sạch sẽ, an toàn, êm thuận, đảm bảo ATGT khi thi công công trình trên đường bộ đang khai thác… Đây chỉ là một trong số rất nhiều công đoàn các đơn vị ngành GTVT luôn quan tâm, chú trọng đổi mới phong trào thi đua yêu nước vì sự phát triển của Ngành.
Để tiếp tục xây dựng, đổi mới và phát triển phong trào thi đua yêu nước ngành GTVT, Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Phạm Hoài Phương cho biết, thời gian tới Công đoàn Ngành sẽ tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, kết hợp với phong trào thi đua truyền thống theo từng khối và ngành nghề, lĩnh vực với mục tiêu thi đua phù hợp với nhiệm vụ chính trị hằng năm; phối hợp với cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư tổ chức tốt các phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm của Ngành.
Đồng thời, Công đoàn cơ sở cần tiếp tục đổi mới phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cả về nội dung, hình thức tổ chức, quan tâm đến đoàn viên, lao động nữ trong khu vực ngoài nhà nước; thực hiện kịp thời công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, trong đó chú trọng khâu phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.