Sức mạnh của tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật

Tác giả: SOHA

saosaosaosaosao
Sản phẩm 13/12/2017 15:36

Trong tình hình thế giới hiện nay, các hệ thống tên lửa này lại trở thành vấn đề “nóng” trên bàn cờ chính trị thế giới...

photo1513055608901-1513055608901

Tên lửa chiến dịch-chiến thuật (OTR) là tên lửa đạn đạo có tầm bắn dưới 3.500km, được sử dụng chủ yếu tại các khu vực xảy ra xung đột vũ trang.

 Công cụ răn đe tại châu Âu

Không như các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chuyên tấn công hủy diệt các thành phố, cơ sở chiến lược trong chiến tranh tổng lực, OTR có nhiệm vụ tấn công các kho bãi, trận địa phòng không, điểm tập kết binh lính-khí tài… Khi cần thiết, OTR cũng có thể thực hiện “cú đánh phẫu thuật” vào các mục tiêu trên bằng đầu đạn hạt nhân.

Khác với ICBM vốn dễ bị phát hiện bởi hệ thống radar cảnh báo sớm, tầm bắn ngắn nhưng tốc độ cao của OTR khiến thời gian phản ứng của đối phương bị suy giảm rõ rệt. OTR cũng có thể được trang bị với số lượng lớn, đem đến cho các đơn vị cấp sư đoàn, quân đoàn khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu sau tiền tuyến đối phương.

Thời gian đầu, tên lửa cấp chiến dịch của Liên Xô (trước đây) có kích thước lớn, được triển khai trong giếng phóng hoặc bệ phóng dã chiến, khả năng trực chiến kém và rất dễ bị tổn thương. Bởi vậy, khi đó việc phát triển các tổ hợp tên lửa mới có tầm bắn xa, sử dụng nhiên liệu mới cho khả năng trực chiến cao hơn là ưu tiên hàng đầu.

Năm 1969, Liên Xô đưa vào trang bị tên lửa OTR-22 “Temp-S” (NATO định danh SS-22 “Scaleboard”) có tầm bắn 900km, đủ để tấn công các căn cứ quân sự chính của NATO tại Tây Đức và Nam Âu. Tiếp đó là tổ hợp OTR-23 “Oka” (SS-23 “Spider”) được đưa vào trang bị năm 1983.

Đây là một trong những hệ thống tên lửa hiện đại nhất khi đó, được các chuyên gia Mỹ cho là có tầm bắn hơn 500km khi trang bị đầu đạn hạt nhân và gần như không thể bị đánh chặn.

Để đối trọng, Mỹ đưa đến châu Âu các hệ thống tên lửa di động trên bệ phóng xe kéo MGM-31 “Pershing” có tầm bắn 740km và “Pershing-2” có độ chính xác cao hơn, tầm bắn lên đến 1.770km.

Xe phóng của hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander (Nga). Ảnh: TASS

Năm 1979, sự hiện diện của hệ thống tên lửa RSD-10 “Pioneer” (SS-20 “Sabre”) của Liên Xô đã khiến NATO phải tiến hành đàm phán vì lo ngại tình hình leo thang. RSD-10 có tầm bắn tối đa 5.500km, có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân cỡ lớn hoặc 3 đầu đạn cỡ nhỏ.

Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, đặt trên xe cơ động, có đầy đủ các ưu thế của một hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật. RSD-10 có khả năng vươn tới mọi cơ sở quân sự của NATO ở châu Âu, thậm chí tới cả Iceland.

Năm 1987, Liên Xô và Mỹ ký Hiệp ước hạt nhân tầm trung (INF), đồng ý cùng loại bỏ, không tiếp tục phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Hiệp ước khiến các tổ hợp “Temp”, “Oka”, “Pioneer” và “Pershing” bị tiêu hủy, chấm dứt một cuộc chạy đua vũ trang về tên lửa đạn đạo chiến dịch-chiến thuật tại châu Âu.

30 năm sau khi hiệp ước được ký kết, các cáo buộc liên tiếp xuất hiện từ cả hai phía về việc vi phạm thỏa thuận hiệp ước. Nga tuyên bố các tên lửa đạn đạo chiến thuật hiện có đều chỉ giới hạn tầm bắn 500km nhưng giới chức quân sự Mỹ cho rằng, Nga có thể dễ dàng cải tiến để đạt tầm bắn xa hơn, coi đó là một động thái vi phạm hiệp ước INF.

Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ triển khai các hệ thống “Aegis Ashore” ngày càng sát biên giới Nga là động thái che giấu các bệ phóng tên lửa vi phạm thỏa thuận.

Sự kế thừa trong thế kỷ 21

Tính đến thời điểm hiện tại, OTR xuất hiện trong hầu hết các “điểm nóng” trên thế giới do chi phí thấp và sức hủy diệt lớn. Phổ biến nhất phải kể đến tên lửa tầm ngắn “Scud” và các biến thể được sử dụng rộng rãi tại Trung Đông.

Với sự phát triển của công nghệ, nhiều quốc gia không bị ràng buộc bởi hiệp ước INF, không bị hạn chế việc phát triển tên lửa đạn đạo đã gây nhiều lo ngại cho cả Mỹ và Nga.

Những tiến bộ về khoa học-kỹ thuật khiến OTR trở thành vũ khí quan trọng vừa có tính răn đe trong khu vực, vừa thể hiện thông điệp về trình độ phát triển khoa học-kỹ thuật quân sự của các nước. Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pakistan, Iran, CHDCND Triều Tiên… đều tự chế tạo thành công các loại tên lửa có tầm bắn từ vài trăm đến vài nghìn ki-lô-mét.

Trong khi đó, Nga cũng đặc biệt coi trọng phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật làm đối trọng với việc NATO kết nạp những thành viên mới và đặt các căn cứ quân sự ở Đông Âu ngày càng sát biên giới Nga.

Một trong những vũ khí có tính răn đe hiệu quả nhất của Nga phải kể tới hệ thống tên lửa “Iskander” - tên lửa có khả năng cơ động quỹ đạo để vượt qua các nỗ lực đánh chặn. Chưa kể nó còn sở hữu hệ thống dẫn đường phối hợp cho độ chính xác rất cao, có thể tấn công mục tiêu đang di chuyển.

Năm ngoái, Nga cũng đã tuyên bố phát triển một loại tên lửa dựa trên nền tảng tên lửa OTR-23 “Oka”, sử dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ mới cho độ chính xác và khả năng linh hoạt vượt qua các lá chắn phòng thủ. Với việc sở hữu những công nghệ vũ khí tiên tiến, Nga tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với Mỹ và các đồng minh ở khu vực.

Ý kiến của bạn

Bình luận