Chiều 14/4, Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, hiện tại, hầm đường sắt Bãi Gió trên tuyến đường sắt Bắc – Nam lý trình đường sắt tại Km1231+100 qua địa phận xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị sụt lún đất đá từ đỉnh vòm hầm và đang tiếp tục sụt lún, diễn biến phức tạp. Tuyến hầm đường sắt giao chéo bên dưới với QL1 khu vực Đèo Cả, bên phải tuyến tại Km1368+760, trái tuyến Km1368+745, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, đường bộ và ảnh hưởng ATGT tại khu vực.
Hiện đơn vị quản lý đường sắt đang triển khai phương án khắc phục sự cố sụt lún trong hầm. Trong thời gian chờ khắc phục, để đảm bảo an toàn công trình đường sắt, đường bộ và ATGT cho phương tiện giao thông đường bộ, các lực lượng chức năng đã ngăn tất cả các phương tiện (trừ xe 2 bánh) lưu thông trên QL1 đoạn qua Đèo Cả, ô tô các loại lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả.
Sau khi trao đổi và thống nhất với các đơn vị liên quan, Khu QLĐB III thông báo phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông đường bộ không được lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả.
Cụ thể, về phương án phân luồng giao thông, theo hướng Bắc – Nam chọn 1 trong 3 lộ trình:
Một là: Di chuyển trên QL1 đến ngã ba Diêu Trì, địa bàn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (Km1220+600 QL1, tương ứng Km0 QL19C), rẽ phải vào QL19C từ Km0 đến Km177+950 QL19C đi theo tuyến đường Trường Sơn Đông đến Km521+030 đường Trường Sơn Đông, rẽ trái tại Km67+800 QL26, đi theo tuyến QL26 đến Km0+00 (nút giao giữa QL26 và QL1) rẽ phải để nhập vào tuyến QL1 tại Km1421+250 tiếp tục đi vào Nam.
Hai là: Di chuyển trên tuyến QL1 giao với QL25, địa bàn TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (Km1333+800 QL1, tương ứng Km2+200 QL25), đi theo QL25 từ Km2+200 đến Km46+900 rẽ trái đi theo QL19C, đi theo tuyến đường Trường Sơn Đông đến Km521+030 đường Trường Sơn Đông, rẽ trái tại Km67+800 QL26, đi theo tuyến QL26 đến Km0+00 (nút giao giữa QL26 và QL1) rẽ phải để nhập vào tuyến QL1 tại Km1421+250 để tiếp tục đi vào Nam.
Ba là: Di chuyển trên tuyến QL1 đến vị trí nút giao giữa tuyến QL1 và tuyến QL29 tại Km1342+250 QL1, thuộc địa phận huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên rẽ phải đi theo QL29 đến Km81+300 QL29 (nút giao giữa QL29 và QL19C), rẽ trái tại Km123+800 QL19C đi theo QL19C đến Km177+950 QL19C đi theo tuyến đường Trường Sơn Đông đến Km521+030 đường Trường Sơn Đông, rẽ trái tại Km67+800 QL26, đi theo tuyến QL26 đến Km0+00 (nút giao giữa QL26 và QL1) rẽ phải để nhập vào tuyến QL1 tại Km1421+250 để tiếp tục đi vào Nam.
Các phương tiện lưu thông hướng Nam - Bắc thực hiện di chuyển theo chiều ngược lại.
Thời gian phân luồng, bắt đầu từ 13h ngày 14/4/2024 cho đến khi khắc phục xong sự cố, đảm bảo điều kiện an toàn để lưu thông trên QL1 khu vực Đèo Cả.
Cũng trong chiều 14/4, thông tin mới Tạp chí GTVT, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, tại hiện trường, các đơn vị liên quan đã thành lập đoàn công tác và thống nhất phương án khảo sát lại vị trí bị sạt lở trong hầm Bãi Gió.
"Qua quá trình khảo sát cho thấy, đất đá đã sập kín hầm, không thể quay lại được qua khu vực này, khảo sát phía bên trên đỉnh hầm đã phát hiện một hố sâu, theo như phán đoán của đoàn công tác, hố sâu này là nguyên nhân chính gây ra sạt lở tại hầm Bãi Gió những ngày qua”, ông Vinh cho hay.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Khánh Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 (nhà thầu thi công Dự án thi công gói thầu cải tạo hầm yếu), tất cả các giải pháp thi công đều được tính toán và hiện tại đơn vị cũng đang tiến hành họp bàn các biện pháp thi công, đồng thời, tiến hành cho khoan thăm dò, khảo sát địa chất quanh khu vực hầm Bãi Gió.
"Cái khó ở đây là không gian khu vực hầm Bãi Gió rất hẹp, không thể đưa cùng một lúc nhiều thiết bị vào để thi công được. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công", ông Nguyên thông tin.
“Một trong những giải pháp thực hiện lúc này là sau khi xác định được nguyên nhân dẫn đến đất đá ập xuống liên tục mấy ngày qua, làm ảnh hưởng đến quá trình thi công (Dự án thi công gói thầu cải tạo hầm yếu), nhà thầu đang cho máy móc lên phía đỉnh hầm Bãi Gió để làm đường tạm, sau đó đưa thiết bị lên và khoan thăm dò từ trên đỉnh hầm (vị trí phát hiện hố sâu làm sạt lở đất đá) sau đó đổ bê tông từ trên đỉnh xuống, đợi cho bê tông đông cứng ổn định thì mới tiếp tục xử lý các bước tiếp theo trong hầm. Theo tính toán phải mất khoảng 3 ngày thi công thì mới có thể hoàn thành được các hạng mục để trả đường cho tàu chạy”, ông Vinh chia sẻ thêm.
Trước đó, ngày 12/4, khối đất đá khoảng 180m3 sạt lở từ trần hầm Bãi Gió xuống đường ray khiến tuyến đường sắt Bắc Nam qua tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị chia cắt. Vị trí sạt lở kéo dài 20 m, cách cửa phía Bắc hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) khoảng 85m.
Đến ngày 13/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo Chủ đầu tư dự án và các cơ quan trực thuộc huy động tối đa tất cả các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, khẩn trương thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục CSGT (Bộ Công an), Công an các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa đề nghị tiếp tục phối hợp khắc phục sự cố thi công hầm Bãi Gió thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.