Sau 2 ngày rời bỏ làng theo lệnh di dời khẩn cấp khỏi vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, chiều hôm qua và sáng nay (5/8), một số người dân trở lại ngôi làng trong niềm vô vọng. Khuôn mặt thẫn thờ, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, khu làng này hình thành từ lâu, hầu hết các hộ đều làm nông. Tất cả 16 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm thuộc diện di dời đều thuộc tổ 9, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
"Cả đời làm việc vất vả, dành dụm xây cất được ngôi nhà, tưởng yên ổn, rứa mà ai ngờ...Nhìn tài sản có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào, nhưng không thể làm gì được, mọi người đều bất lực", ông Thắng giọng buồn buồn.
Chui qua dải dây rào chắn vùng nguy hiểm, vợ chồng ông Nguyễn Lan bước vào đứng ngôi nhà còn nguyên mùi sơn, vữa. Giấu tiếng thở dài vào trong, đôi vai chùng xuống, ông Lan kể, hơn 10 năm trước, vợ chồng ông đến đây định cư, cả nhà sinh sống trong căn nhà nhỏ cấp 4 lợp tôn. Ba tháng trước, vợ chồng ông vay mượn gần 600 triệu để cơi nới, cất dựng lại ngôi nhà cho khang trang. Nhà xây xong, vợ chồng ông sẽ cưới vợ cho người con trai đầu. "Đúng là người đời có câu "người tính không bằng trời tính", chỉ còn mấy ngày nữa là xong nhà, vậy mà ai ngờ thiên tai như thế này?", ông Lan thở dài.
Người dân ở đây cho biết, sau những ngày mưa to kéo dài, ngày 2/8, đất đá từ phía mái ta luy âm QL14 bất ngờ trượt xuống nhà người dân. Tường của một số căn nhà, công trình phụ bị đất xô đổ, nứt toác. Nền nhà xuất hiện các vết bong bật. Đây là lần đầu tiên khu vực dân cư xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá.
Ngay sau khi nhận được thông tin sự việc từ người dân, lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã đến hiện trường kiểm tra. Trước nguy cơ sạt trượt mái taluy và các vết sụt trượt mặt nền đường QL14 tiếp tục mở rộng, chính quyền TP. Gia Nghĩa đã thực hiện di dời, sơ tán toàn bộ 16 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống trong thời điểm di dời, UBND TP. Gia Nghĩa đã hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng. Cử các lực lượng chức năng đến hỗ trợ người dân di dời đồ đạc, tài sản, thường xuyên thăm hỏi, động viên và lắng nghe ý kiến nguyện vọng của người dân để kịp thời giúp đỡ.
"Ai cũng muốn cuộc sống yên ổn, nhưng giờ thiên tai xảy ra, người dân phải di dời đảm bảo an toàn. Những ngày qua, có hộ đi thuê nhà ở, có hộ đến nương náu ở nhà người thân...Trước mắt là vậy, nhưng cuộc sống lâu dài phía trước không biết thế nào? Người dân chúng tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp, chính sách hỗ trợ, nhất mặt bằng để ổn định cuộc sống, làm ăn", ông Thắng bày tỏ.
Ngày 4/8, có mặt tại hiện trường, PV Tạp chí GTVT ghi nhận, sau 2 ngày xuất hiện vết sụt lún tại Km 1900+350 đến Km 1900+650 tuyến QL14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn qua phường Nghĩa Thành (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), vết sụt trượt tiếp tục mở rộng, phát triển nhanh, khiến mặt đường bị đứt gãy lớn.
Quan sát hiện trường cho thấy, vết sụt trượt mở rộng từ 0,2-0,7m; độ cao chệnh lệch đứt gãy mặt đường vị trí lớn nhất gần 1m. Mặt đường làn đường gom đứt gãy hoàn hoàn. Chiều dài sụt trượt kéo dài hơn 200m. Đáng lo, vết sụt trượt liên tục mở rộng, phát triển vào tim đường. Hiện mưa to vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn TP. Gia Nghĩa và toàn địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông cho biết: "Qua theo dõi ở hiện trường từ ngày hôm qua đến nay (ngày 4/8) cho thấy vết sụt trượt liên tục mở rộng, phát triển nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại".
Để đảm bảo an toàn, ông Sơn cho hay, Sở GTVT Đắk Nông đã tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện di chuyển tránh xa vùng sụt trượt, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Đồng thời tiếp tục theo dõi, chỉ đạo nhà đầu tư BOT triển khai các giải pháp, đảm bảo ATGT.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Công an tỉnh Đắk Nông chỉ đạo lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các phương tiện giao thông di chuyển theo phương án tổ chức phân luồng giao thông và phối hợp với nhà đầu tư BOT để đảm bảo ATGT.
Trước tình hình vết sụt trượt liên tục mở rộng, ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông thông tin, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông (nhà đầu tư BOT) khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo giao thông, cảnh giới, hạn chế tối đa tình trạng nước thấm vào nền đường khu vực sạt lở và triển khai cắm biển báo, tổ chức phân luồng giao thông theo phương án Sở GTVT đã công bố.
Thường xuyên túc trực, tuần tra, kiểm tra, khảo sát, quan trắc các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Đồng thời chủ động chuẩn bị phương án ứng phó và xử lý, khắc phục sự cố một cách kịp thời. Thường xuyên cập nhật tình hình, thông tin, báo cáo với UBND tỉnh Đắk Nông thông qua Sở GTVT Đắk Nông.
"Về lâu dài, UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao nhà đầu tư BOT lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, đảm bảo năng lực, có kinh nghiệm trong xử lý sạt lở để khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý mang tính lâu dài, ổn định và dự toán kinh phí thực hiện trình Sở GTVT Đắk Nông rà soát, thẩm định, báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, quyết định. Vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu phải hoàn thành trước tháng 12/2023", ông Bản nói.
Video cận cảnh khu dân cư nằm dưới chân taluy âm QL14 có nguy cơ bị "xóa sổ" vì sạt lở
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.