Hạ tầng giao thông là đối tượng bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu |
Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Các chuyên gia và tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động to lớn của biến đổi khí hậu. Thực tế trong thời gian qua, nhất là trong những tháng gần đây, nhiều trận bão, lũ, sạt lở núi, chuyển đổi dòng chảy, triều cường, xâm nhập mặn,... đã tràn đến một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và miền Nam nước ta, gây tổn thất nặng nề đối với con người và của cải. Mực nước biển dâng sẽ làm 25% dân số Việt Nam sống ở các vùng ven biển thấp sẽ phải chịu tác động trực tiếp.
Trước những hậu quả do biến đổi khí hậu mang lại, tháng 7/2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu của Chương trình nhằm đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.
Cho đến nay, đã có hơn 300 văn bản có nội dung liên quan đến chính sách và hướng dẫn thực thi chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã được các ngành, các cấp, các địa phương ban hành. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế và các nhà quản lý chuyên môn nhận định, người dân chưa có sự chuẩn bị, chưa biết đến các phương án và biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và gia đình trước những tác động của thiên tai.
Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc các văn bản liên quan đến chính sách về đối phó với biến đổi khí hậu chưa được đặt trong bối cảnh thực tế để đánh giá toàn diện các tác động của biến đổi khí hậu, việc ứng phó chưa được thực hiện đầy đủ, chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương về quy trình tích hợp lồng ghép. Vấn đề quan trọng hơn nữa đó là chưa huy động tối đa sự tham gia của người dân địa phương - yếu tố thành công giúp nâng cao hiệu quả bền vững của Chương trình. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cần phải được giải quyết xuất phát từ nhu cầu của địa phương gắn với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, trong đó chú trọng đến việc nâng cao năng lực, ưu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhiều nhất.
Tác động đến hạ tầng giao thông
Những năm qua, biến đổi khí hậu đã tàn phá, làm hư hỏng rất nhiều công trình xây dựng, cảng biển, đường bộ… Những tác động và thiệt hại gây ra do biến đổi khí hậu tới GTVT, xây dựng CTGT là không thể tính hết, chính vì vậy, ứng phó thế nào với tác động của biến đổi khí hậu với lĩnh vực GTVT là điều cần đặt ra một cách cấp thiết.
Theo Bộ GTVT, cơ sở hạ tầng giao thông được thiết kế theo các điều kiện môi trường bình thường sẽ không đủ an toàn và khả năng đáp ứng trong tương lai. Nước biển dâng có thể nhấn chìm cơ sở hạ tầng giao thông ven biển từ đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay... Hàng năm, mưa lớn gây ra lũ lụt, lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tuyến giao thông, làm tắc nghẽn và ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện, phá hủy hạ tầng giao thông và làm tăng khối lượng cũng như chi phí khổng lồ cho công tác bảo trì. Rất nhiều tuyến QL huyết mạch thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ như: QL1A, 14, 19, đường Hồ Chí Minh... và hàng loạt tuyến QL khu vực Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên.
Cũng theo Bộ GTVT, việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu với ngành GTVT đang được đặt ra một cách hết sức cấp thiết. Bộ GTVT sẽ đánh giá tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu và triển khai các giải pháp thích ứng với một số dự án thí điểm, cập nhật các kế hoạch, chiến lược phát triển GTVT và rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.