Ảnh hưởng của thiên tai
Thực tế cho thấy, người dân có thể bị mất nơi cư trú, phải di cư, chuyển đổi nghề nghiệp... Một bộ phận dân chúng, khi đó khó tiếp cận hệ thống giáo dục, văn hóa, y tế.
Thiệt hại do cơn bão số 2 vào cuối tháng 7/2005 đổ bộ vào 4 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định kèm theo mưa lớn đã làm 15.000 ha bị ngập trắng, các cống tưới tiêu bị sạt lở, nhiều bè nuôi bị chìm và hư hỏng. Cũng trong năm 2005, cơn bão số 7 (15 - 17/9/2005) gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản là 20.706,2 ha, trong đó Nam Định thiệt hại 6.200 ha, Ninh Bình 2.780 ha, Thanh Hóa 3.778 ha…
Trận lũ xảy ra vào ngày 6 - 7/10/2009 ở miền Bắc nước ta được coi là trận lũ lịch sử lớn nhất trong vài chục năm qua đã gây thiệt hại về người (51 người chết và 14 người mất tích) và của (60.000 ngôi nhà chìm trong nước, 6.000 ngôi nhà bị đổ, sập, phá hỏng 25.000 ha lúa và 95.000 ha hoa màu).
Cơn bão số 9 Ketsana năm 2009 đổ bộ vào miền Trung gây lũ lụt nghiêm trọng. Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề về tài sản với gần 20.000 ngôi nhà bị sập, trôi hoàn toàn, trên 165.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, khoảng 120.000 nhà bị ngập, 50.000 ha lúa và hoa màu mất trắng. Gần 13.000 trạm y tế, trụ sở UBND xã, trường học và các công trình công cộng bị hư hỏng. Các tuyến giao thông huyết mạch bị cắt đứt ở nhiều nơi. Hệ thống điện lưới bị hư hỏng nặng ở nhiều địa bàn. Đợt lũ này hoành hành khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tương đương hoặc đạt đỉnh mới so với đỉnh lũ năm 1999.
Tại miền Nam, cơn bão Linda xảy ra vào tháng 11/1997 đã đổ bộ vào đất mũi Cà Mau (nơi rất ít khi có bão xảy ra), gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở vật chất đối với tỉnh Cà Mau. Tại Kiên Giang, lũ năm 2000 làm ngập tràn 6.512 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 6.100 ha diện tích nuôi tôm của tỉnh, thiệt hại khoảng 77 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh PH |
Những thiệt hại về kinh tế - xã hội
Ở Việt Nam, thiên tai đang ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, từ đó làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong giai đoạn 2002 - 2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006). Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây tổn hại khoảng 1,5% GDP hàng năm.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2012), đến cuối thế kỷ 21, sự gia tăng 1m của mực nước biển có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.
Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do BĐKH của tổ chức DARA International (năm 2012) chỉ ra rằng, BĐKH có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỉ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thế giới và Đại học Copenhaghen (năm 2012) cho biết, nếu kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm trong giai đoạn 2007 - 2050 thì tốc độ tăng trưởng bị tác động bởi BĐKH (cụ thể là bão) có thể ở mức 5,32% đến 5,39% - tức là tốc độ tăng trưởng có giảm nhưng không đáng kể. Nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại do BĐKH có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD vào năm 2050 - một thiệt hại tương đối lớn về giá trị tuyệt đối và có thể giảm xuống nếu Việt Nam có chính sách ứng phó với BĐKH phù hợp và hiệu quả.
Việt Nam có tới 58% dân cư vùng ven biển có sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, khoảng 480.000 người trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản, 10.000 người chế biến hải sản và 2.140.000 người cung cấp các dịch vụ liên quan đến nghề cá. Một điểm đáng được quan tâm đối với cộng đồng dân cư ven biển là đa số người làm nghề đánh bắt thủy sản là những người nghèo trong xã hội; sản lượng đánh bắt tự nhiên giảm, nền tảng kinh tế của mọi cộng đồng dân cư ven biển không được ổn định. Trong sản xuất nông nghiệp, lượng lương thực giảm sẽ đẩy giá bán cao lên, số người nghèo gia tăng, người suy dinh dưỡng ngày càng nhiều... cũng tác động bất lợi đến ngư dân. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói nghèo. Mức sống dân cư ở khu vực này thấp, tỷ lệ đói nghèo cao...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.