Tác hại thuốc lá với sức khỏe trẻ em

Tác giả: PV (tổng hợp)

saosaosaosaosao
Xã hội 21/05/2020 15:30

Trẻ em có nguy cơ cao mắc các bệnh như: nhiễm trùng phổi, thở khò khè, các bệnh về hen suyễn… khi hít phải khói thuốc.

1dt

Những tác hại khôn lường

Thuốc lá gây ra hơn 20 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, rụng tóc, sâu răng, loét dạ dày. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trẻ em (những người không hút thuốc) nhưng phải sống trong môi trường có khói thuốc cũng sẽ gặp phải những bệnh lý như vậy.

Theo BS. Nguyễn Duy Tiên - Trưởng phòng Khám yêu cầu 2 - Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ em hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, giảm trí thông minh, khóc quấy, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi, chức năng tâm thần vận động, giảm chiều cao và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác... Thống kê cho thấy, hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ.

Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, trẻ hen suyễn mà có người thân hút thuốc lá thường khó hết bệnh, thời gian điều trị kéo dài, số lần nhập bệnh viện nhiều; có tình trạng phụ thuộc vào thuốc dãn phế quản so với các cháu không có thân nhân hút thuốc. Khoa Hô hấp thường xuyên tư vấn người nhà về vấn đề tác hại của thuốc lá trên các cháu hen suyễn, yêu cầu thân nhân bỏ hút thuốc để các cháu mau lành bệnh.

BS. Tiên cũng cho biết, khi trẻ nhìn thấy người lớn hút thì có thể suy nghĩ hút thuốc là việc bình thường của người lớn, nên khi lớn lên trẻ dễ có khuynh hướng thử hút cho giống người lớn. Trẻ cũng có thể cho rằng hút thuốc không có hại vì bằng chứng là những người xung quanh hút mà không bị tác hại gì mà trẻ thấy được.

Lần đầu hút thuốc không phải ai cũng sẽ hút tiếp vì cảm giác ban đầu sẽ khá khó chịu. Với trẻ hít phải khói thuốc của người lớn từ nhỏ thì não trẻ sẽ quen với mùi khói thuốc nên khi trẻ tập hút cảm giác khó chịu có thể sẽ không xuất hiện nhiều so với trẻ khác. Hơn nữa, trẻ cũng có thể dễ cảm nhận được sự kích thích của thuốc lá lên não hơn. Điều này khiến trẻ dễ nghiện thuốc lá hơn những trẻ không hít phải khói thuốc từ nhỏ. Nên nhớ thuốc lá có chất gây nghiện là Nicotine, chất này tác động lên não và gây nghiện, càng hút lâu thì càng nghiện nhiều, càng khó bỏ. Một điều lưu ý ở trẻ vị thành niên là khi trẻ nghiện hút thuốc lá sẽ có nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác, đặc biệt là ma túy. Do đó, tốt nhất không nên cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc ngay từ khi còn nhỏ.

Bảo vệ trẻ em khỏi khói thuốc

Thuốc lá có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe không chỉ người hút mà còn những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em. Do đó, tất cả mọi người hãy cùng hành động, không nên thờ ơ hoặc im lặng để cố che chắn cho con bạn trước một người đang hút thuốc. Bạn hãy yêu cầu họ tắt điều thuốc bởi chính họ đang là nguyên nhân để gây hại cho con bạn.

Nếu bạn đang có con nhỏ thì tuyệt đối không hút thuốc trước mặt hoặc những nơi có mặt của con. Hãy dần bỏ thói quen này để có một sức khỏe tốt.

Khi ở nhà hãy thực hiện kế hoạch cũng như thói quen một gia đình không hút thuốc. Đồng thời, vì sức khỏe của con cái, các bậc làm cha, làm mẹ nên ý thức cũng như tự giác việc cai thuốc. Khi có bạn bè tới nhà nên giải thích và đề nghị họ không hút thuốc trong phòng, nên đi ra ngoài hút thuốc.

Ở nơi công cộng cần phải thực hiện hành vi cấm hút thuốc nơi đông người. Đối với con trẻ cần cho ăn nhiều rau củ quả tươi, đặc biệt là những nhóm giàu vitamin C như đu đủ, cà chua, cà rốt…

Screen Shot 2020-05-10 at 2.56.06 PM

Hằng năm, vào ngày 31/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác toàn cầu kỷ niệm ngày Thế giới không thuốc lá. Chiến dịch là cơ hội để nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.

Các chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe như sẽ mắc các bệnh hô hấp mãn tính, bệnh ung thư. Ngày Thế giới không thuốc lá cũng giúp cộng đồng xã hội nhận thức được vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; tăng cường sự quan tâm và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ý kiến của bạn

Bình luận