Tai nạn giao thông và những nỗi đau để lại

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 07/11/2015 14:32

Ở Việt Nam, cứ mỗi ngày qua, TNGT lại cướp đi sinh mạng của hơn 20 người và làm cho 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời.

Vừa qua, Uỷ ban ATGT Quốc gia đa tới thăm hỏi động viên các gia đình nạn nhân tử vong do TNGT, các nạn nhân TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”, mang ý nghĩa thiết thực, nhân văn, kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân không may bị TNGT; đồng thời tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, phòng tránh TNGT, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do TNGT.

DSC_3796
Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và lãnh dạo ban ATGT tỉnh Phú Thọ thăm hỏi, động viên gia đình chị Lê Thị Huyền ( ngoài cùng bên phải).

Nỗi đau để lại

Đến thăm hỏi các nhạn nhân TNGT tại Vĩnh Phúc , chúng tôi không khỏi xúc động trước hình ảnh một người  đàn ông phải nằm liệt giường, chân tay teo và không còn tỉnh táo vì TNGT. Đớn đau thay ông lại chính là người thầy giáo, một cán bộ lão thành của ngành GTVT tỉnh, Nguyễn Thịnh Đường.

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, vợ ông cho biết “Chồng tôi bị như vậy từ năm 2007 sau một vụ TNGT với xe tải. Chồng tôi bị liệt hoàn toàn, không còn khả năng đi lại và cũng không còn minh mẫn nữa, tất cả mọi việc sinh hoạt đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Kể từ khi chồng tôi bị như vậy, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế vì chồng tôi là người lao động chính của gia đình. Do đó, tôi luôn nhắc nhở các con mình trước khi ra đường phải luôn chú trọng an toàn giao thông, không vội vàng làm gì để rồi phải trả một cái giá quá đắt”.

DSC_3640
Ông Khuất Việt Hùng ân cần hỏi thăm nhà giáo Nguyễn Thịnh Đường.

Cũng là một nạn nhân của TNGT, nhưng chị Lê Thị Huyền, 26 tuổi, ở xã Vực Trường, huyện Tam Nông, Phú Thọ lại rơi vào một hoàn cảnh khác. Trong một lần đèo con về nhà ngoại, TNGT đã cướp đi sinh mạng hai đứa con thơ của chị, một cháu bé mới 2 tuổi và một cháu mới chỉ là bào thai 4 tháng tuổi trong bụng chị. Trong nỗi đau mất mát quá lớn cần được sẻ chia an ủi, chị lại bị gia đình chồng hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà còn chồng chị bỏ đi không bao giờ gặp lại.

“Thương con thì thương thật nhưng gia đình cũng không biết làm thế nào trước hoàn cảnh đó, đành đón cháu Huyền về ở cùng. Giá như mọi người tham gia giao thông có ý thức hơn thì con đâu đến nỗi. Giữ được mạng sống là điều đáng mừng, nhưng còn cả cuộc đời sau này, liệu cháu có được hưởng hạnh phúc như bao người con gái khác?”, mẹ chị Huyền nghẹn ngào trong nước mắt.

Đó chỉ là 2 trong số 10 hoàn cảnh thương tâm do TNGT mà Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT hai tỉnh đến thăm hỏi, động viên. Có thể thấy rằng, hiện nay, tai hoạ ập đến bất ngờ này đang mang đến sự đau đớn tột cùng cho hàng trăm gia đình Việt Nam. Nhiều người đã ra đi mà không bao giờ quay trở về với gia đình, nhiều người đang sống với thân thể không lành mạnh, mang trên mình những thương tật suốt đời và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, đến cuộc sống hàng ngày của bản thân họ vì TNGT.

Vượt lên số phận

Những di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xoá nhoà trong kí ức của mỗi người thân, bạn bè người bị nạn cũng như những người trực tiếp chứng kiến TNGT xảy ra, chứng kiến ánh mắt tuyệt vọng của trẻ thơ khi phải chia lìa với cha mẹ hay hình ảnh bố mẹ già phải tiễn đưa con mình về nơi chín suối.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bị xô đẩy đó, cũng có không ít tấm gương nghị lực vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục sống, tiếp tục hoà nhập công đồng và xã hội.

Theo chân đoàn thăm hỏi của Uỷ ban ATGT Quốc gia, chúng tôi được biết tới hoàn cảnh của anh Trương Long Hổ, sinh năm 1986, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã, để có thể nuôi bố mẹ già và trang trải mọi chi phí, anh đi làm công nhân cho một khu công nghiệp gần nhà. Tuy nhiên, trong một lần làm ca đêm, trên đường trở về nhà anh bị một chiếc xe máy khác đâm vào gây chấn thương đầu, di chứng não, gẫy tay và một số thương tật khác. Sau khi bị tai nạn một thời gian ngắn, bố mẹ anh lần lượt qua đời, để lại một mình anh đau yếu.

DSC_3814
Anh Trương Long Hổ bị di chứng não sau TNGT.

Nhưng không vì hoàn cảnh mà anh mất đi ý chí và niềm tin. Dù chỉ còn lại một mình với những di chứng của TNGT, anh vẫn cố gắng tập luyện để có thể đi lại, có thể làm nông kiếm sống.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Đoàn Đức Minh, cậu ruột của anh Hổ tâm sự “Thằng Hổ nó nghị lực lắm, cái hồi mới bị TNGT xong, nó không đi lại được, chỉ nằm một chỗ nhưng đến khi sức khoẻ đỡ hơn một chút, dù có chịu đau đớn đến mấy về tinh thần cũng như thể xác nó vẫn cố gắng đứng dậy tập đi, cố gắng tự làm mọi thứ vì bây giờ căn nhà này chẳng còn ai ngoài nó nữa. Nó bị di chứng não sau tai nạn nên dù tập đi nhưng đi cũng không vững, nói cũng không rõ nữa rồi. Thế nhưng nó vẫn cố gắng nuôi gà, trồng rau trong vườn. Nhiều lần nó đem trứng đi bán do đi không vững bị ngã xuống ruộng, bùn đất lấm lem, mọi người trong xóm phải kéo từ ruộng lên đưa về”.

Không giống với anh Hổ, hai em Hà Văn Quý,7 tuổi và Hà Như Quỳnh ở huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc lại có một hoàn cảnh khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, TNGT đã cướp đi sinh mạng của cả bố và mẹ khiến các em trở thành trẻ mồ côi. Theo lời kể của bà Vũ Thị Hợp, bà nội các em, trên đường đèo cháu Quý đi học, chiếc xe máy do con dâu bà điều  khiển bị một chiếc xe ô tô đâm phải khiến con dâu bà tử vong tại chỗ còn cháu trai bị tổn thương ở phần đầu, rạn sọ não. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì hơn một năm sau, con trai bà cũng qua đời do tránh xe máy xúc mà bị ô tô đâm. Hiện tại, hai đứa trẻ đang ở với ông bà trong căn nhà cấp bốn tồi tàn và có thể sập bất cứ lúc nào.

DSC_3751
Căn nhà cấp bốn cũ kỹ, xuống cấp nơi hai em và ông bà nội ở.
DSC_3712
Hai anh em Văn Quý và Như Quỳnh khá bẽn lẽn và ngại ngùng khi được thăm hỏi.

 “Gia đình thì hai ông bà đều làm nông để kiếm sống nên cũng không dư giả gì, được bữa nào hay bữa đó. Gia đình khó khăn về vật chất và hai anh em chúng nó cũng thiếu thốn tình cảm, nhưng thằng Quý nó cố gắng học lắm, nó không bỏ học bao giờ lại còn viết văn rất hay. Bài văn nào cũng được điểm cao, nhiều bài văn nó viết về mẹ, về bố mà đọc không cầm nổi nước mắt. Tôi vẫn cố xoa dịu, động viên cháu nó học hành thật tốt cho bố mẹ ở nơi chín suối an tâm”, bà Hợp tâm sự.

DSC_3738
Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trao quà, động viên 2 em.

Có thể thấy rằng, thiệt hại to lớn về nhân mạng do TNGT là không gì bù đắp được. Ở Việt Nam, cứ mỗi ngày qua, TNGT lại cướp  đi sinh mạng của hơn 20 người và làm cho 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Do đó, mỗi người khi tham gia giao thông cần tự giác tuân thủ pháp luật, có ý thức, trách nhiệm và hình thành nét văn hóa trong tham gia giao thông, để tai nạn không còn là nỗi đau của nhân loại.

Ý kiến của bạn

Bình luận