Tai nạn rình rập phương tiện yếu thế trên Quốc lộ 5 do bất cập tổ chức giao thông

Đường dây nóng 28/04/2023 18:35

Xe máy, xe hai bánh là phương tiện yếu thế so với lượng ô tô dày đặc trên tuyến Quốc lộ 5, song bất cập tổ chức giao thông khiến nguy cơ tai nạn luôn rình rập.

Tai nạn rình rập phương tiện yếu thế trên Quốc lộ 5 do bất cập tổ chức giao thông- Ảnh 1.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 21/3/2023 trên Quốc lộ 5 thuộc xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Hải Dương khiến một nữ học sinh đi xe máy điện thiệt mạng - Ảnh: BĐ

Tăng 500% số người chết do TNGT, nhiều vụ tai nạn xe máy thương tâm

Những ngày cuối tháng 3/2023, PV Tạp chí GTVT khảo sát trên tuyến Ql5 qua địa bàn tỉnh Hải Dương, ghi nhận mật độ lớn xe ô tô tải, xe chở container lưu thông và tình trạng xe máy, xe đạp lưu thông hỗn hợp với xe ô tô. Dù dọc theo quốc lộ, một số đoạn đã hình thành các đường gom, đường ven chạy song song với QL5 (như qua TP.Hải Dương, huyện Cẩm Giàng, huyện Kim Thành…) nhưng xe máy, xe hai bánh vẫn lưu thông hỗn hợp trên quốc lộ. Nhiều đoạn quốc lộ không có vạch phân làn dành riêng cho xe máy, xe máy khiến ô tô và xe máy lưu thông san sát, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn.

Cùng đó, hàng loạt điểm mở giữa đường, điểm giao cắt giữa đường nhánh và quốc lộ liên tục có xe máy, xe đạp lưu thông qua lại. Có những vị trí tập trung khu công nghiệp như trước Trạm cân tải trọng xe (trạm thu phí cũ), Khu công nghiệp Đại An… vào giờ cao điểm thường xuyên có các đoàn xe máy nối đuôi nhau qua đường.

Tình trạng lưu thông hỗn hợp xe ô tô, xe máy trên tuyến quốc lộ có mật độ xe ô tô đông đúc này khiến ẩn chứa nguy cơ cao xảy ra tai nạn giữa ô tô và xe máy, xe hai bánh. Thực tế có những thời điểm liên tiếp xảy ra tai nạn thương tâm khiến học sinh, người trẻ tuổi thiệt mạng.

Gần đây, khoảng 13h ngày 21/3, tại Km75+400 QL5 thuộc địa phận xã Kim Liên, huyện Kim Thành, nữ học sinh V.T.N (SN 2009, trú tại thôn Cổ Phục Bắc, xã Kim Liên) của Trường THCS Phú Thái (huyện Kim Thành), trong khi đi xe máy điện từ nhà lưu thông trên QL5 theo chiều Hải Phòng - Hà Nội để đến trường thì xảy ra va chạm với xe đầu kéo BKS 15C-063.58 chở rơ moóc và bị thiệt mạng.

Ngày 6/3, tại Km63+600 QL5 chiều Hải Phòng – Hà Nội (đoạn gần trụ sở UBND xã Cộng Hòa, Kim Thành) cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông khiến một nữ học sinh lớp 9 tử vong. Ngày 28/10/2022, tại Km46+790 (phường Tứ Minh, TP. Hải Dương), một nam giới đi xe máy biển số 34B2-830.94 theo hướng Hà Nội - Hải Phòng va chạm với xe đạp đi cùng chiều, sau đó tiếp tục va chạm với xe ô tô và bị tử vong.

Tai nạn rình rập phương tiện yếu thế trên Quốc lộ 5 do bất cập tổ chức giao thông- Ảnh 2.

Ven QL 5 qua địa bàn Hải Dương có 8 khu công nghiệp, 11 trường học nên ngày nào cũng có hàng nghìn xe máy lưu thông dọc tuyến, qua các lối mở, vị trí giao với quốc lộ.

Theo Ban ATGT tỉnh Hải Dương, trong quý I/2023, trên tuyến Ql5 dài hơn 44km qua địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 8 vụ TNGT, làm 6 người chết, 5 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022 tăng 100% số vụ, 500% người chết và 150% người bị thương. Còn tính từ năm 2019 đến nay, tổng số có gần 110 người và hơn 60 người bị thiệt mạng do TNGT trên tuyến đường này.

Trong số các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, xe máy, xe đạp và người đi bộ qua QL5 thuộc nhóm phương tiện, người tham gia giao thông yếu thế và có nguy cơ rủi ro cao do xe ô tô đâm va. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 23/7/2019 tại Km63+530 (xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành), khi một người đàn ông đi tập thể dục buổi sáng thì bị một xe khách đâm tử vong. Sau đó, khi nhiều người thân nạn nhân, người dân gần đó và công nhân đi làm đứng xem và chờ sang đường bị một xe tải lao vào, khiến 7 người chết, 2 người bị thương và 6 phương tiện hư hỏng.

Tai nạn rình rập phương tiện yếu thế trên Quốc lộ 5 do bất cập tổ chức giao thông- Ảnh 3.

Xe máy lưu thông hỗn hợp trên Quốc lộ 5 và là phương tiện yếu thế so với lượng ô tô lưu thông dày đặc

Cần tổ chức xe máy đi vào đường gom, nâng cấp cầu vượt cho xe máy

Ông Lưu Văn Ngự, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương cho biết, tại khu vực xảy vụ TNGT đặc biệt nói trên đang được xây dựng cầu vượt đường bộ và đường sắt nhằm thay thế đường ngang để ngăn xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, ngoài vị trí trên, dọc tuyến còn tồn tại nhiều vị trí nguy hiểm cho nhóm phương tiện giao thông yếu thế (xe máy, xe đạp, người đi bộ) và cần được giải quyết bằng cách đầu tư cầu vượt, đường gom hoặc mở rộng mặt đường.

"Dọc hai bên Ql5 có nhiều khu công nghiệp với lượng lớn công nhân đi lại bằng xe máy, xe hai bánh và là đối tượng phương tiện yếu thế so với xe ô tô khi tham gia giao thông trên quốc lộ. Một số vị trí cần được bổ sung cầu vượt hoặc nâng cấp cầu vượt dân sinh từ cầu bộ hành dành cho người đi bộ thành cầu dành cho cả xe máy, để giúp xe máy lưu thông thuận lợi và bảo đảm an toàn.

Vừa qua, Ban ATGT tỉnh Hải Dương đã đề xuất với Cục Đường bộ VN đầu tư bổ sung cầu vượt dân sinh tại các vị trí như Km33+800 (Khu công nghiệp VSIP), Km49+980, Km59+300; cải tạo, nâng cấp cầu bộ hành tại Km36+580, Km51+018, Km53+000.

Nút giao tại Km45+850 trước Khu công nghiệp Đại An có mật độ giao thông lớn, tuy được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu, song thường xuyên xảy ra các vụ va chạm và ùn tắc giao thông nên cần sớm được nghiên cứu, tổ chức lai giao thông để đảm bảo an toàn", ông Ngự cho biết.

Tai nạn rình rập phương tiện yếu thế trên Quốc lộ 5 do bất cập tổ chức giao thông- Ảnh 4.

Quốc lộ 5 hiện có khoảng 60.000 xe ô tô lưu thông mỗi ngày đêm. Việc xe máy lưu thông hỗn hợp trên quốc lộ gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn cho xe máy

Đáng chú ý, cũng theo Ban ATGT tỉnh Hải Dương, hiện mỗi ngày đêm trên tuyến Ql5 qua Hải Dương có khoảng 60.000 lượt ô tô lưu thông, vượt gấp 4 lần so với lưu lượng thiết kế, gây quá tải và các nguy cơ cao về sự cố giao thông.

Điều này đặt ra yêu cầu về cải tạo, nâng cấp hạ tầng, như mở rộng đường, làm đường gom, cầu vượt để hạn chế giao cắt, xung đột giao thông. Dù vậy, đáng chú ý là nhiều đoạn ven đường đã có quỹ đất song chưa được đầu tư để nâng cấp, mở rộng đường.

"Trên 23 đoạn tuyến Ql5, từ Km33+720 đến Km77+830 còn quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng và có thể mở rộng đường từ 1-6m. Năm 2019, địa phương cùng Cục Đường bộ VN, Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (đơn vị quản lý bảo trì tuyến quốc lộ 5), Cục Đường sắt VN khảo sát và đã đề nghị mở rộng đường các đoạn trên", theo Ban ATGT Hải Dương.

Tai nạn rình rập phương tiện yếu thế trên Quốc lộ 5 do bất cập tổ chức giao thông- Ảnh 5.

Một số đoạn có đường gom chạy song song với Quốc lộ 5 nhưng chưa tách xe máy, xe hai bánh lưu thông vào đường gom để tăng tính an toàn

Đề cập giải pháp phòng ngừa tai nạn cho nhóm phương tiện yếu thế (xe hai bánh, người đi bộ) trên Quốc lộ 5, một cán bộ CSGT Trạm Kiểm soát giao thông Ba Hàng (Phòng CSGT Hải Dương) và đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, việc đầu tư hệ thống đường gom hoàn chỉnh và tổ chức giao thông tách riêng đường cho xe hai bánh là giải pháp bền vững giúp kéo giảm TNGT.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến nay đã đầu tư được các đoạn đường gom: từ Km43+850 - 45+800; Km45+800-Km48, Km48+250-Km54+500, Km54+450-Km46+700; Km64+550- Km66+430… Tuy vậy, một số đoạn có đường gom nhưng chưa tổ chức giao thông tách riêng cho xe máy, xe hai bánh lưu thông theo đường gom nên chưa phát huy tác dụng giảm lưu thông hỗn hợp trên quốc lộ, giúp giảm nguy cơ mất an toàn cho xe máy, xe hai bánh.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, cần có quy hoạch và đầu tư bài bản hệ thống đường gom ven QL 5 để nâng hiệu quả khai thác quốc lộ và kéo giảm TNGT, nhất là với nhóm phương tiện giao thông yếu thế.

Tai nạn rình rập phương tiện yếu thế trên Quốc lộ 5 do bất cập tổ chức giao thông- Ảnh 6.

Cần nâng cấp, cải tạo một số cầu vượt dân sinh kết hợp đi bộ và xe máy vượt Quốc lộ 5 để an toàn cho xe máy

Mới có 8 cầu vượt dân sinh dành cho xe máy

Theo Trạm Kiểm soát giao thông Ba Hàng, dọc theo hơn 44km quốc lộ 5 qua địa bàn Hải Dương có 8 cụm công nghiệp và 11 trường học nằm giáp quốc lộ; có 156 vị trí đường đấu nối với quốc lộ (trong đó 43 vị trí đấu nối của quốc lộ, đường tỉnh, huyện, đường đô thị và các tuyến đường trọng điểm; 113 vị trí đường đấu nối của thôn, xóm vào Quốc lộ 5); 28 cầu vượt (trong đó có 11 cầu đường bộ và 17 cầu vượt)- 17 (trong đó có 3 cầu vượt dành cho người bộ hành, 06 cầu vượt cho các loại phương tiện đi qua; 8 cầu vượt dành cho phương tiện xe mô tô, người bộ hành); 42 điểm cắt ngang đường sắt vào quốc lộ 5.