Tại sao đến phút chót người Mỹ vẫn bỏ phiếu cho Donald Trump?

Chính trị 10/11/2016 16:20

Sự thành công của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thách thức tất cả mọi quy luật chính trị thông thường.

 

trump_1
 

 Theo khảo sát, đa số người dân Mỹ cho rằng tỷ phú Donald Trump không đủ tiêu chuẩn làm Tổng thống Mỹ, vậy tại sao họ vẫn bỏ phiếu cho ông?

Chuyên gia của Reuters phân tích, theo những khảo sát gần đây, 60% cử tri bày tỏ ý kiến không ưa thích ứng viên đảng Cộng hòa, cao hơn 54% của bà Clinton. Nhưng cuối cùng Trump vẫn thắng. 63% cho rằng ông Trump không trung thực và đáng tin, cao hơn so với 61% của bà Clinton. Thế nhưng, Trump vẫn thắng.

Chỉ có 38% cho hay ông Trump đủ tiêu chuẩn làm Tổng thống Mỹ trong khi có tới 52% người nói rằng bà Clinton đủ điều kiện. Thế nhưng Trump vẫn thắng. Vậy tại sao người Mỹ lại bỏ phiếu cho một ứng viên mà họ không tin rằng đủ tiêu chuẩn trở thành lãnh đạo?

Theo quy định về bầu cử trong Hiến pháp Mỹ, người giành được nhiều sự ủng hộ của các cử tri phổ thông chưa chắc đã chiếm được đa số phiếu đại cử tri. Khi các điểm cuối cùng kiểm phiếu rạng sáng ngày 9/11, ông Trump và bà Clinton gần như có lượng phiếu phổ thông ngang bằng.

Bên cạnh đó, rất nhiều cử tri bỏ phiếu cho ông Trump là những thành viên đảng Cộng hòa vốn đang tức giận với chủ nghĩa tự do của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa từng hoài nghi về ông Trump và cho rằng ông không thực sự là một người thủ cựu. Tuy nhiên, đến cuối cùng, họ lại quay trở về bên ông bởi viễn cảnh một chính quyền tự do khác do bà Clinton lãnh đạo đã khiến họ e dè. Vì vậy 90% cử tri Cộng hòa rốt cuộc vẫn bỏ phiếu cho tỷ phú Trump.

Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng thu hút một lượng lớn các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, nhiều người trong số đó trước kia đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi những thay đổi đang xảy ra trong nước Mỹ: sự toàn cầu hóa, mất việc làm, tình trạng nhập cư và tính đúng đắn chính trị.

Những người ủng hộ ông Trump cảm thấy “rộn ràng” bởi màn trình diễn đầy thách thức của ông với Washington, giới truyền thông, nền tảng của đảng Cộng hòa và trí khôn thu nhận được. Ví dụ như việc ông gọi sự biến đổi khí hậu là “một trò lừa đảo, ngành công nghiệp làm tiền”. Ông đã thách thức cả khoa học.

Khẩu hiệu của ông Trump: “Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại!”, mang tính chất cộng hưởng, tạo ra âm vang lớn cho những người ủng hộ ông bởi họ muốn khôi phục lại một nước Mỹ cũ, nơi mức thu nhập cao, ít người nhập cư, người da trắng làm chủ và sức mạnh Mỹ trên toàn cầu không bị thách thức. Khi ông Trump bước ra bục tuyên bố chiến thắng, những người ủng hộ ông hô vang: “Nước Mỹ, nước Mỹ”.

Khoảng cách giáo dục giữa các cử tri da trắng là tương đối lớn trong cuộc bầu cử năm nay. Năm 2012, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã nhận được nhiều hơn 5 điểm ở các cử tri da trắng trình độ phổ thông so với các cử tri da trắng có trình độ đại học. Năm nay, ông Trump làm tốt hơn hẳn với 18 điểm cách biệt giữa tầng lớp da trắng học vấn thấp hơn.

Những gì diễn ra trong cuộc bầu cử năm nay là khá rõ ràng trên bản đồ. Đảng Dân chủ nắm giữ các bang ở phía Đông Bắc và bờ biển phía Tây. Nhưng các bang từng hai lần bầu cho ông Obama, gồm Ohio, Pennsylvania, Wisconsin, Iowa, đã chuyển hướng sang Donald Trump trong năm nay. Đó là những bang thuộc “vành đai gỉ sắt” với số lượng lớn các cử tri da trắng tầng lớp lao động.

Chiến thắng của ông Trump đơn thuần là chủ nghĩa dân túy, phản đối tầng lớp tinh hoa đến tận cốt lõi. Hãy để bà Clinton tố cáo những người ủng hộ ông Trump là “một rổ đáng thương”, và họ đã trỗi dậy, tập hợp sức mạnh để phản đối bà.

Và cũng chính họ đã làm như thế với phần còn lại của thế giới, mà đa số trong đó đều coi chiến thắng của ông Trump là một điều gây sốc. Khi được yêu cầu miêu tả quan điểm của người dân nước mình về ông Trump, một nhà bình luận trên đài tiếng nói nước Anh trả lời “hoàn toàn căm ghét”.

Vậy thì tại sao việc bỏ phiếu lại đảo chiều vào phút cuối? Cơ bản là bởi vì những người ủng hộ ông Trump nhiệt tình với ứng viên của mình hơn những người ủng hộ và Clinton. Điều gì đã khiến người ủng hộ ông Trump một mực khao khát thay đổi? Nhiều cử tri cho rằng họ muốn một ứng viên là người “có thể mang lại sự thay đổi” (39%) hơn là tìm kiếm “một người có kinh nghiệm” (21%), “óc phán đoán” (20%) hay một ứng viên “quan tâm đến bản thân” (15%). Các cử tri muốn thay đổi đã bỏ phiếu lên tới 83% cho ông Trump.

Sự thay đổi được ông Trump nhắc đến với lý do hết sức đơn giản: ông là người “bài” Obama. Khó có thể tưởng tượng được một ai có quan điểm hoàn toàn khác biệt với Obama như Trump. Ông Obama rất cẩn trọng, khoan thai, thông thạo nhiều kiến thức, đúng đắn và chuẩn mực chính trị. Còn tỷ phú Trump lại khá thô lỗ, khoe khoang, không có nhiều kiến thức và kiêu ngạo.

Tổng thống Obama nhận được sự ngưỡng mộ rộng lớn nhưng ông bị coi là thiếu hiệu quả và rất nhiều người ủng hộ ông đã tỏ ra tức giận vì đã thất bại trong việc thực hiện thông điệp “hy vọng và đổi thay” mà ông đã hứa hẹn. Rất khó cho họ cảm thấy nhiệt tình với bà Clinton, người được ông Obama ủng hộ. Còn đối với ông Trump, người ủng hộ ông nhìn nhận vị tỷ phú này như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể hoàn thành mọi việc.

Ông Trump có thể có được rất nhiều điều mà ông muốn ngoài khuôn khổ Quốc hội bởi chiến thắng của ông là hoàn toàn bất ngờ. Ngoài ra, ông đã bảo vệ được đa số ghế cho đảng Cộng hòa trong Hạ viện và Thượng viện.

Điều này đã tạo nên một sự ủy thác. Một sự ủy thác cho việc gì? Ông Trump từng hứa sẽ hủy bỏ mọi thứ ông Obama tạo dựng lên, chương trình chăm sóc y tế Obamacare, các lệnh nhập cư, các quy định về môi trường, hiệp ước hạt nhân với Iran. Các cử tri đã bầu ra một người “bài” Obama và đó sẽ là người nhận được ủy thác để đảo chiều mọi việc mà Obama đã làm.

Ý kiến của bạn

Bình luận