Tài xế container dễ dàng 'lách luật' với thiết bị giám sát

Ý kiến phản biện 12/01/2019 06:43

Lái xe có thể bớt xén thời gian thực hành, gian lận khi khám sức khỏe và tắt thiết bị giám sát hành trình bởi quy định lỏng lẻo.


 

tainanlongan-11-3115-1547014078
Xe container gây tai nạn ở Long An. Ảnh: Quỳnh Trần.

Sau vụ xe container tông 21 xe máy dừng đèn đỏ khiến 4 người tử vong ở Long An, nhiều ý kiến quan tâm đến quá trình đào tạo, cấp giấy phép và quản lý tài xế điều khiển loại xe này.

PV có cuộc trao đổi với ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng quản lý phương tiện người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

- Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua liên quan đến xe container làm nảy sinh lo ngại về chất lượng tài xế, ông nghĩ sao?

- Về nguyên nhân khách quan, xe container có kích thước lớn nên khi xảy ra tai nạn hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn các loại phương tiện khác. Nguyên nhân chủ quan tôi cho rằng thuộc về ý thức người điều khiển phương tiện và chủ doanh nghiệp.

Thông thường lái xe container phải có tay nghề giỏi, kinh nghiệm lâu năm nhưng họ lại phải chạy đường dài liên tục khiến cơ thể mệt mỏi. Nhiều người dùng chất kích thích giữ tỉnh táo, đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn. Đơn cử vụ tai nạn ở Long An, theo thông tin ban đầu, tài xế có kinh nghiệm lái xe 7 năm nhưng xét nghiệm cho thấy dương tính với nồng độ cồn và chất ma túy.

Ngoài ra, thùng container rất lớn, nếu phanh gấp quá phần thùng dễ bay về phía cabin đe dọa tính mạng người ngồi bên trong. Vậy nên tôi được biết nhiều tài xế đã chỉnh phanh bớt nhạy để tránh lực quán tính quá lớn khi phanh gấp. Trước mỗi kỳ kiểm tra, tài xế lại sửa phanh để qua mặt cơ quan chức năng. Trách nhiệm còn thuộc về các doanh nghiệp, nếu lái xe nghiện ma túy thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ là nơi biết đầu tiên. 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa có thống kê chính thức về các vụ tai nạn giao thông do xe container gây ra. Nhưng theo các báo cáo thì tỷ lệ tai nạn của xe container tương đồng với các loại hình phương tiện khác như xe khách, xe con.

- Quy trình sát hạch tài xế container hiện như thế nào?

- Cả nước có 30 cơ sở đủ điều kiện sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng FC (điều khiển xe đầu kéo chở container), trong đó miền Bắc 18 trung tâm, còn lại ở miền Nam. Người được cấp giấy phép hạng FC phải có tuổi đời trên 24, thời gian hành nghề 3 năm trở lên hoặc trên 50.000 km lái xe an toàn.

Về quá trình đào tạo, người học tập trung tại cơ sở do Bộ Giao thông vận tải cấp phép và thi lấy chứng chỉ, chứng chỉ này có thời hạn một năm. Quá trình thi có camera giám sát và công khai kết quả ngay khi thí sinh hoàn thành sát hạch.

Thời gian đào tạo lái xe của Việt Nam tương đương Trung Quốc, dài hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên, hiện phần đào tạo đã bộc lộ nhược điểm khi nhiều lái xe tìm cách "lách luật", không thực hiện đủ thời gian quy định là 272 giờ (48 giờ lý thuyết, 224 giờ thực hành).

- Bộ giám sát hoạt động của tài xế container ra sao? 

Số lượng giấy phép hạng FC hiện có gần 157.000. Bộ Giao thông vận tải giám sát xe kinh doanh vận tải hàng hóa nói chung và container nói riêng qua thiết bị giám sát hành trình. Cụ thể là giám sát vị trí xe trên bản đồ số, biển số xe, thông tin lái xe hiện tại (tên lái xe và số giấy phép lái xe), tổng số lần quá tốc độ, số lần và thời gian dừng đỗ, thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong ngày... 

Tuy nhiên, nhiều tài xế không trung thực có thể tắt định vị hoặc không khai báo trước khi khởi hành; với những cách đối phó này thì phần mềm không thể kiểm soát.

- Với những kẽ hở nêu trên, cơ quan quản lý có hành động gì?

Hiện quá trình tuần tra, kiểm soát của cảnh sát và thanh tra giao thông mới chỉ xem xét được trọng tải và nồng độ cồn. Còn về ma túy thì chưa có phương pháp kiểm tra nhanh trên đường, mới chỉ kiểm tra trong các đợt khám định kỳ. Việc khám sức khỏe định kỳ này đã được quy định rõ, song hình thức khám vẫn bộc lộ kẽ hở mà tài xế ý thức kém có thể lợi dụng. 

Thực ra vấn đề không chỉ quản lý tài xế mà quan trọng hơn là ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp, chủ xe. Nghị định 86 ban hành vừa qua đã thay đổi theo hướng này. Đơn cử nếu doanh nghiệp biết tài xế nghiện mà vẫn cử đi lái xe thì sẽ bị xử lý. 

- Việc gian lận trong đào tạo cấp bằng được xử lý ra sao?

- Sắp tới cơ quan chức năng sẽ bổ sung một số quy định nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. Thứ nhất là có thiết bị giám sát thời gian học; quy định này thực chất đã có nhưng lâu nay chưa có cách kiểm soát dẫn đến nhiều người "lách luật". Chúng tôi sẽ lắp phần mềm nhận dạng buộc lái xe phải học đủ thời gian.

Thứ hai, chúng tôi sẽ bổ sung nội dung học kỹ năng xử lý tình huống bằng phần mềm mô phỏng. Thứ ba, học viên phải thực tập trên cabin mô phỏng giống thực tế.

Bộ Giao thông cũng sẽ bổ sung chế tài theo hướng tăng nặng xử phạt với doanh nghiệp cũng như tài xế cố tình coi thường pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận