Theo Sunshine State News, vào tháng 8/2011, một tài xế xe đầu kéo làm việc cho Công ty Simon’s Trucking bị lên cơn đau tim khi đang lái xe khiến phương tiện chệch hướng và đâm vào hàng cây bên đường. 800 bình ắc quy ôtô bị rơi ra ngoài.
Khi nhận được thông báo, Charles Lieupo, tài xế lái xe cứu hộ đã tới hiện trường. Tại đây, ông thấy đám cháy phát sinh từ tai nạn đã được dập tắt, chỉ còn xác xe đầu kéo và số bình ắc quy ngổn ngang.
Xong việc dọn dẹp mất 14-16 tiếng, Charles Lieupo đột nhiên thấy có cảm giác đau nhói chạy dọc chân. Khi đồng nghiệp hỏi, anh nói đã bị kiến bu khắp cơ thể, nhiều chấm đỏ tấy khắp da. Ít ngày sau, vết tấy ngày càng nghiêm trọng, nhiều vết sưng to bằng đồng xu gây đau nhức và khó chịu.
Dù được người nhà hối thúc, Charles Lieupo không chịu đi khám trong 37 ngày đầu sau vụ việc. Tới ngày thứ 38, không chịu được đau đớn, ông quyết định tới bệnh viện. Khi được nhân viên y tế hỏi, Charles Lieupo khẳng định vết thương của mình là do kiến cắn.
Hồ sơ khám chữa bệnh cho thấy 6 tháng sau, ông vẫn nói với bác sĩ điều trị mình bị kiến lửa đốt. Mặc dù có chung nhận định là bị bỏng hóa học, ý kiến của các bác sĩ không đồng nhất về nguyên nhân của thương tích. Có người cho rằng vết thương là do tiếp xúc với axit ắc quy, người khác kết luận do kiến cắn.
Trong quá trình điều trị kéo dài 5 năm sau đó, Charles Lieupo đã phải tới khám ở trung tâm điều trị bỏng 37 lần, khám ở bệnh viện 15 chuyến, gặp bác sĩ 150 lần, và trải qua 37 lần phẫu thuật ghép da với nhiều nguồn da khác nhau.
Tháng 1/2015, câu chuyện của Charles Lieupo đột ngột thay đổi. Ông cho rằng thương tích của mình không phải do kiến cắn mà do tiếp xúc với axit ắc quy từ hiện trường vụ tại nạn 5 năm trước. Charles Lieupo quyết định kiện công ty Simon’s Trucking ra tòa án hạt Hamilton, bang Florida đòi bồi thường.
Đơn kiện cho rằng Công ty Simon's Trucking phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kể có lỗi hay không vì xe đầu kéo gây tai nạn khiến chất độc hại bị đổ ra ngoài, dẫn tới thương tích cho Charles Lieupo. Đơn kiện cho biết đôi lúc Charles Lieupo còn có ý định tự sát vì bác sĩ từng bảo có thể phải cắt bỏ chân.
Luật sư đại diện cho công ty Simon’s Trucking phản bác, cho rằng thương tích của Charles Lieupo không phải do tiếp xúc với axit ắc quy mà do kiến cắn, dựa trên lời nói ban đầu của chính nguyên đơn với mọi người.
Ngoài ra, bên bị viện dẫn ý kiến chuyên gia y tế cho thấy từ trước ngày xảy ra tai nạn, Charles Lieupo đã bị chứng ứ máu tĩnh mạch, là tình trạng mạch máu lưu thông chậm ở mức nghiêm trọng. Chính vết kiến lửa cắn đã làm nghiêm trọng hơn tình trạng trước đó của Charles Lieupo, khiến vùng chân sưng tấy.
Hơn nữa, đồng nghiệp của Charles Lieupo cũng tới hiện trường vụ tai nạn với trang thiết bị bảo hộ tương tự nhưng không ai gặp phải triệu chứng như Charles Lieupo, càng thêm chứng tỏ nguyên nhân của thương tích là do kiến cắn.
Tháng 3/2017, bồi thẩm đoàn tòa án hạt Hamilton ra phán quyết có lợi cho Charles Lieupo, yêu cầu công ty vận tải Simon’s Trucking phải trả khoản tiền 5.211.500 USD, trong đó 731.500 USD là chi phí chữa trị, 480.000 USD cho thu nhập bị mất, 4.000.000 USD là bồi thường đau đớn về thể xác.
Công ty vận tải Simon’s Trucking kháng cáo lên tòa phúc thẩm số I của Florida. Lần này, luật sư đại diện công ty cho rằng vụ việc này lẽ ra không cần phải ra tòa vì mọi chi phí chữa trị của Charles Lieupo đã được chi trả bởi Hội Bồi thường Người lao động.
Theo án lệ Curd kiện Cty. TNHH Mosaic Fertilizer trước đó, không có căn cứ pháp lý cho phép Charles Lieupo đòi bồi thường từ công ty Simon’s Trucking vì khoản 3, điều 376.313, luật Florida chỉ buộc bồi thường với thiệt hại về môi trường và tài nguyên thiên nhiên, không phải về con người. Cho dù đúng là bị thương do axit ắc quy thì yêu cầu đòi bồi thường của Charles Lieupo hoàn toàn nằm ngoài phạm vi quy định của luật.
Ngày 18/4/2018, tòa phúc thẩm số I tuyên hủy bỏ bản án của tòa cấp dưới vì cho rằng đã áp dụng sai quy định của pháp luật khi đưa ra phán quyết có lợi cho Charles Lieupo.
Tòa phúc thẩm nhận định Charles Lieupo chỉ có thể đòi bồi thường nếu chứng minh được công ty có lỗi trong tai nạn.
Trong pháp luật Mỹ có hai khái niệm: trách nhiệm bồi thường dựa trên lỗi cố ý (fault liability) và trách nhiệm bồi thường nghiêm ngặt (strict liability). Theo đó, với dạng trách nhiệm thông thường, một người chỉ phải bồi thường khi người đó bị chứng minh có lỗi cố ý và hành vi của anh gây ra hậu quả. Ví dụ: A cố ý đánh B và phải bồi thường thương tích. Còn với dạng trách nhiệm nghiêm ngặt, một người sẽ phải bồi thường khi hành vi của anh gây ra thiệt hại, mặc dù anh không có ý định đó. Ví dụ: nếu sản phẩm không dán nhãn cảnh báo nguy hiểm, nhà sản xuất có thể sẽ phải bồi thường nếu người dùng bị thương tích, mặc dù họ không cố ý gây thiệt hại. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.