Tài xế xe ôm công nghệ vừa chạy xe vừa “dán mắt” vào điện thoại. |
Chiều 11-11-2019, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn quận 9 khi nam thanh niên chạy xe ôm công nghệ chở theo một khách nữ trên đường Đình Phong Phú, hướng từ đường Lê Văn Việt về đường Đỗ Xuân Hợp.
Khi phương tiện di chuyển đến đoạn giao với đường Tăng Nhơn Phú (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) thì xảy ra đối đầu với xe máy do người đàn ông cầm lái. Va chạm khiến cả ba người trên hai xe ngã xuống đường. Trong đó, khách nữ đập đầu vào hông xe buýt tuyến 57 đang chạy qua dẫn đến tử vong. Vụ TNGT cũng làm người đàn ông bị thương nặng, thanh niên chạy xe ôm công nghệ bị xây xát nhẹ…
Vừa lái xe vừa “dán mắt” vào màn hình điện thoại. Vừa lái xe vừa sử dụng tai nghe. Để cho tiện dụng, nhiều tài xế đã trang bị luôn giá điện thoại đặt trước đầu xe máy... Hay cũng có nhiều tài xế xe ôm công nghệ vừa chạy xe vừa “dán mắt” vào điện thoại đọc tin nhắn, hoặc tìm đường, tính cước phí nên không thể quan sát được phương tiện trước mặt, sau lưng, bên cạnh đang lưu thông.
Một tài xế GrabBike tên Vũ Thăng Long (ngụ quận Tân Phú) cũng thừa nhận bản thân chạy xe tìm đường, liên hệ với khách… Nói chung mọi thao tác đều phải thực hiện trên điện thoại. Lâu nay để tiện lợi cho việc này, các tài xế đều có gắn giá đỡ để điện thoại trên đầu xe: “Thật sự nó như một thói quen và cũng một phần do muốn sự nhanh chóng, không để khách phải chờ đợi nên chúng tôi nhiều khi vừa chạy xe vừa thao tác trên điện thoại”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng ĐTDĐ khi lái xe có nguy cơ TNGT cao gấp 4 lần so với không sử dụng ĐTDĐ. Còn theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ TNGT do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. Năm 2018, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 3.618 vụ TNGT, làm chết 694 người và làm bị thương 2.175 người so với năm 2017. Trong đó, không ít trường hợp bị TNGT liên quan đến việc sử dụng ĐTDĐ khi tham gia giao thông.
Xử lý nghiêm tài xế vi phạm TTATGT
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định các mức xử phạt về hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
Theo đó, đối với người lái xe ô tô, phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe dùng tay sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển xe chạy trên đường; nếu gây TNGT thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng; người điều khiển môtô, xe gắn máy phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng khi đang điều khiển xe mà sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; nếu gây TNGT thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Từ ngày 15-11 đến ngày 14-12-2019, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành cao điểm kiểm tra, xử lý các trường hợp tài xế xe ôm công nghệ vi phạm ATGT, trong đó tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông, TNGT. Việc kiểm tra, xử lý sẽ thực hiện trên toàn thành phố, không giới hạn vùng ven hay khu trung tâm. Đặc biệt, những khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc hoặc tai nạn, Cảnh sát giao thông sẽ được tăng cường hơn để kiểm tra và xử lý.
Trong đợt cao điểm, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt sẽ tăng cường bố trí lực lượng, chủ động nắm tình hình, xây dựng các chuyên đề tập trung xử lý các đối tượng là tài xế xe ôm công nghệ đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc giao thông, TNGT như: Chạy quá tốc độ quy định; chở hai người trên xe; chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi ngược chiều; vượt xe trong những trường hợp cấm vượt; điều khiển xe sử dụng ĐTDĐ...
Cảnh sát giao thông được trang bị sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm, máy đo tốc độ, camera để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm của tài xế xe ôm công nghệ. Đối với các trường hợp không dừng ngay được phương tiện, Phòng sẽ thông báo yêu cầu người có hành vi vi phạm đến đơn vị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong vấn đề này, ngoài ý thức của các tài xế, cùng việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng thì thiết nghĩ các hãng xe ôm công nghệ như Grab, Go Viet, Be… cũng phải có vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý chất lượng lái xe làm sao để lái xe luôn đề cao ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông, đảm bảo sự an toàn cho hành khách thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, các lớp đào tạo về ATGT cho các lái xe của mình. Như vậy mới thể hiện được rõ trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp lớn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.