Lộ diện “bến lậu” lớn nhất trên sông Lô
Dựa trên đề xuất của doanh nghiệp, ngày 29/8/2016, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 690/QĐ-SGTVT quyết định cấp phép cho Công ty TNHH Nam Phong hoạt động bến nổi từ km 61+180 đến km62+130 bên bờ trái sông Lô thuộc địa bàn xã Đại Nghĩa (huyện Đoan Hùng) với mục đích bốc xếp, trung chuyển hàng hóa. Thời gian hoạt động của bến Nam Phong 2 được tính từ ngày 1/9/2016 đến 28/2/2017.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, bến nổi Nam Phong 2 đã hết hạn giấy phép hoạt động gần 2 tháng, song vẫn ngang nhiên "oanh tạc" trên sông Lô, thu lợi bất chính, xâm phạm nghiêm trọng hạ tầng giao thông, công trình thuỷ lợi quốc gia... mà không hề bị xử lý(!?)
Về nguyên tắc, khi bến nổi hết phép sẽ phải ngưng hoạt động, nhưng ở đây, mọi hoạt động vẫn hoạt động bình thường, vậy đâu là lý do?
Theo quan sát của PV, bến nổi Nam Phong 2 nằm đối diện với Cảng nội địa Đoan Hùng và nằm trong khu vực hai kè trị thủy khiến cho lòng sông Lô bị thu hẹp, giao thông qua khu vực này luôn rơi vào tình trạng hỗn loạn và mất an toàn.
Cũng từ nhiều ngày nay, tại “bến lậu” này các công nhân vẫn miệt mài làm việc dưới cái nắng rát da, cháy thịt của mùa Hè. Dưới lòng sông, hàng chục chiếc tàu có tải trọng nghìn tấn lũ lượt cập bến bốc xếp hàng hoá. Sát bờ sông có gần chục chiếc xà lan tải trọng hàng trăm tấn đang neo đậu để chờ lên cát, đá; còn hai chiếc xáng cạp thì hoạt động liên tục, xả khói đen mù mịt.
Giấy phép hoạt động của bến nổi Nam Phong hết hạn từ 28/2/2017, song đến nay vẫn ngang nhiên "oanh tạc" trên sông Lông. |
Hàng chục chiếc tàu có tải trọng nghìn tấn "án ngữ" bốc, dỡ hàng hóa tại bến nổi Nam Phong. |
Anh Tống Anh Đạt - một người dân sống gần khu vực trên cho biết, bến này hoạt động liên tục từ sáng đến chiều tối. Tiếng máy chạy ì đùng, khiến cho người dân ở quanh đây rất bức xúc, đó là chưa kể họ cho gần chục chiếc xà lan đậu quanh khu vực cầu gây cản trở luồng giao thông, khiến cho tàu, ghe qua lại gặp nhiều khó khăn. “Đáng nói là, lúc có lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ vẫn ngang nhiên hoạt động xem như không có chuyện gì xảy ra”, anh Đạt chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Nhật Mai (xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng) bức xúc noí: Nhiều khi đi qua bến nổi lúc cần cẩu quơ qua quơ lại "ăn hàng" ngay trên không trung nhìn rất nguy hiểm. “Lỡ không may có sự cố xảy ra như cần xáng bị sập đập vào các tàu đang neo đậu, hay người dân đánh cá trên sông thì hậu quả không hề nhỏ. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch nối nối các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... phương tiện, người qua lại rất đông.”, chị Mai nói.
Trước đó, "bến lậu" này vi phạm một số lần vi phạm quy định của pháp luật về đất đai như: Tự ý lấn chiếm hành lang đê, hành lang giao thông đường bộ, bờ vở sông để sử dụng làm bãi tập kết vật liệu kinh doanh bến bãi; sử dụng đất vượt mốc giới được giao, xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép trong lòng sông, bãi sông và đã được lập biên bản.
Việc "ăn hàng" diễn ra ngay giữa lòng sông, khiến nhiều người rùng mình. |
Có dấu hiệu bảo kê?
Trước thực trạng bến nổi không phép hoạt động tràn lan, "tác oai tác quái" trên sông Lô, đoạn qua huyện Đoan Hùng, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban an toàn giao thông tỉnh Phú Thọ nhận định: Tình hình giao thông đường thủy nội trên sông Lô đang diễn ra hết sức phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.
Một số bến có giấy phép tuy nhiên hoạt động chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn để các phương tiện hết hạn kiểm định, sử dụng thiết bị xếp dỡ không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định, khai thác bến thủy nội địa quá thời hạn cho phép, trang bị không đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy, khai thác bến thủy không đúng mục đích.
Hành lang ATGT và phần mặt nước bị lấn chiếm trở thành điểm tập kết, bốc xếp hàng hóa từ các tàu lến bờ. |
Mặt khác, tình trạng hoạt động bến nổi trên sông Lô phía thượng và hạ lưu cầu Sông Lô (huyện Đoan Hùng) có quá nhiều phương tiện thủy nội địa, máy múc tập trung hoạt động sang mạn hàng hóa, cát sỏi, đậu đỗ cả trong phạm vi hàng lang an toàn của cầu, lấn chiếm luồng tuyến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại hội nghị tổng kết kế hoạch 4441/KHLN – C67 – P13 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến sông Lô thuộc huyện Đoan Hùng và địa bàn giáp ranh do Cục Cảnh sát giao thông và Cục Đường thủy nội địa vừa phối hợp tổ chức đã chỉ ra rằng: Những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông và xã hội (TT ATGT & XH) thuộc huyện Đoan Hùng và địa bàn giáp ranh có nhiều diễn biến phức tạp. Hoạt động khai thác cảng, bến thủy nội địa, người điều khiển phương tiện vận tải thủy nội địa trên tuyến vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa còn khá phổ biến, nhất là các lỗi như không đảm bảo điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; không có giấy phép hoạt động; chở quá vạch mớn nước an toàn; khai thác cát, sỏi ngoài phạm vi được cấp phép…
Để đảm bảo ATGT & XH trên tuyến sông Lô thuộc huyện Đoan Hùng và địa bàn giáp ranh được ổn định lâu dài, bền vững, tại hội nghị đại biểu các cơ quan chức năng đã đề nghị Sở GTVT 2 tỉnh tạm dừng cấp phép hoạt động bến nổi đã hết thời hạn; đối với các bến nổi còn thời hạn không tiếp tục gia hạn cho đến khi Bộ GTVT có quy định cụ thể. Đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa làm cơ sở cho việc cấp phép quản lý cảng, bến;lực lượng chức năng của 2 tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước; rà soát, kiểm tra và tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm; kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các trường hợp không đủ điều kiện; giải tỏa một số bến khách, bến xếp dỡ hàng hóa có nguy cơ mất an toàn cao…
Mời quý độc giả xem tiếp phần 2 của vệt phóng sự điều tra, dấu hiệu bất thường trong kiểm tra xử lý "bến nổi", phương tiện hoạt động "chui" trên sông Lô, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.