Bài 1: Đoàn "xe vua" với những hợp đồng kỳ lạ
Xe của Công ty Trường Sơn mời chào hành khách đi các tỉnh Nam Định, Ninh Bình trước mặt lực lượng an ninh sân bay Nội Bài |
Ô tô của Cty Trường Sơn được cấp phép phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, xe hợp đồng... nhưng hoạt động không khác gì xe khách với đủ “chiêu” lách luật. Việc đón trả khách trái phép diễn ra ngay tại nhà ga T1 và T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trước mặt lực lượng an ninh sân bay.
“Thủ phủ” xe dù sân bay
Lấy số điện thoại “mời đặt chỗ” trên website của Công ty Trường Sơn, sáng ngày 16/1/2018, chúng tôi gọi điện đặt chỗ từ sân bay Nội Bài đi thành phố Nam Định. Đầu kia, nữ nhân viên nói: “Cứ 30 phút có một chuyến, thời gian hoạt động liên tục đến 3h sáng, khi hết toàn bộ các chuyến bay, có nhiều chuyến, anh đi chuyến nào?”. Chúng tôi đặt 2 vé đi TP. Nam Định vào chiều cùng ngày và được cô nhân viên dặn: “Giá vé là 150.000 đồng một lượt, nhà xe đón khách tại sảnh nhà ga T1 và T2, tới giờ các anh chủ động lên xe”.
Điểm đón khách của Công ty Trường Sơn tại sân bay Nội Bài ghi biển “xe đưa đón khách sân bay” (không có chức năng đón khách), nhưng thực chất là một bến “cóc” với đầy đủ điểm đón tiếp, đặt chỗ; nơi nhận gửi hàng và xếp khách.
Lái xe hỏi tên hành khách, lập hợp đồng ngay tại chỗ |
Lúc chúng tôi có mặt (16 giờ), hàng chục người lỉnh kỉnh đồ đạc đang chờ xếp lên khoảng 4 chiếc xe đang đợi tại sảnh E, nhà ga T1. Sự nhộn nhịp, đông đúc của nơi này không thua kém bến xe nào.
Cách vị trí xe Trường Sơn làm khách vài bước chân, lực lượng an ninh sân bay tụ tập chuyện trò, ngó lơ mặc cho các “cò vé” nhà xe thả sức mời chào, gây phiền hà cho hành khách.
Để quản lý các loại hình vận tải, cơ quan chức năng cấp phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” (thường gọi tắt là xe khách) và “xe hợp đồng” với các nguyên tắc hoạt động khác nhau. Không khó nhận ra, trên kính của hầu hết các xe Trường Sơn hoạt động tại sân bay Nội Bài đều mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng được vận hành như xe khách với những thủ thuật không khó phát hiện.
Để lách luật, sau khi hành khách lên xe, nhân viên của Cty Trường Sơn lần lượt đi đến từng người “tra hỏi” thông tin cá nhân như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, điểm đến… sau đó điền vào một hợp đồng được làm sẵn.
Sau khi “tra hỏi” xong, nhân viên nhà xe Trường Sơn điền tên từng người vào danh sách hành khách ở một mẫu hợp đồng được chuẩn bị sẵn.
Khi được hỏi, thì hành khách giải thích: “Anh cứ cho em xin thông tin để làm hợp đồng, cái này quy định của công ty. Phải có danh sách hành khách đi xe để nhỡ công an, thanh tra giao thông có kiểm tra thì còn có cái mà xuất trình”.
Sảnh E, nhà ga T1 nhộn nhịp "cò" chèo kéo hành khách đi xe khách Ninh Định, Ninh Bình và cả xe taxi về trung tâm thành phố Hà Nội |
Căn cứ vào bản hợp đồng này và chiếu theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP, chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh cho rằng, những “chiêu trò” qua mặt các cơ quan chức năng của nhà xe Trường Sơn là chưa đủ thuyết phục.
Bởi, quy định nêu rõ: Đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo với Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
Như vậy, bản danh sách hợp đồng được nhà xe Trường Sơn lập ra trong quá trình xếp khách là để khép kín hồ sơ, phòng khi có lực lượng kiểm tra, chứ không có thông báo nào gửi về đầu Sở GTVT Nam Định trước khi xe thực hiện hợp đồng theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP?
Thu tiền trực tiếp, lập “bến cóc”
Khi chiếc xe mang BKS 18B.016.32 xếp đủ khách, lái xe khởi hành theo lộ trình cố định từ sân bay Nội Bài đi theo hướng đại lộ Võ Văn Kiệt về cầu Thăng Long, từ đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng lên đường Vành đai 3, ra cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Nguy hiểm hơn, khi tới khu vực Đỗ Xá (huyện Thường Tín, Hà Nội), lái xe bất ngờ dừng đột ngột, trả khách ngay giữa đường khiến các phương tiện phía sau thót tim.
Sau khoảng 1 tiếng 30 phút bứt tốc từ sân bay Nội Bài theo hướng Nam Định, chiếc xe nhanh chóng cập vào “bến cóc” tại đầu quốc lộ 21, thuộc địa phận tỉnh Hà Nam tiến hành thu tiền, trả khách.
Tiết lộ với PV, một nhân viên nhà xe cho biết, bến xe này thuộc sự quản lý độc quyền của Công ty Trường Sơn, tại đây luôn có người túc trực phụ trách bán vé, thu tiền và hướng dẫn hành khách.
Quan sát của PV cho thấy, bến xe này có diện tích hàng trăm m2, với tấm biển quảng cáo lớn mang nội dung: “…điểm đưa đón khách sân bay Nội Bài”.
Theo một quy luật khép kín, khi xe cập “bến”, nhân viên nhà xe chủ động cầm sẵn hợp đồng in sẵn tới thu tiền từng hành khách. Theo đó, mức giá thu đối với tuyến sân bay Nội Bài đi Nam Định và Ninh Bình đồng giá 150.000 đồng, riêng hành khách đi Hà Nam có giá 100.000 đồng.
Một điểm đón trả khách cố định của Cty Trường Sơn ngay tại nút giao Liêm Tuyền - Ql21 rộng hàng trăm m2 |
Hành khách được phân xe đi các tỉnh Ninh Bình, Nam Định ngay tại "bến" |
Điều đáng nói, trong khoảng 30 phút có mặt tại đây, PV kiểm đếm có tới 4 chiếc xe thuộc Công ty Trường Sơn tấp vào thu tiền, bán vé, xếp khách, thời gian các xe làm thủ tục ra, vào “bến” duy trì trong khoảng thời gian từ 5 – 7 phút.
Trong khi đó, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định, xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định.
Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.