Tăng cường kết nối vận tải quốc tế để phát triển logistics

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/04/2018 06:25

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 công bố tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 diễn ra vào tháng 12/2017, số lượng doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Theo đó, năm 2005 chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp nhưng đến nay có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài, khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Tốc độ phát triển dịch vụ từ 16 - 20%/năm.

 

Hoi nghi GMS6
Nguyên thủ các nước tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)

Nhiều lợi thế để trở thành trung tâm logistics

Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý, ngành logistics Việt Nam có tiềm năng lớn để tăng trưởng và hội nhập sâu rộng với thế giới. Nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, cộng với đường bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất nhập khẩu hàng hóa với các nước trên thế giới. Việt Nam cũng là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động trung chuyển như quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất. Cụ thể, cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) hiện là điểm chuyển tải cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á, cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại là điểm chuyển tải hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ và EU.

Bên cạnh đó, những yếu tố như lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu tăng mạnh; sự phát triển của hoạt động sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc… đã trở thành động lực thúc đẩy cho logistics Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2017 đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến logistics với việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, cùng với đó là việc sửa đổi và ban hành mới các văn bản QPPL về quản lý ngoại thương, thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành... Những nỗ lực trên đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông quốc tế

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics. Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017, ông Ousmane Dione - Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho biết, thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số hoạt động Logistics đã giảm từ 48 năm 2014 xuống thứ 64/160 quốc gia năm 2016, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia). Do đó, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại buộc nền sản xuất phải tái cấu trúc, mở ra thêm những thị trường mới là việc làm cần thiết để tăng thêm sức hút cho hàng hóa Việt Nam.

Trong khuôn khổ Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định GMS-CBTA diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 14 -15/3/2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, trong đó có khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Đây là khuôn khổ hợp tác do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bảo trợ, gồm 6 nước thành viên: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Ưu tiên hàng đầu của Chương trình GMS là kết nối GTVT, trước mắt là mở rộng phạm vi của chương trình hạ tầng phần cứng - kết nối giao thông trong GMS bao gồm cả đường bộ và đường sắt.

Về hạ tầng, trên cơ sở kết nối hạ tầng đường bộ về cơ bản đã hoàn thành ở các nước (ngoại trừ Myanmar vừa được gỡ bỏ cấm vận), khung chiến lược khuyến nghị các nước GMS cần tăng cường tập trung phát triển vận tải đa phương thức, chú trọng kết hợp vận tải đường sắt; cải thiện an toàn đường bộ; đảm bảo rằng các đánh giá về biến đổi khí hậu được lồng ghép vào các dự án phát triển giao thông.

Về đường sắt, các nước thống nhất ưu tiên nghiên cứu xác định lại các tuyến đường sắt nối giữa các nước, những khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khai thác vận hành và kết cấu hạ tầng; xác định ga đường sắt biên giới giữa các nước, thành lập Hiệp hội Đường sắt GMS. 

Trong khuôn khổ hợp tác này, Việt Nam bằng nội lực của mình cùng với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ đã và đang hoàn thành hàng loạt các kết nối hành lang đối ngoại quan trọng. Cụ thể với Trung Quốc, chúng ta đã đưa vào sử dụng hoàn chỉnh cao tốc Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (từ tháng 12/2015). Trước năm 2020 sẽ hoàn chỉnh và đưa vào khai thác cao tốc Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, tiếp theo là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái - Bằng Tường. 

Với Lào, chúng ta có tuyến cảng Đà Nẵng - Đông Hà theo QL1 - Lao Bảo theo QL9 - QL9 của Lào - Thái Lan - cảng Dawei (Myanmar). Với chiều dài khoảng 1.450km, đây là tuyến hành lang quan trọng, rút ngắn cự ly vận chuyển bằng đường bộ từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương và ngược lại, chỉ mất 3 ngày bằng đường bộ, trong khi đi bằng đường biển phải mất tới 10 ngày. Sắp tới, trên cơ sở hướng tuyến Đông - Tây đang được khai thác nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam và Lào đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến tuyến hành lang từ Myanmar đi Thái Lan tới Lào (qua cầu Hữu nghị số 5 giữa Lào và Thái Lan) và chạy theo đoạn Pặc San - Thanh Thủy - Vinh về cảng Vũng Áng. Đây là một nhánh trong cao tốc chiến lược Hà Nội - Viêng Chăn.

Với Campuchia, hành lang phía Nam và hành lang ven biển phía Nam đã được ADB hỗ trợ xây dựng. Việt Nam và Campuchia cũng vừa ký kết thúc đẩy đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Phnompenh dài 180km. Từ TP. Hồ Chí Minh kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải và từ Phnompenh sẽ kết nối tiếp sang Thái Lan và hành lang phía Nam. 

Bản ghi nhớ “Thu hoạch sớm” - cơ hội lớn cho logistics Việt Nam

Cang Cai Mep - Thi Vai don tau 160.000 tan
Cảng Cái Mép - Thị Vải đón tàu 160.000 tấn

 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 6 diễn ra vào ngày 31/3 vừa qua, đại diện 6 nước đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc bổ sung thêm các hành lang mà các nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng để tổ chức vận tải qua biên giới vào Nghị định thư số 1. Việt Nam có hai tuyến là QL12 qua cửa khẩu Chalo và QL8 được kiến nghị bổ sung lần này để khai thác hiệu quả cảng Vũng Áng và hành lang Đông - Tây (Vũng Áng - đường 12 qua Lào và sang Thái Lan). Bên cạnh đó, sẽ cho phép kết nối các tuyến hành lang mới, xuyên biên giới các nước.

Hội nghị kết thúc thành công với Lễ ký Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS - CBTA giữa các nước thành viên GMS và ra Tuyên bố chung Hội nghị Ủy ban hỗn hợp lần thứ 6. Bản ghi nhớ này sẽ là một hiệu lệnh để các nước cùng lúc thực hiện theo các cam kết đã thỏa thuận trong khuôn khổ GMS. 6 nước sẽ thống nhất quy trình tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình một cửa/một lần dừng; Quy trình bảo lãnh cho phương tiện qua biên giới được thuận tiện; Quy định một loại giấy phép chung để phương tiện có thể đi qua tất cả các nước thành viên đã tham gia ký kết trên các tuyến hành lang đã thống nhất. Ngoài ra, các bên sẽ cấp 500 giấy phép theo Nghị định thư số 3 của Hiệp định CBTA và công nhận lẫn nhau, chấp nhận các giấy phép này; Thực thi các chế độ của Hiệp định về tạm nhập phương tiện cơ giới, dựa trên Điều 18 của Hiệp định, cho phép tạm nhập mà không phải nộp các loại thuế nhập khẩu, không phải bảo lãnh hải quan...

Việc ký kết Bản ghi nhớ sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho phép nhiều loại xe vận chuyển hàng hóa và người xuyên biên giới các nước, nhiều hàng hóa sẽ được vận chuyển đường bộ, qua đó giảm chi phí logistics

Ý kiến của bạn

Bình luận