Tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 31/10/2015 08:14

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, vấn nạn xe quá tải đã được xử lý nghiêm cùng những giải pháp xử lý đi vào gốc rễ.

Quyết liệt xử phạt vi phạm

Theo báo cáo của Bộ GTVT về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTPT), trong 10 tháng đầu năm, 2 Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) cố định và 63 Trạm KTTTX lưu động kiểm soát tải trọng (KSTTX) xe 24/24h và 7/7 ngày trong tuần. Từ 1/1 đến 20/10, các Trạm KTTTX trên cả nước đã kiểm tra 387.017 xe, trong đó có 37.251 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 9,6%; hạ tải 66.500 tấn hàng (đối với 12.661 xe), tước 12.247 Giấy phép lái xe (GPLX), xử phạt nộp kho bạc nhà nước 200 tỷ đồng.

Qua quá trình kiểm tra 62 đầu mối bốc xếp hàng hóa trọng điểm trên cả nước, Đoàn Thanh tra Bộ GTVT phối hợp CSGT,Bộ Công an đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân do có vi phạm về xếp hàng lên xe ô tô vượt quá tải trọng cho phép; giao Sở GTVT địa phương xử phạt vi phạm hành chính và tiếp tục kiểm tra làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm về tải trọng phương tiện để xử phạt vi phạm hành chính đối với 329 trường hợp vi phạm, tổng số tiền đã xử phạt là 660,5 triệu đồng.

rps20151030_185624
Lực lượng Thanh tra giao thông Cục QLĐB 1 quyết liệt xử lý trường hợp xe quá tải có biểu hiện không hợp tác

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện và lập biên bản 44.335 trường hợp vi phạm (vi phạm quá tải: 40.572 trường hợp, vi phạm kích thước: 3.763 trường hợp); xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 72,609 tỷ đồng, tạm giữ 193 phương tiện, tước quyền sử dụng 1.750 GPLX; xử lý hạ tải đối với 3.002 phương tiện vi phạm với 10.797 tấn hàng.

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm kích thước thùng hàng, các Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra 13.359 xe, xử lý cưỡng chế 5.318 xe, tổng số xe đã khắc phục 635 xe; các Cục QLĐB đã kiểm tra 6.887 xe, trong đó có 1.400 xe vi phạm (cắt tại chỗ 461 xe; lái xe, chủ xe tự khắc phục 632 xe, giữ tem kiểm định 291 xe, 16 xe sử dụng biện pháp xử lý khác).

Cùng với đó, các tổ cơ động, đột xuất thuộc các Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) đã xử lý hành vi vi phạm về tải trọng và kích thước thùng hàng đối với 2.264 xe, xử phạt 37,882 tỷ đồng, đã nộp phạt 24,282 tỷ đồng.

Trên cơ sở nội dung phản ánh của người dân và thông tin từ báo chí, Bộ GTVT đã thành lập các Đoàn kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, một số doanh nghiệp (DN) khai thác cảng, bến được kiểm tra chưa quan tâm việc KSTTPT ra, vào cảng, bến bốc xếp hàng hóa; có 32 xe ô tô của 33/48 đơn vị vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm xếp hàng lên xe ô tô vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông.

Liên quan đến công tác KSTTPT xe khách, hiện nay cả nước có 9.097 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã được cấp phép kinh doanh vận tải với 111.692 xe ô tô chở khách (trong đó có 51.300 xe taxi), đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng và du lịch là 7.145 đơn vị với 33.651 xe ô tô. Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra vận tải hành khách, kiểm tra vận tải hàng hóa bằng container, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm như chở quá số người quy định; chở hàng hóa, hành lý trên xe không đúng quy định, cụ thể nhiều xe khách chở hàng hóa nguy hiểm, hàng nặng như gỗ, thiết bị máy móc, xe máy… trên nóc phương tiện, trong khoang chở khách, trong hầm chở hàng, hành lý.

Tại cuộc họp kiểm điểm 10 tháng triển khai KSTTX, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhận định, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống xe quá tải, kết quả thu được tương đối khả quan, xe quá tải đã giảm mạnh, công tác đảm bảo ATGT và KSTTX đã có bước tiến đáng kể góp phần giảm thiểu TNGT cả 3 tiêu chí.

Bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm được làm nghiêm túc, góp phần phát triển các phương thức vận tải, tạo lập lại thị trường vận tải lành mạnh, bình đẳng. Đặc biệt, sự lành mạnh trong kinh doanh vận tải đã giúp cho các Doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng cũng tuyên dương sự vào cuộc tích cực, chặt chẽ của nhiều địa phương đã góp phần đáng kể trong việc giảm 85% xe quá tải. Con số 15% xe quá tải còn lại hiện nay tuy không lớn nhưng đang gặp nhiều vướng mắc đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng.

Tăng cường thực hiện các giải pháp KSTTPT 

Cũng tại buổi họp kiểm điểm 10 tháng KSTTPT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trên cơ sở những khó khăn vướng mắc hiện nay, phương hướng thực hiện trong thời gian tới của các cơ quan hữu quan sẽ tập trung thực hiện tối đa hiệu quả công tác KSTTPT. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp hữu hiệu đánh mạnh vào tận gốc của vấn nạn quá tải.

IMG_9877_Snapseed
Trong 2 tháng cao điểm cuối năm, các cơ quan hữu quan sẽ tập trung thực hiện tối đa hiệu quả công tác KSTTPT

Cụ thể, Tổng cục ĐBVN sẽ xử lý trách nhiệm của Nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công trong việc KSTTPT trong phạm vi Dự án công trình; đôn đốc, giám sát và phối hợp với các nhà đầu tư BOT đã lắp đặt hệ thống cân KTTTX, yêu cầu các nhà đầu tư phải đưa bộ cân vào hoạt động từ ngày 1/1/2016 để xử phạt các xe vi phạm.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị, Tổng cục ĐBVN cần bố trí lực lượng “nằm vùng” tại các địa phương để nắm bắt cụ thể thực trạng và báo cáo với Bộ để có chỉ đạo xử lý hiệu quả. Đặc biệt tại các địa phương chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện.

Đối với các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, chỉ đạo Giám đốc Cảng vụ, công chức thanh tra tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN khai thác cảng, bến, nhà ga, công trình, dự án lớn thực hiện đúng quy định và cam kết về việc xuất, nhập hàng trên xe ô tô đảm bảo đúng tải trọng.

Cùng với đó, các Sở GTVT cần tăng cường phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trên  địa bàn sử dụng cân xách tay tiến hành kiểm tra việc xếp hàng hóa lên xe ô tô và tải trọng phương tiện ở trong và ngoài khu vực cảng, bến, nhà ga, các  đầu mối xếp hàng như mỏ, kho, bãi, khu tập kết hàng hóa, vật liệu, các đường nhánh…; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời thông báo công khai các DN, chủ cảng, bến, nhà ga vi phạm và bị xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, các Sở GTVT ban hành quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương khi để xảy ra tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác quản lý nội bộ nhằm gắn trách nhiệm của lực lượng Thanh tra trong thực thi công vụ như thường xuyên thay đổi vị trí đặt trạm cân, thực hiện việc luân chuyển cán bộ làm việc tại trạm KTTTX lưu động. Đồng thời, Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Thanh tra Bộ Công an tăng cường kiểm tra đột xuất và chấn chỉnh việc thực thi cong vụ của lực lượng KSTTX của 2 ngành.

IMG_9512_Snapseed
Ngoài CSGT, Bộ Công an sẽ huy động các lực lượng cảnh sát liên quan khác để kiểm soát triệt để tải trọng phương tiện

Bộ công an tiếp tục huy động các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát cơ động, Công an cấp huyện… điều tra, giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi “hối lộ”, “cò”, “môi giới dẫn xe” vượt hoặc né tránh điểm KTTTX, hành vi chống đối, phá hoại cân KTTTX.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các địa phương phải gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở cấp huyện, xã nếu để xe quá tải hoạt động tại khu vực các mỏ, các công trình xây dựng trên địa bàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận