Đây chính là phát hiện của Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sau nhiều đợt thanh tra từ đầu năm đến nay tại 89 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố… Đáng buồn là thực trạng này không chỉ ở 89 doanh nghiệp trên…
Còn nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm luật lao động
Theo Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tăng Tiến Sơn, không thể phủ nhận những cố gắng của doanh nghiệp trong việc cố gắng bảo đảm chế độ phúc lợi cho người lao động trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều quyền lợi cơ bản, chính đáng của người lao động bị bỏ qua như bảo đảm an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Một trong những vi phạm phổ biến ở nhiều doanh nghiệp đó là chưa quan tâm thực hiện nghiêm các chế độ liên quan tới lao động nữ như nghỉ khám thai, thanh toán thai sản, thời gian nghỉ cho con bú, bố trí công việc phù hợp cho lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 và lao động nữ trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản…Trong đó, không ít doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng tiền BHXH khiến người lao động không được hưởng quyền lợi như BHYT, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu...như luật quy định.
Không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đến quyền lợi cơ bản của người lao động (ảnh mang tính minh họa) |
Trước đó, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thanh tra tại 12/12 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về việc chậm nộp BHXH cũng phát hiện không ít doanh nghiệp cố tình không ký hợp đồng lao động, tham gia BHXH, BHTN, chế độ đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại…Điển hình, Công ty TNHH thời trang Việt Thường chưa ký hợp đồng lao động cho 68 người; Công ty TNHH ILJO Việt Nam chưa ký hợp đồng lao động với 5 người. Công ty cổ phần may Hồ Gươm và Công ty cổ phần may Trường Sơn chưa ký hợp đồng lao động với 156 người. Công ty cổ phần hợp tác lao động với nước ngoài INLACO Hải Phòng, Công ty TNHH thời trang Việt Thường, Công ty TNHH ILJO Việt Nam và Công ty cổ phần may Trường Sơn chưa cộng 5% vào tiền lương để tham gia BHXH đối với lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại. Đoàn thanh tra lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 10/12 doanh nghiệp, điều đó cho thấy mức độ vi phạm pháp luật lao động, BHXH tại các doanh nghiệp được thanh tra là khá phổ biến.
Mở rộng hoạt động thanh tra, kiểm tra
Theo ông Nguyễn Văn Dụng, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là càng thu được nhiều lợi nhuận càng tốt, kể cả việc vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn, điều kiện làm việc, thiết bị không bảo đảm và không loại trừ cả việc vi phạm quyền lợi của người lao động nếu những vi phạm này chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, để hạn chế vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người lao động, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường các biện pháp xử lý công khai vi phạm, nhất là với các doanh nghiệp vi phạm nhiều, doanh nghiệp được nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, người lao độngcũng cần trang bị kiến thức pháp luật, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong thực hiện pháp luật lao động. Cùng với đó, tổ chức công đoàn khẳng định vị thế, vai trò trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Cụ thể, cùng với Thanh tra ngành Lao động Thương binh và Xã hội, các cấp công đoàn tăng cường tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm. Đồng thời tham mưu, đề xuất mở rộng hoạt động thanh tra, giám sát đến các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì chỉ tập trung vào những doanh nghiệp đông lao động như hiện nay để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, có một thực tế được phát hiện trong quá trình thanh tra đó là tình trạng một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHXH nên làm đơn đề nghị doanh nghiệp không tham gia BHXH, thậm chí bỏ việc nếu doanh nghiệp đóng BHXH cho họ, bởi lý do lương thấp, không muốn trích nộp BHXH. Mặt khác, số lao động này xác định chỉ làm việc thời vụ, không gắn bó với doanh nghiệp lâu dài nên không mặn mà với việc tham gia BHXH. Theo đó, cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm, lợi ích khi tham gia BHXH đối với người lao động, nhất là tại các doanh nghiệp dệt may, da giày có số lượng lao động lớn song không ổn định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.