Tăng trưởng ngoạn mục, cách nào để hàng không tiếp tục "bùng nổ"?

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Vận tải 12/12/2022 15:40

Nhìn lại năm 2022 cho thấy, ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế, cuộc sống dần trở lại bình thường, hàng không đã chớp thời cơ rất tốt để đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, để tiếp tục "bùng nổ" trong năm 2023 sẽ cần nhiều yếu tố.

Tăng trưởng lượng khách ấn tượng

Theo Cục Hàng không VN, trong tháng 11 đã có 8,67 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với tháng 11/2021. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,67 triệu khách, tăng 2.706,2% so với tháng 11/2021; Khách nội địa đạt 7 triệu khách, tăng 508,9% so với tháng 11/2021.

Tăng trưởng ngoạn mục, hàng không sẽ tiếp tục "bùng nổ" năm 2023?   - Ảnh 1.

Sản lượng bay nội địa cao điểm 30/4 năm nay vượt đỉnh năm 2019 (ảnh: NIA)

Tính chung 11 tháng đầu năm, đã có 90,8 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 221% so với cùng kỳ năm 2021; Khách quốc tế đạt 9,8 triệu khách, tăng 2.041%% so với cùng kỳ năm 2021.

Số lượng hành khách nội địa có xu hướng tăng mạnh, đạt 81 triệu khách thông qua, tăng 191,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 18,4% so với cùng kỳ 2019.

Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 45 triệu khách, tăng 217,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vận chuyển 4,4 triệu khách quốc tế, tăng 3.145,8% so với cùng kỳ 2021, nhưng giảm 72,5% so với cùng kỳ 2019.

Cùng đà tăng trưởng mạnh mẽ, thông tin từ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, 11 tháng đầu năm, điều hành bay đi/đến đạt 422 nghìn chuyến, tăng 182% so với cùng kỳ năm 2021; Điều hành bay quá cảnh đạt 155 nghìn chuyến, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ sở nào để hàng không tiếp tục "bùng nổ" năm 2023?

Những ngày đầu tháng 12, một tin vui đến với ngành hàng không Việt Nam khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách phòng/chống dịch Covid-19. Gần như ngay sau đó, Vietnam Airlines công bố chính thức mở lại một số đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 9/12/2022, sau gần 3 năm tạm dừng vì đại dịch bùng phát.

Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ nối lại ba đường bay đến Trung Quốc bao gồm giữa Tp. Hồ Chí Minh và Quảng Châu từ ngày 9/12, khởi hành vào Thứ Sáu hàng tuần; giữa Hà Nội và Thượng Hải từ ngày 12/12 với tần suất 2 chuyến/tuần vào thứ Hai, Thứ Sáu; giữa Tp. Hồ Chí Minh với Thượng Hải từ ngày 14/12, khởi hành vào Thứ Tư hàng tuần.

Trước đó, Bamboo Airways hoàn tất chuyến bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội tới Thiên Tân, một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, vào ngày 6/12. Bamboo Airways dự kiến triển khai các chuyến bay khứ hồi giữa hai điểm này vào thứ ba hàng tuần, thời gian bay khoảng ba giờ.

Với Vietjet, hãng cũng đang lên kế hoạch khai thác từng bước thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm tới 20% tổng doanh thu mạng bay quốc tế của hãng.

Cần phải nói thêm rằng, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và ngược lại. Đồng thời, nước này là một trong những thị trường giàu tiềm năng và quan trọng hàng đầu đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Giai đoạn 2015-2019, trước khi bùng phát Covid-19, du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nguồn khách lớn nhất vào Việt Nam, với 5,8 triệu lượt.

Tăng trưởng ngoạn mục, hàng không sẽ tiếp tục "bùng nổ" năm 2023?   - Ảnh 2.

Hành khách làm thủ tục tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (ảnh: NIA)

Đề cập đến lý do chính dẫn đến sự phục hồi về sản lượng vận chuyển hàng không, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không (VABA) cho rằng, đó là do dịch Covid-19 đã được kiểm soát có hiệu quả và các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới, đồng nghĩa với hầu như không có hạn chế về việc đi lại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi ngay từ khi dịch bệnh còn đang bùng phát mạnh mẽ. Đặc biệt, các hãng hàng không lớn đều đã tích cực chuẩn bị và mở thêm các đường bay mới ở trong nước và quốc tế đi cùng các chính sách về giảm giá để kích cầu.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân vẫn lớn tuy nhiên dịch bệnh kéo dài 2 năm ở Việt Nam khiến thu nhập của người dân giảm, làm giảm khả năng thanh toán cho phương tiện đi lại bằng đường hàng không. Thực tế này dẫn tới ngành hàng không sẽ phải nỗ lực vượt bậc trong những thời gian cao điểm và hoạt  động cầm chừng ở những giai đoạn thấp điểm.

Bên cạnh đó, thị trường hàng không vẫn còn chịu ảnh hưởng từ việc cho phép mở lại các đường bay quốc tế, đặc biệt là một số nước có đông khách đến Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Khách từ Nga cũng khó có thể đi lại với Việt Nam làm các hãng hàng không mất một lượng lớn khách bay, làm chậm lại quá trình phục hồi các đường bay quốc tế để đạt mức như trước khi có dịch Covid-19.

Để các doanh nghiệp hàng không tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tiến tới đạt và thậm chí vượt đỉnh 2019, theo ông Dũng, trước mắt cần hoàn thiện công tác tổ chức, điều tiết hệ thống giao thông và đẩy nhanh một cách đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không đã được phê duyệt, đảm bảo sự kết nối các phương tiện vận chuyển hàng không và đường bộ đối với những cảng hàng không trọng điểm, lưu lượng khách thông qua ở mức cao.

"Ngoài ra, đẩy mạnh việc đàm phán với các quốc gia mà trước đây có lượng lớn hành khách tới Việt Nam để mở cửa và đẩy mạnh giao thông hàng không nhằm nhanh chóng phục hồi lại và mở rộng thêm các tuyến đường bay quốc tế. Đồng thời tiếp tục các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho tới khi thị trường quốc tế được phục hồi đầy đủ", Chủ tịch VABA cho biết thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận