Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (dự thảo đang được Bộ GTVT lấy ý kiến). Quy định về quản lý hoạt động tàu lặn cũng là một trong những nội dung bổ sung mới so với quy định trước đây (chưa có hoặc hoạt động theo dạng thí điểm).
2.555 lượt khách trải nghiệm dịch vụ tàu lặn, không có sự cố
Theo báo cáo của Bộ GTVT về tình hình triển khai thí điểm dịch vụ tàu lặn chở khách tại Vịnh Nha Trang, việc thí điểm dịch vụ tàu lặn được thực hiện trong 2 đợt.
Đợt 1 (từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2023) đã đào tạo được 5 thuyền viên tàu lặn. Trong đó, bao gồm 3 thuyền trưởng tàu lặn, 2 thuyền phó tàu lặn như quy định tại Giấy chứng nhận Định biên an toàn tối thiểu tàu lặn.
Thống kê của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, đến nay, Công ty Cổ phần Vinpearl đã thực hiện được 159 chuyến với 2.555 lượt khách. Các chuyến lặn chở khách đều được thực hiện an toàn, không có sự cố phát sinh.
Thí điểm đợt 2 bắt đầu từ ngày 16/7/2023 đến nay. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Vinpearl đã dừng tổ chức hoạt động lặn để thực hiện bảo dưỡng định kỳ tàu lặn. Đồng thời, làm việc với các cấp có thẩm quyền để được gia hạn các Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm tàu lặn, các phương tiện hỗ trợ liên quan, bến phao neo. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã gia hạn thời gian thí điểm hoạt động dịch vụ tàu lặn đến hết tháng 7/2024.
Theo Bộ GTVT, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tàu lặn du lịch nên việc áp dụng các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ năng chuyên môn để kiểm tra việc duy trì tình trạng an toàn của tàu lặn gặp khó khăn.
Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản dưới luật mới có quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu lặn. Chưa có các quy định về thuyền viên và quản lý khai thác tàu lặn. Do đó, Bộ GTVT cho rằng việc xây dựng các quy định pháp luật về tàu lặn là cần thiết để trước khi kết thúc gia hạn thí điểm đợt 2 (tháng 7/2024) tàu lặn có thể được đưa vào khai thác vận hành.
Ngoài ra, công tác quản lý hoạt động tàu lặn cần có quy định pháp luật điều chỉnh sau 2 đợt triển khai thí điểm. Quá trình triển khai thực hiện, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan, đặc biệt là vai trò của Bộ Quốc phòng trong tổ chức điều tra tai nạn, sự cố đối với tàu lặn.
Vì vậy, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017, trong đó có đề nghị xây dựng nội dung quản lý hoạt động tàu lặn.
Tại Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu tham quan du lịch, vui chơi giải trí của người dân ngày càng tăng cao, nhất là hoạt động gắn liền với sông nước, du lịch biển. Mô hình tàu lặn du lịch là một sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đầu tiên có mặt tại Việt Nam không những đa dạng hóa dịch vụ, thu hút du khách du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đồng thời cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế về hệ sinh thái phong phú, đa dạng tại Việt Nam.
Bên cạnh lợi ích về phát triển kinh tế du lịch, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của loại hình phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi giải trí dưới nước thuộc phạm vi hàng hải chưa được quy định đầy đủ, cụ thể, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 mới chỉ quy định về đăng ký và đăng kiểm đối với loại phương tiện này, các văn bản dưới luật liên quan cũng chưa hướng dẫn cụ thể.
Quản lý hoạt động tàu lặn thế nào?
Theo Tờ trình Chính phủ, tàu lặn có đặc thù thiết kế riêng biệt, theo đơn đặt hàng không có sản xuất đồng loạt như các phương tiện khác nên hướng quản lý hoạt động tàu lặn theo vùng hoạt động tàu lặn và xem xét phê duyệt phương án đưa tàu lặn vào hoạt động cho từng tàu lặn. Việc quy định như dự thảo sẽ bảo đảm quản lý các loại tàu lặn có mục đích khác nhau như tàu lặn chở khách, tàu lặn phục vụ khảo sát, nghiên cứu. Quy định hoạt động tàu lặn có các bước: đề nghị chấp thuận vùng hoạt động; đáp ứng điều kiện thuyền viên tàu lặn (thuyền viên điều khiển tàu lặn, thuyền viên hỗ trợ điều khiển tàu lặn); đề nghị phê duyệt Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động.
Vùng hoạt động tàu lặn do Cục Hàng hải Việt Nam xem xét hồ sơ đề nghị của tổ chức và chấp thuận sau khi lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan.
Về quy định đào tạo, huấn luyện tàu lặn: Thuyền viên làm việc trên tàu lặn gồm có thuyền viên điều khiển tàu lặn, thuyền viên hỗ trợ điều khiển tàu lặn. Vì tàu lặn sản xuất theo thiết kế riêng biệt nên việc đào tạo, huấn luyện người phục vụ cho hoạt động lặn không giao cho cơ sở đào tạo, cơ sở đào tạo tại Việt Nam không có phương tiện để huấn luyện thực hành.
Theo thực tế quản lý hoạt động tàu lặn hiện nay, việc cấp chứng chỉ vận hành tàu lặn do nhà sản xuất cấp. Để bảo đảm an toàn và tiêu chuẩn thuyền viên làm việc trên tàu lặn, dự thảo Nghị định quy định điều kiện thuyền viên điều khiển tàu lặn, thuyền viên hỗ trợ tàu lặn phải: Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định và đảm bảo tuổi lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản của thuyền viên tàu biển; Có chứng chỉ về vận hành tàu lặn được nhà sản xuất cấp; Ngoài đáp ứng các quy định nêu trên, thuyền viên điều khiển tàu lặn phải: Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển, trình độ cao đẳng trở lên; Đã đảm nhiệm chức danh sỹ quan boong tàu biển 6 tháng trở lên; Có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho vị trí điều khiển tàu lặn được nhà sản xuất cấp. Thuyền viên hỗ trợ điều khiển tàu lặn phải: Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển, trình độ trung cấp trở lên; Đã đảm nhiệm chức danh thủy thủ trực ca AB 6 tháng trở lên; Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho thuyền viên hỗ trợ điều khiển tàu lặn được nhà sản xuất cấp.
Về định biên an toàn tối thiểu tàu lặn: Định biên an toàn tối thiểu tàu lặn được bố trí theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không ít hơn số lượng thuyền viên tàu lặn được ghi trên Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu lặn; Chủ tàu lặn có trách nhiệm bố trí đủ định biên làm việc trên tàu lặn theo quy định.
Về phê duyệt Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động: Cảng vụ hàng hải tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động theo quy định (bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu lặn; Quyết định giao khu vực biển; Phương án bố trí người khai thác tàu lặn; Phương án bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và tìm kiếm cứu nạn) và lấy ý kiến của các cơ quan (Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố; Sở Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan) để xem xét chấp thuận Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động. Phương án đưa tàu lặn vào hoạt động sẽ chấm dứt với một số trường hợp, trong đó có trường hợp không tổ chức hoạt động trong thời gian 12 tháng kể từ ngày phê duyệt phương án.
Thực hiện hoạt động lặn: Chậm nhất trước 1 giờ mỗi chuyến lặn, tổ chức khai thác hoạt động tàu lặn phải gửi thông báo bằng văn bản hoặc fax hoặc email đến Cảng vụ hàng hải thông tin của thuyền viên tàu lặn và hành khách trên tàu lặn. (bao gồm các nội dung chính: Tên tàu lặn; Họ, tên, chức danh thuyền viên tàu lặn; Họ và tên hành khách; Số định danh cá nhân đối với người Việt Nam, số hộ chiếu đối với người nước ngoài) để thực hiện công tác giám sát kiểm tra.
Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của tổ chức khai thác hoạt động lặn; Trách nhiệm của Thuyền trưởng tàu mẹ hỗ trợ tàu lặn, thuyền viên điều khiển tàu lặn, thuyền viên hỗ trợ điều khiển tàu lặn; Trách nhiệm của hành khách; Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải; Quy định về công tác phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động lặn; Báo cáo tai nạn, sự cố; Điều tra tai nạn, sự cố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.