Trình Chính phủ nghị định quản lý tàu lặn và tuyến vận tải hãng tàu nước ngoài trong tháng 8/2024

Tác giả: M. Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/04/2024 14:07

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, trong quá trình xây dựng nghị định, các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách quy định về công tác quản lý tàu lặn và quản lý tuyến vận tải cố định đối với các hãng tàu nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam.

Trình Chính phủ nghị định quản lý tàu lặn và tuyến vận tải hãng tàu nước ngoài trong tháng 8/2024- Ảnh 1.

Dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang là một sản phẩm du lịch biển độc đáo, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2127/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:

Thông qua đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định theo khoản 2 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2024. Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Ngoại giao nghiên cứu, thống nhất tên gọi của Nghị định phù hợp với phạm vi điều chỉnh, nội dung sửa đổi, bổ sung; đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách quy định về công tác quản lý tàu lặn và quản lý tuyến vận tải cố định đối với các hãng tàu nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam.

Khi Nghị định phát sinh nội dung quy định thuộc trường hợp tại khoản 3, Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp xác định rõ nội dung và căn cứ, báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Được biết, dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang là một sản phẩm du lịch biển độc đáo, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Trong đó, Công ty cổ phần Vinpearl đã thực hiện thí điểm dịch vụ tàu lặn tại khu vực Bãi Bàng và khu vực Hòn Một trong Vịnh Nha Trang từ tháng 2/2021 đến tháng 4/2023.

Trong quá trình triển khai hoạt động thí điểm, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức rà soát, nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, hoạt động lặn mới được thí điểm nên chưa đủ thời gian để có thể đánh giá toàn diện công tác an toàn, đào tạo thuyền viên, tìm kiếm cứu nạn… Đây là khó khăn dẫn đến việc hoàn thành đầy đủ việc bổ sung quy định pháp luật về hoạt động tàu lặn cho phù hợp thực tế hoạt động hàng hải

Trên cơ sở nội dung đề xuất của Công ty cổ phần Vinpearl và đề nghị của Bộ GTVT, ngày 12/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký văn bản số 635/TTg-CN đồng ý gia hạn thời gian thí điểm triển khai hoạt động dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang đến hết tháng 7/2024.

Trình Chính phủ nghị định quản lý tàu lặn và tuyến vận tải hãng tàu nước ngoài trong tháng 8/2024- Ảnh 2.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải sẽ bổ sung quản lý tuyến vận tải cố định đối với các hãng tàu nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Trong khi đó, mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cũng cho biết, hiện nay các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng tàu nước ngoài trong việc giao thương, khai thác tại cảng của quốc gia, lãnh đạo Visab đánh giá với hiện trạng hoạt động của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển, logistics và công tác quản lý của Nhà nước.

Dẫn chứng gần 100% sản lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận, phía Visaba chỉ ra thực tế các hãng tàu nước ngoài ra vào cảng, mở tuyến không cần phải báo cáo vì pháp luật hiện hành của Việt Nam không có quy định về đăng ký, quản lý tuyến vận tải.

Ý kiến của bạn

Bình luận