Tàu hải dương học Kexue của Trung Quốc. |
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), con tàu nghiên cứu hiện đại nhất của Trung Quốc Kexue đã hoạt động ở "sân sau" của căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Xu Kuidong tại Viện Hải dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở thành phố Thanh Đảo và là nhà đứng đầu nhóm nghiên cứu hoạt động trên tàu Kexue cho hay, tàu nghiên cứu Trung Quốc đã hoạt động "ngay dưới mũi của các máy bay tình báo Mỹ".
Trong khi đó, đảo Guam hiện là nơi đóng quân của lực lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh của Mỹ, hoạt động ở khu vực Biển Đông. Guam cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen. Từ căn cứ ở đảo Guam, các máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ có thể nhanh chóng được triển khai tới gần các vùng xung đột như ở bán đảo Triều Tiên.
Ông Xu khẳng định, các nhà khoa học Trung Quốc đều nhận thức được "mức độ nhạy cảm" của khu vực hoạt động. "Bởi khu vực này nằm trong chuỗi đảo thứ hai bao gồm các đảo trải dài từ khu vực bờ biển phía đông Nhật Bản tới đảo Bonin, đảo Mariana, đảo Guam và quốc đảo Palau", ông Xu nói.
Mỹ hiện xem khu vực này là rào cản chính để ngăn Trung Quốc nhanh chóng mở rộng năng lực hàng hải và mở rộng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
"Các máy bay P-3 đã bay ở tầm thấp và tạo ra tiếng ồn. Mỹ nên hiểu rằng họ không thể vượt quá ranh giới. Đây là vùng biển quốc tế. Họ không có quyền can thiệp vào công việc của chúng tôi. Họ nên quen dần với sự hiện diện của Trung Quốc. Vùng biển này không thuộc quyền sở hữu của Mỹ mà là của toàn thế giới", SCMP dẫn lời ông Xu.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành khảo sát ở Caroline, một dãy núi lớn hơn 3.000 m nằm dưới đáy biển và phần đỉnh cao nhất của núi Caroline thấp hơn mặt nước biển khoảng 30 m. Tuy nhiên, Caroline được xem là một điểm nguy hiểm đối với hoạt động của tàu ngầm.
Theo ông Xu, tàu Kexue được trang bị các trang thiết bị hiện đại và đã phát hiện ra nhiều "khám phá lý thú".
Cụ thể, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện dãy núi dưới đáy biển trên từng là một hòn đảo với điểm cao nhất của nó đạt đến 1.700 m so với mực nước biển. Các hố và vách đá trên bề mặt núi được tạo ra do sóng thủy triều bào mòn. Ông Xu cho hay, các phát hiện này sẽ được chia sẻ với quân đội Trung Quốc và các nhóm có lợi ích khác trong chính phủ nước này.
Điều đáng nói, dãy núi Caroline nằm ngay giữa đảo Guam và Liên bang Micronesia, một đảo quốc nằm bên ngoài chuỗi đảo thứ hai.
Theo ông Tom Matelski, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, Trung Quốc đang tìm hiểu để xây dựng một căn cứ quân sự ở Micronesia.
Micronesia có dân số khoảng 110.000 người và đã nhận nhiều khoản viện trợ lớn cũng như đầu tư từ Trung Quốc kể từ năm 2003. Số tiền Trung Quốc đầu tư đã giúp Micronesia xây dựng nhiều nông trại có quy mô lớn nhất cả nước, trường học, cầu đường và nhà máy điện cũng như tòa nhà cho Tổng thống và các quan chức cấp cao chính phủ.
Do thiếu năng lực quân sự, Micronesia đã phải phụ thuộc lớn vào Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, vào năm 2015, các quan chức Micronesia đã đưa ra nghị quyết dừng quan hệ đối tác với Mỹ vào đầu năm 2018.
"Nếu như quân đội Trung Quốc đóng quân trên đảo Micronesia, Mỹ có thể mất đi khả năng tiếp cận các đường dây liên lạc chiến lược kết nối Thái Bình Dương với hai vùng biển quan trọng là biển Hoa Đông và Biển Đông", ông Matelski chia sẻ.
Song cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Trung Quốc sẽ sớm cho xây dựng một căn cứ quân sự ở Micronesia. Bởi duy trì hoạt động của một tiền đồn quân sự là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhất là khi khu vực này nằm cách xa Trung Quốc.
"Tuy nhiên, có thể trong 20 năm tới, chúng tôi sẽ xây căn cứ ở Micronesia", ông Xu nói.
Còn theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp hồi tháng Ba ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc Tổng thống Micronesia Peter Christian cùng khai thác tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, ngư nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Về phần mình, Tổng thống Christian khẳng định Micronesia sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.