Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 cất cánh hôm 22/7. Ảnh: Indian Times. |
Theo CNN, tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ dự kiến hạ cánh xuống Mặt Trăng hôm 7/9. Tuy nhiên, liên lạc giữa tàu này và trung tâm điều khiển tại Trái Đất bị ngắt ngay trước khi con tàu đổ bộ lên Mặt Trăng.
"Chúng tôi vẫn quan sát thấy hoạt động bình thường cho tới khi con tàu giảm xuống độ cao 2,1 km. Sau đó, liên lạc giữa tàu đổ bộ và Trái Đất bị mất. Dữ liệu đang được phân tích", K. Sivan, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ, cho biết.
Tàu Chandrayaan-2 khởi hành từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan tại miền Nam bang Andhra Pradesh hôm 22/7. Con tàu nặng 3,8 tấn, mang theo 13 kiện hàng hóa, với 3 cấu phần chính: thiết bị bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng, tàu đổ bộ và xe tự hành trên bề mặt Mặt Trăng.
Khác với các nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng trước đây của các nước, Ấn Độ dự kiến hạ cánh tàu đổ bộ tại vùng tối của Mặt Trăng. Trước khi mất liên lạc, tàu đổ bộ của Ấn Độ đang cố gắng tiếp cận khu vực gần cực Nam, giữa hai miệng núi lửa.
Ở giai đoạn tiếp theo của nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng, xe tự hành sẽ di chuyển trên bề mặt, thu thập khoáng chất và các mẫu vật để tiến hành phân tích hóa học từ xa. Xe tự hành của Ấn Độ tên Pragyan, nghĩa là "thông thái".
Thiết bị đổ bộ gắn kèm tàu vũ trụ Chandrayaan-2. Ảnh: CNN. |
"Chúng ta vẫn hy vọng và sẽ tiếp tục làm việc hết mình đối với chương trình không gian này. Tôi có thể tự hào nói rằng nỗ lực hôm nay, cũng như hành trình khám phá này, rất xứng đáng. Chúng ta đã làm việc chăm chỉ, đã đi được rất xa, những gì học được sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng ta", Thủ tướng Narendra Modi viết trên Twitter hôm 7/9 về chương trình khám phá Mặt Trăng của Ấn Độ.
Đến nay, các nước đã hạ cánh mềm thành công các thiết bị đổ bộ lên Mặt Trăng gồm Mỹ, Trung Quốc, và Liên Xô.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.