Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay lời cộng đồng start-up nói lên những cảm nhận, mong muốn trước các cơ quan quản lý Nhà nước và các quỹ đầu tư trong và ngoài nước |
Đến tham dự Lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và truyền thông trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt chính phủ cảm ơn các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã đồng hành hỗ trợ cùng Việt Nam trong suốt quá trình phát triển KHCN, KTXH, đặc biệt là trong phòng trào không khí các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn chú trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn để hướng tới 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, thông qua các chính sách, nghị quyết như Nghị quyết 19, 35...
Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thăm quan các gian hàng startup |
Cũng nhân dịp có sự hiện diện của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước và các Quỹ tại sự kiện, Thủ tướng đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn như: Thiết lập cơ chế tài chính thu hút vốn; đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư để thành lập Quỹ và thủ tục công nhận Quỹ; Chính phủ, Trung ương, ban ngành và các cấp có thể đầu tư song hành với các Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và không “có giấy phép con”; cải thiện thủ tục tra cứu, bảo hộ sở hữu trí tuệ; thiết lập cơ chế hỗ trợ về thuế, tư vấn; đẩy mạnh nghiên cứu trong trường đại học; khuyến khích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp sẵn sàng mua lại sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Các bộ, ngành hãy bằng những văn bản thật cụ thể, bằng chính sách để tháo gỡ cho doanh nghiệp, vì vậy tinh thần mà chúng ta vẫn nói là những quốc gia khởi nghiệp, tránh để tình trạng công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà không hiểu cụ thể là gì, đến bây giờ chúng ta nói là quốc gia khởi nghiệp, hay khởi nghiệp sáng tạo nhưng cụ thể phải làm gì nhiều người chưa rõ." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáp ứng lại lời kêu gọi của Phó Thủ tướng và thể hiện tinh thần quyết tâm, đoàn kết trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp, tại Lễ khai mạc, Lãnh đạo chính phủ và Lãnh đạo UBND của 3 Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh cùng nhau nâng cao ngọn đuốc, tiếp lửa cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển.
Techfest lần đầu được tổ chức vào năm 2015, với quy mô gần 1.000 người và khoảng 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến dự. Năm nay, quy mô của Techfest 2016 tăng gấp đôi, thu hút khoảng 2.000 lượt người tham dự và 100 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự kiện nhằm kết nối đầu tư và các nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ngoài ra sự kiện còn hướng đến mục tiêu kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, các tọa đàm trong Techfest sẽ được tổ chức theo hướng chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm giữa các chuyên gia- khách mời và người tham dự. Đặc biệt hơn, một hoạt động mới sẽ diễn ra đó là kết nối nhân lực công nghệ cao cho khởi nghiệp từ 100 doanh nghiệp khởi nghiệp với khoảng 200 ứng viên có mong muốn làm việc cho công ty khởi nghiệp.
Techfest 2016 sẽ diễn ra trong 2 ngày 12-13/11.
Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp khởi nghiệp Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương để thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này, làm một trong những nòng cốt để phát triển thị trường KH&CN cũng như phát triển kinh tế xã hội nói chung: Nghị quyết số 05 và 06 của Kỳ họp Trung ương 4 khoá 12; Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.v.v.Trong các Luật và chính sách hiện hành cũng đã có một số quy định liên quan đến khởi sự doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) như: Luật doanh nghiệp; Luật đầu tư; Luật chứng khoán, Luật phá sản, Luật KH&CN; Luật chuyển giao công nghệ; Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (gọi tắt là Nghị định 80). Ngày 4/6/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Đề án thương mại hóa theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV). Tháng 10/2013, Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam đã được khởi động với tên gọi “Vietnam Silicon Valley – VSV”. Sau khi triển khai, Đề án đã hỗ trợ kết nối các đối tác, cá nhân và đặc biệt là đã thành lập được Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Vietnam Startup Foundation - VSF) với số vốn điều lệ là 5.200.000.000 VNĐ. Hoạt động hợp tác giữa quốc tế và các Bộ, ngành hỗ trợ khởi nghiệp cũng được đẩy mạnh, nổi bật trong các chương trình hợp tác quốc tế và các Bộ, ngành hỗ trợ khởi nghiệp là Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo (IPP); cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Israel” (Startup Israel/ Startup Tel Aviv); sự kiện “Kết nối đổi mới sáng tạo” (Innovation Roadshow); các chương trình tham quan, học hỏi kinh nghiệm quốc tế tại các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Israel, Phần Lan, Hoa Kỳ, Singapore cũng được Bộ KH&CN thường xuyên tổ chức nhằm mục đích giúp các starup Việt Nam tích lũy được kinh nghiệm quý giá từ các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tiên tiến, tìm kiếm các cơ hội hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, cơ hội kết nối với các đối tác kinh doanh và các nhà đầu tư tiềm năng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.