Tên lửa đẩy Long March 5 mới chỉ phóng thành công một lần nhưng không thực sự trọn vẹn. |
Tên lửa đẩy thế hệ tiếp theo Long March 5 dự kiến được phóng từ một địa điểm ở miền nam Trung Quốc trong tháng này, mang theo không chỉ một vệ tinh liên lạc thế hệ mới mà còn hy vọng sẽ khôi phục niềm tự hào dân tộc về chương trình vũ trụ sau một loạt thất bại, South China Morning Post cho biết.
Một trong những nguồn tin xác nhận về kế hoạch này, cho biết bầu không khí tại Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở phía bắc đảo Hải Nam rất căng thẳng.
Long March 5, còn gọi là CZ-5, tên lửa đẩy lớn nhất trong hạm đội tên lửa đẩy không gian của Trung Quốc. Nó có thể mang theo tải trọng 25 tấn vào quỹ đạo thấp, cách Trái Đất từ 645-1.610 km. Các kỹ sư đã thiết kế CZ-5 với khả năng mang tải trọng tới 32 tấn, nhưng chưa được thử nghiệm với tải trọng như vậy.
Nếu CZ-5 có thể mang tải trọng 32 tấn, nó sẽ vượt qua tên lửa đẩy Delta IV của Mỹ, Proton của Nga và Ariane 5 của châu Âu. Tuy nhiên, CZ-5 chưa cho thấy độ tin cậy của nó trong các sứ mệnh không gian trước đó.
Trong sứ mệnh đầu tiên vào tháng 11/2016, tên lửa không đạt được tốc độ cần thiết trong giai đoạn đầu của chuyến bay. Tuy nhiên, nhiên liệu tăng cường được đốt cháy thêm trong giai đoạn cuối đã giúp nâng được vệ tinh lên quỹ đạo, cho phép Trung Quốc tuyên bố vụ phóng thành công.
Tuy nhiên, trong sứ mệnh thứ 2 sau đó vài tháng, động cơ đã chết đột ngột sau khi phóng được vài phút và tên lửa đã lao xuống biển. Sự thất bại của CZ-5 đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng không gian và uy tín của Trung Quốc.
Trước khi vụ phóng thất bại, tinh thần của giới khoa học vũ trụ và các quan chức Trung Quốc lên rất cao, vì Bắc Kinh vừa phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới. Các phi hành gia của họ đã sống và làm việc hơn một tháng trên phòng thí nghiệm không gian Tiangong.
Trung Quốc đã bắt kịp Nga và Mỹ với hơn 20 sứ mệnh không gian hàng năm. Tuy nhiên, sau thất bại của CZ-5, nhiều chương trình không gian đã bị trì hoãn để đánh giá lại chất lượng và an toàn.
Năm 2017, kế hoạch thực hiện sứ mệnh mang mẫu đá Mặt Trăng về Trái Đất, lần đầu tiên kể từ sứ mệnh Apollo cuối cùng của Mỹ vào năm 1972, đã bị hoãn lại. Không có tên lửa đẩy CZ-5, kế hoạch xây dựng trạm không gian của Trung Quốc đã bị đình chỉ.
Kế hoạch hạ cánh trên Sao Hỏa để khám phá các khu vực mà Mỹ chưa chạm tới cũng bị hoãn lại.
Đánh giá về dữ liệu trong lần phóng thứ 2 của CZ-5 cho thấy một máy bơm nhiên liệu áp suất cao vào buồng đốt của động cơ tên lửa đã bị hỏng, gây ra mất lực đẩy đột ngột. Các nhà khoa học đã thiết kế lại máy bơm để làm cho nó tin cậy hơn, công việc này chỉ mất vài tháng.
Nhưng để tích hợp nó vào hệ thống, các kỹ sư đã mất hơn 2 năm để thử nghiệm thiết bị và phần còn lại của động cơ trong những thí nghiệm rất tốn kém. Các nhà nghiên cứu cho biết, CZ-5 có lẻ là mẫu tên lửa đẩy được kiểm tra kỹ lưỡng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Lời nguyền lần phóng đầu tiên
Càng gần ngày phóng, đội ngũ nhân viên của dự án càng lo sợ một thất bại khác, nguồn tin cho biết. Wu Yansheng, chủ tịch kiêm bí thư chi bộ Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), đã bay tới Văn Xương vào tháng trước để làm việc với đội ngũ nhân viên của dự án.
Ông Wu, một chuyên gia vũ trụ, người giữ vai trò lãnh đạo chương trình không gian có người lái của Trung Quốc cho sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng và các chương trình vũ trụ quân sự, đã dành 2 ngày để kiểm tra các công đoạn quan trọng, bao gồm lắp đặt cảm biến để điều chỉnh chuyến bay của tên lửa, theo trang web của CASC.
“Phóng thành công CZ-5 là nhiệm vụ chính trị lớn nhất của tập đoàn. Đội ngũ kỹ thuật viên của chương trình phải cẩn thận như người đi bộ trên lớp băng mỏng, hoặc đang đứng cạnh vực thẳm”, ông Wu nói.
Áp lực căng thẳng đến mức mê tín. Shijian-20, vệ tinh dự kiến được phóng lên bằng tên lửa CZ-5 sắp tới được xây dựng trên nền tảng mới có tên là Đông Phương Hồng 5, loại vệ tinh có thể tăng công suất liên lạc vệ tinh của Trung Quốc từ 20 lên đến 300 gigabytes mỗi giây.
Đã có những lo ngại rằng, khi Trung Quốc ra mắt nền tảng mới thì rất có thể nhiệm vụ sẽ thất bại, bởi vì điều này đã từng xảy ra chương trình Đông Phương Hồng trước đó. Hiện tượng này được đặt tên là “shoufei mozhou”, hay lời nguyền chuyến bay đầu tiên.
Ông Wu nhắc nhở đội ngũ nhân viên, rằng bạn phải phá vỡ lời nguyền “shoufei mozhou”.
Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong công nghệ thăm dò không gian. Bắc Kinh đã hạ cánh xuống phần tối của Mặt Trăng và đang xây dựng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu lớn hơn cả GPS của Mỹ, mở đường cho hệ thống định vị vệ tinh chính xác và đáng tin cậy nhất thế giới.
Trung Quốc đã thực hiện 29 sứ mệnh không gian trong năm nay, tương đương với số lần phóng của Mỹ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ cộng lại, nhưng khoảng cách về thành tích giữa nước này với Mỹ không hề bị thu hẹp.
SpaceX, công ty công nghệ do Elon Musk, người sáng lập Tesla tạo ra đã chế tạo và thử nghiệm thành công tên lửa đẩy Falcon Heavy, loại tên lửa với động cơ có thể tái sử dụng có thể mang tải trọng 60 tấn vào quỹ đạo thấp của Trái Đất với chi phí rất cạnh tranh.
Mỹ đang vận hành số lượng vệ tinh nhiều gấp 3 lần của Trung Quốc. Các vệ tinh quân sự của Trung Quốc bị lu mờ so với vệ tinh của Lầu Năm Góc, vì hầu hết tên lửa Long March chỉ nâng được tải trọng hơn 10 tấn.
Chương trình CZ-5 chứa đựng tham vọng rất lớn của Trung Quốc trong việc phóng các vệ tinh quân sự tải trọng lớn, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc.
Liang Xiaohong, cựu giám đốc Học viện Công nghệ tên lửa đẩy Trung Quốc, cho biết trong một bài phát biểu vào năm ngoái, rằng tên lửa đẩy CZ-5 sẽ góp phần giúp tăng cường khả năng của hải quân Trung Quốc trong việc theo dõi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, bằng cách phóng lên quỹ đạo các vệ tinh giám sát cỡ lớn có thể giúp Trung Quốc theo dõi các mục tiêu trên biển.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.