Tencent đầu tư vào startup "taxi bay" chạy bằng điện

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Ứng dụng 07/09/2017 16:04

Tencent đã trở thành nhà đầu tư của Lilium, một Startup có trụ sở tại Munich, Đức, sản xuất máy bay chạy điện

''fdgdfgfg

4 nhà sáng lập của Lilium và chiếc máy bay hoàn toàn chạy điện. Ảnh : Lilium

Tencent sẽ gia nhập nhóm nhà đầu tư hiện hữu tại Lilium gồm có Atomico, Obvious Ventures và Ngân hàng tư nhân LGT với khoản đầu tư 90 triệu USD. Atomico là quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập bởi nhà đồng sáng lập Skype Niklas Zennström, trong khi Obvious Ventures được sáng lập bởi Evan Williams, người đã thành danh với Blogger, Twitter và Medium.

Lilium cho biết sẽ sử dụng khoản đầu tư mới này vào việc chiêu mộ thêm nhân tài cho đội ngũ 70 kĩ sư hiện tại và phát triển chiếc "taxi bay" 5 chỗ ngồi có tên Lilium Jet. Hãng đã từng giới thiệu nguyên mẫu thử nghiệm nhỏ hơn với 2 chỗ ngồi đầu năm nay với khả năng cất cánh thẳng đứng mà không cần đường băng dài.

Remo Gerber, tân Giám đốc thương mại của Lilium cho biết chiếc taxi bay có thể bay được liên tục 1 giờ cho mỗi lần sạc đầy, với vận tốc 300km/h. Nó tương đương với một chuyến bay 5 phút từ Manhattan tới sân bay quốc tế John F. Kennedy, trong khi phải mất khoảng 1 giờ nếu đi bằng ô tô.

"Đó là những gì công nghệ pin điện có thể làm được ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi chắc chắn nó sẽ còn tốt hơn thế", Gerber nói. Việc lưu trữ năng lượng có lẽ là vấn đề lớn nhất đối với máy bay hoàn toàn chạy điện, và khi hành khách cũng như hành lý làm tăng trọng lượng máy bay thì tuổi thọ của pin sẽ là vấn đề cốt yếu. Nếu Lilium giải quyết được bài toán này thì đây sẽ là một bước tiến lớn.

Lilium Jet bước đầu sẽ có người lái để tránh "động chạm" tới các quy định hiện hữu và hành khách sẽ đặt chuyến bay qua một ứng dụng trên điện thoại. Gerber cho rằng Lilium Jet nên được cho phép hoạt động bên trong thành phố giống như một chiếc máy bay nhỏ hay trực thăng để phục vụ hành khách.

"Ngay cả London hay New York cũng đã có trường hợp tắc nghẽn máy bay trực thăng. Chúng ta nên sử dụng những phương tiện như Lilium Jet vì nó gây ít tiếng ồn, hạn chế tối đa về mặt khí thải và chỉ cần một điểm hạ cánh có kích thước bằng một sân bóng rổ", vị Giám đốc thương mại chia sẻ.

Chưa rõ Lilium sẽ tự khai thác dịch vụ gọi taxi bay này, hay sẽ kết hợp với đối tác khác. Tuy nhiên, Gerber cho biết giá cước cho một chuyến taxi bay sẽ chỉ ở mức xung quanh giá vé tàu điện hay giá cước taxi bình thường, tất nhiên sẽ còn phụ thuộc vào khoảng cách di chuyển cũng như số lượng hành khách cùng chia sẻ chuyến bay.

Gerber không cho biết thời gian chiếc taxi bay có thể được đưa ra thị trường, mà chỉ nói rằng "công ty sẽ hoàn thành việc phát triển và sản xuất trong vài năm tới, và sau đó việc quan trọng hơn là thông qua các thủ tục pháp lý."

Một ông lớn công nghệ khác là Uber cũng đã tuyên bố sẽ cho ra đời taxi bay vào năm 2020 mặc dù vẫn còn rất nhiều lý do để hoài nghi về kế hoạch có tên Uber Elevate này.

Ngoài Remo Gerber đến từ công ty công nghệ Gett, Lilium cũng đã mời được cựu giám đốc tại Airbus và Rolls Royce là Dirk Gebser về phụ trách sản xuất và Meggy Sailer, cựu giám đốc nhân sự của Tesla khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Nếu thành công, Lilium Jet cùng với những chiếc xe không người lái chạy trên đường của Uber hay Google và cả chiếc tàu siêu tốc Hyperloop chạy dưới lòng đất của Elon Musk, sẽ làm thay đổi phương thức di chuyển của loài người trong tương lai.

Ý kiến của bạn

Bình luận