Tết không tết của những “thần hộ mệnh”

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 31/01/2022 06:30

Khi mọi gia đình sum họp, quây quần, đầm ấm hạnh phúc bên nhau trong những ngày Tết thì ngoài biển khơi, trên trạm kiểm soát không lưu cao vợi, nhiều lao động ngành GTVT vẫn cần mẫn thực hiện công việc, nhiệm vụ của mình.




1

Nụ cười rạng rỡ của anh Trần Văn Khôi khi cứu nạn thành công thuyền viên gặp nạn trong cơn bão số 6 tại Quảng Trị

 “Thần hộ mệnh” trên biển không năm nào có Tết

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải là những người gần như không có khái niệm ngày lễ, Tết. Đối với họ, đón Tết sum vầy cùng gia đình là một điều xa xỉ và chưa bao giờ trọn vẹn khi ngoài khơi vẫn còn những ngư dân bám biển, những thuyền viên bám tàu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.Trò chuyện với anh Trần Văn Khôi - nhân viên cứu nạn của Việt Nam đầu tiên được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trao Giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” trong một ngày cuối năm, chúng tôi mới phần nào hiểu được những hy sinh thầm lặng của lực lượng TKCN hàng hải Việt Nam.

Trong suốt 15 năm công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II, hầu như chưa có năm nào anh Khôi về quê Đức Thọ, Hà Tĩnh ăn Tết hay đón thời khắc Giao thừa cùng vợ con. Trong những năm gần đây, tình hình thiên tai có biến động phức tạp, vì vậy, tập thể thuyền viên tàu TKCN được tăng cường công tác thường trực, huấn luyện, bảo dưỡng bất kể ngày lễ, Tết. Anh Khôi chia sẻ, bản thân cũng như toàn thể anh em thuyền viên làm việc trên các tàu TKCN phải luôn đảm bảo cho tàu và người sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. “Có lần, tôi đang nghỉ phép về quê để thăm bố mẹ nhưng khi nghe tin các anh em đồng nghiệp đang thực thi một nhiệm vụ khó, quy mô lớn, lòng tôi cứ canh cánh nỗi lo, chỉ khi nhận được tin nhiệm vụ đã hoàn thành tốt thì tôi mới bình tâm lại được.
Đối với thuyền viên tàu TKCN chúng tôi, anh em đã chung sống và coi nhau như một gia đình, cùng vượt qua nhiều phen hiểm nguy, gian khó. Vì vậy với tôi mà nói, việc tàu thực thi nhiệm vụ, nếu không thể tham gia được do bất kỳ lý do gì như nghỉ phép, ốm đau thì tôi cảm thấy có thiếu sót vô cùng lớn”, anh Khôi tâm sự.Đặc thù của công tác TKCN hàng hải là mỗi vụ việc có tính chất khác nhau, mỗi vụ việc đối với thuyền viên tàu TKCN đều là một bài học kinh nghiệm và là một ấn tượng không thể quên.
Anh Khôi kể, ngày mồng 1 Tết năm 2020, như thông lệ hàng năm, khi thuyền trưởng đang lì xì và chúc tết toàn tàu, anh em đang quây quần hấp lại nồi bánh chưng, thái giò, chả là những món quà được người nhà gửi từ quê vào để tàu dùng Tết thì đơn vị nhận được thông tin báo nạn từ tàu NORDANA MALEE (quốc tịch Thái Lan) đang trên hành trình từ BUSAN (Hàn Quốc) đi TP. Hồ Chí Minh. Tàu có một sỹ quan máy bị đột quỵ, tình trạng hết sức nguy kịch và phát tín hiệu yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.“Nhận lệnh, anh em lập tức vào vị trí làm việc, đĩa bánh chưng nóng hổi, mâm bánh kẹo, cả chậu mai nhỏ anh em chăm bẵm từ năm ngoái đến nay vừa ra được vài bông đều được dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị cho tàu lên đường thực thi nhiệm vụ.
Với tốc độ hành trình nhanh nhất, tàu SAR 412 đã tiếp cận được tàu NORDANA MALEE, triển khai cấp cứu tại chỗ giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, bảo toàn được tính mạng và đưa về đất liền điều trị. Đối với tôi, việc thực hiện thành công nhiệm vụ, kịp thời cứu sống được một bệnh nhân nguy kịch giữa trùng khơi là một niềm vui và hân hoan lớn trong dịp tết năm đó. Có thể nói rằng, Tết đối với chúng tôi là một điều xa xỉ, nhưng trong công việc chúng tôi luôn có những niềm vui và vinh dự riêng”, anh Trần Văn Khôi tâm tình.Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi, thường xuyên không được đón Tết sum vầy bên gia đình nhưng với anh Khôi cũng như những đồng nghiệp của mình, động lực lớn nhất giúp các anh vượt qua là cứu sống những người gặp nạn trên biển.“Khi bạn nhiều lần trực tiếp chứng kiến ranh giới giữa sự sống và cái chết của những người bị nạn, từ sự nỗ lực của bản thân mình và đồng đội, họ được bảo toàn tính mạng, điều đó vô cùng trân quý.
Nhiều lần cứu được người trở về đất liền an toàn, nhìn thấy người thân của họ òa khóc, có người ngất xỉu vì quá vui mừng..., mình cảm thấy rất tự hào, sự vất vả, mệt nhọc gần như tan biến”, anh Khôi bộc bạch.

5 năm đón tết ở đài kiểm soát không lưu

Chị Trần Thị Ngọc Ánh - Kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân bay Tân Sơn Nhất thuộc Tổng công ty Quản lý bay miền Nam chia sẻ, chị gắn bó với nghề 7 năm thì có đến 5 năm đón Tết tại đơn vị. Với chị, mỗi năm lại là một trải nghiệm khác nhau.“Ngày Tết cổ truyền với người Việt Nam là dịp để gia đình đoàn viên nên việc phải ăn Tết xa nhà là một điều rất thiệt thòi. Vào những ngày cận Tết, khi đi ngang qua nhà ga thấy cảnh mọi người náo nức về quê thì chắc chắn những người con xa quê như tôi sẽ rất khó cầm lòng.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc ca kíp không thể thay đổi được nên tôi coi việc điều hành tàu bay an toàn, giúp bà con nhanh chóng được về quê ăn Tết làm niềm vui để vơi bớt đi nỗi nhớ nhà”, chị Ánh xúc động.
Chị Ánh cho biết, trong dịp Tết, lưu lượng hành khách đông nhất trong năm nên người điều hành bay luôn phải tập trung cao độ để giữ cho luồng không lưu được an toàn, điều hòa và hiệu quả. Mặc dù công việc bận rộn, không được đón Tết bên gia đình nhưng bù lại thì không khí công việc của những ngày trực Tết lại rất vui. “Bước sang ngày đầu tiên của năm mới, tôi được nhận lì xì từ các anh chị đi trước, được chúc nhau những điều may mắn trong công việc và cuộc sống, cùng nhau chụp những bức ảnh kỷ niệm năm mới ngay tại đơn vị mình - đó là niềm động viên lớn lao giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ khi ăn Tết xa quê”, chị Ánh tâm sự.Chia sẻ về những lao động trực Tết, anh Nguyễn Việt Thắng - Trưởng Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Do đặc thù công việc nên anh em thiệt thòi không được ăn Tết cùng gia đình. Ban Giám đốc và cán bộ Trung tâm, các tổ chức đoàn thể trước Tết cũng mua hoa lan, hoa đào, hoa mai đặt tại bàn làm việc, rồi bánh kẹo, trái cây, bánh chưng để ở phòng giao/nhận ca để các kiểm soát viên không lưu có thể sử dụng trong giờ nghỉ.
Ngoài ra, trước và sau đêm Giao thừa và sáng mồng 1, đại diện Ban Giám đốc và cán bộ Trung tâm cùng các tổ chức đoàn thể đi chúc Tết các cơ sở làm việc trực tiếp nhằm động viên tinh thần anh chị em”. Thời khắc Giao thừa và mâm cơm cúng tổ tiên trong những ngày Tết là giờ phút thiêng liêng của người dân Việt Nam khi cả gia đình đoàn tụ đón năm mới và cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè... Để có những giây phút thiêng liêng, hạnh phúc ấy còn biết bao lao động, trong đó có bộ phận không nhỏ ngành GTVT phải đón Tết tại các công trường, trên biển, nhà ga, bến tầu, trên đường..., họ vẫn đang hy sinh thầm lặng để người dân đón Tết trong an vui và hạnh phúc.

Ý kiến của bạn

Bình luận