Thách thức ATGT nào trong thời kỳ “bình thường mới”?

An toàn giao thông 19/04/2022 10:01

Năm 2021, công tác đảm bảo trật tự ATGT đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là TNGT được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí, trong đó, số người thiệt mạng do TNGT lần đầu tiên được kéo giảm xuống dưới mức 6.000 người. Nối dài những kỳ tích này, ngay từ đầu năm 2022, công tác đảm bảo trật tự ATGT tiếp tục đặt quyết tâm cao trong việc phát huy hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên thực thế cũng phát sinh nhiều thách thức trong bối cảnh thích ứng "bình thường mới" của Covid-19.

 

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia  dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban tại hiện trường cứu nạn vụ TNGT  đường thủy tại Quảng Nam, ngày 26/02/2022

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban tại hiện trường cứu nạn vụ TNGT đường thủy tại Quảng Nam, ngày 26/02/2022

Hiện hữu thách thức lớn

Ngay từ đầu năm, không ít thách thức đã hiện hữu đối với trọng trách tạo lập môi trường giao thông thật sự an toàn, thân thiện của Việt Nam. Nhìn lại bối cảnh giao thông trong 3 tháng vừa qua, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp gây tác động tới mọi mặt xã hội, trong khi lực lượng chức năng đảm bảo trật tự ATGT ở các địa phương phải đồng thời chống dịch.

Mặt khác, 3 tháng đầu năm luôn là cao điểm trật tự ATGT với diễn biến phức tạp nhất trong năm bởi trùng với dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân tại nhiều tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an, trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 2.762 vụ TNGT, làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm 662 vụ (-19,33%), số người chết giảm 67 người (-3,84%), số người bị thương giảm 739 người (-29,80%).

Ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, hiện nay có một số tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, đó là vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ TNGT tại Gia Lai ngày 09/02 làm 6 người tử vong; vụ TNGT đường thủy tại Quảng Nam ngày 26/02 làm 17 người tử vong - đây là vụ TNGT gây thiệt hại về người nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.

Đồng thời, số người chết do TNGT đường thủy và hàng hải trong quý I/2022 tăng cao, trong đó đường thủy tăng 15 người (150%) và hàng hải tăng 3 người (42,86%).

Bên cạnh đó, tình trạng xe chở vật liệu xây dựng, chở cuộn thép rơi xuống đường gây mất ATGT đang có xu hướng gia tăng, gây ra TNGT thương tâm, điển hình như vụ xe container rơi cuộn thép làm 1 người đi đường bị thương tại TP. Hồ Chí Minh ngày 05/3.

Đặc biệt, 3 tháng đầu năm đã xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra, đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, từ ngày 06 - 12/3, trên địa bàn các huyện Đak Đoa, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa liên tiếp xảy ra 8 vụ TNGT làm chết 13 người, bị thương 2 người. Trong số các nạn nhân tử vong có 8 người sinh từ năm 2004 đến 2008.

Cũng theo ông Trần Hữu Minh, tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài, tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải… dẫn đến mặt đường bộ nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các tuyến đường tỉnh, đường huyện, có địa phương mặt đường trên những tuyến đê xung yếu cũng bị hư hỏng do xe quá tải hoạt động.

Lực lượng CSGT lập biên bản tài xế vi phạm trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội

Lực lượng CSGT lập biên bản tài xế vi phạm trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội

Nguyên nhân do đâu?

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, hiện vẫn còn một số “trở lực” trong công tác đảm bảo trật tự ATGT cần sớm phải dẹp bỏ một cách quyết liệt.

Nguyên nhân gây ra những tồn tại, hạn chế hiện hữu trước hết là công tác quản lý nhà nước về GTVT còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. “Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT còn hạn chế. Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự ATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe”, ông Khuất Việt Hùng nêu.

Mặt khác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp hiện vẫn còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... vẫn còn diễn ra khá phổ biến. “Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ”, ông Khuất Việt Hùng đánh giá.

Quyết liệt hơn để nối dài kéo giảm TNGT

Nhìn ở góc độ tổng thể, trật tự ATGT tiếp tục chuyển biến tích cực, nhưng để đạt được sự bền vững cũng như có động lực để tiếp tục đạt thêm nhiều thành tựu, việc quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết những thách thức đang nổi cộm, đe dọa đến thành quả đảm bảo trật tự ATGT. Trong 3 tháng đầu năm, dù xuất hiện nhiều thách thức lớn, song công tác đảm bảo trật tự ATGT tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực.

“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự ATGT trong quý I về cơ bản được bảo đảm tốt”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Đáng biểu dương là ngay từ những tháng đầu năm, mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lực lượng công an vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT chủ động xây dựng và triển khai 2 kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy và chuyên đề xe chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông...

Đặc biệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, đồng thời tiếp tục tập trung xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo kế hoạch.

Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, đây là những động lực quan trọng giúp tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc cơ bản được đảm bảo, số vụ và số người bị thương do TNGT tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Ý kiến của bạn

Bình luận